Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
McDonald’s cập bến TP.HCM bắt đầu cho một cuộc chiến
Anh Hoa - Thanh Tân - 17/07/2013 07:25
 
Nếu sự xuất hiện của Starbucks làm thị trường cà phê Việt Nam nổi sóng, thì sự xuất hiện của đế chế McDonald’s sẽ là “hiểm họa” cho các thương hiệu thức ăn nhanh đang kinh doanh tại đây.

Cơ hội phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu

Sau nhiều lần đến, lui, McDonald’s - gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ ăn nhanh thế giới đã sẵn sàng khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào đầu năm 2014.

Việt Nam là một trong 65 thị trường trên toàn cầu mà McDonald’s thực hiện phương thức nhượng quyền cấp phép phát triển Ảnh: S.T

Theo đó, Công ty Good Day Hospitality của doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, đồng thời là Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Ventures Việt Nam sẽ là đối tác nhượng quyền thương mại để phát triển thương hiệu này tại Việt Nam.

Lý giải việc chọn ông Hoàng là đối tác nhượng quyền, ông Dave Hoffmann, Chủ tịch McDonald’s khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi cho hay: “Khi mở rộng thị trường khu vực châu Á, chúng tôi muốn tìm đối tác có vốn kinh nghiệm kinh doanh đa dạng, nhạy bén và đặc biệt là am hiểu về thương hiệu này”.

Được biết, ông Hoàng đã theo đuổi thương hiệu này hơn 10 năm qua. Đây cũng là thời gian, ông cùng các thành viên của McDonald’s nghiên cứu thị trường.

McDonald’s chưa tiết lộ vị trí sẽ mở quán đầu tiên tại Việt Nam, cũng như quy mô của quán, nhưng có lẽ sẽ tương đương diện tích trung bình của cửa hàng McDonald’s tại Singapore (khoảng 1.000 m2).

Trước đó, có thông tin về việc McDonald’s chậm vào Việt Nam là do chưa tìm được nguồn nguyên liệu tươi tại địa phương. Trả lời câu hỏi này, ông Dave Hoffmann cho hay, mục tiêu của McDonald’s khi đến Việt Nam là muốn tạo cơ hội phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu tại Việt Nam. Do đó, chỉ những nguyên liệu nào mà Việt Nam không đáp ứng được, thì McDonald’s mới nhập khẩu.

Liên quan đến các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam, trong 2 - 3 năm đầu hoạt động, McDonald’s chủ yếu giới thiệu những món ăn đặc trưng, để người Việt Nam biết đến thương hiệu này, như bánh sandwich Big Mac, Cheeseburger, khoai tây chiên. Sau đó, tùy theo khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam, McDonald’s sẽ có sự điều chỉnh bổ sung những món mới phù hợp với khẩu vị của người bản địa.

Ông Don Thompson, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn McDonald’s cho biết: “Chúng tôi tập trung đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và sẽ cố gắng làm tốt hơn cả mong đợi của khách hàng”.

Như vậy, Việt Nam là một trong 65 thị trường trên toàn cầu mà McDonald’s thực hiện phương thức cấp phép phát triển. Đây cũng là phương thức nhượng quyền mà McDonald’s đã sử dụng hơn 30 năm qua trên toàn cầu để phát triển thương hiệu.

Kẻ “phá bĩnh”?

Trước đó, việc McDonald’s chậm thâm nhập thị trường Việt Nam khiến nhiều người cho rằng, gã khổng lồ này sẽ khó khăn hơn các đối thủ ở việc thu hút người tiêu dùng và chiếm được những vị trí đẹp.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự chậm trễ này lại là bước đi khôn ngoan của McDonald’s. Chính sự có mặt sớm của các thương hiệu nổi tiếng khác đã tạo ra xu hướng tiêu dùng mới đối với người dân Việt Nam và McDonald’s được hưởng lợi từ đó. Hơn nữa, người tiêu dùng tìm đến với McDonald’s vì danh tiếng sản phẩm bất kể địa điểm ở xa hay bất lợi về hạ tầng giao thông, giống như thời gian qua họ đã tìm đến thương hiệu Starbucks vậy.

Cuối cùng, khi McDonald’s đặt chân vào Việt Nam, chứng tỏ, miếng bánh thị trường này vẫn còn rất lớn để họ chiếm lĩnh.

Song bất kỳ kẻ mạnh nào cũng có điểm yếu. McDonald’s cũng gặp nhiều rào cản trong việc tìm kiếm và thiết lập mạng lưới cung cấp sản phẩm đầu vào đạt tiêu chuẩn cho các nhà hàng của mình. Ở các thị trường mới, việc đáp ứng được các điều kiện khắt khe về quản lý chất lượng, cũng như vận hành của McDonald’s là không dễ dàng với các nhà cung ứng hiện có. Các nhà cung ứng sản phẩm sẽ phải bỏ ra một khoản đầu tư không nhỏ, để tái cơ cấu nhằm thích nghi với những đòi hỏi của phía McDonald’s.

Bên cạnh đó, là vấn đề giá cả. Theo giới phân tích, McDonald’s phải làm cho mức giá bán burger phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. “Bản chất của fastfood là rẻ và tiện lợi. Nếu ở Đức, chúng tôi bỏ ra 1 EUR để ăn một chiếc bánh burger của McDonald’s, thì không lý gì ở Việt Nam, lại phải bỏ tiền đắt gấp 2 - 3 lần”, một doanh nhân trẻ chia sẻ.

Mọi chuyện vẫn đang ở phía trước, song giống như sự xuất hiện của Starbucks làm thị trường cà phê Việt Nam nổi sóng, thì sự xuất hiện của đế chế McDonald’s sẽ là “hiểm họa” cho các thương hiệu thức ăn nhanh đang kinh doanh tại đây, như KFC, Jollibee, Lotteria, Burger King… Đó là lý do vì sao, các thương hiệu đến trước này đang phải chuẩn bị tổng lực để bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt sẽ diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2017.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư