NỘI DUNG, TRÌNH BÀY: HỒ HẠ  |  ẢNH: NVCC

Cuộc hẹn với nghệ nhân trà, kiến trúc sư, doanh nhân Đào Đức Hiếu, người sáng lập kiêm Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Giàng và Dự án “Việt Nam Ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”, sáng lập thương hiệu trà Shansen vào một buổi sáng Hà Nội tràn ngập sắc thu, màu nắng non tơ, muôn lá mơ màng, phố phường lãng mạn.

 

Nắng Thủ đô có khi trong veo như ánh mắt trẻ thơ lén xuyên qua khen tấm rèm tre vui đùa bên bàn trà; có khi sóng sánh ủ ngọt cho chén hồng trà thêm đậm đà hương sắc; có lúc nhảy nhót trên hộp sơn mài lấp lánh ánh vỏ trai; rồi lặng lẽ hòa vào khúc nhạc thiền yên bình và thư giãn trong không gian thanh tịnh của lớp học “Hiểu về trà” tại tầng 5, trụ sở Tinh hoa làng nghề Việt (số 8, ngõ 28 đường Võ Chí Công, Hà Nội).

 

Trong không gian ngập tràn nắng thu tinh khôi ấy, bên ấm hồng trà, nghệ nhân trà, nông dân, kiến trúc sư, doanh nhân Hà thành Đào Đức Hiếu vừa trang nhã, thanh lịch với chiếc áo dài gam màu trung tính toát lên lối mặc tinh tế; vừa nho nhã, trí tuệ với những câu chuyện thấm đẫm tình yêu nhân loại, yêu quê hương đất nước của lối sống nghĩa tình. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã kéo dài xuyên trưa, liên tục 6,5 giờ đồng hồ, từ 8 giờ đến 14h30.  

 

 

Đó là lần đầu tiên kẻ ngoại đạo về trà như tôi được thưởng thức và lắng nghe câu chuyện về trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng thượng hạng. Nhấp chén trà ấm nóng trong tay, ngũ quan của tôi dường như bừng lên sức sống. Tôi như đang ngồi giữa đỉnh núi chót vót quanh năm mây sương giăng phủ. Miệng tôi như đang nếm trọn hương vị đại ngàn. Mắt tôi như đang ngắm nghía những búp chè non tơ căng mọng phủ lớp lông mao như tuyết. Tai tôi như nghe thấy bản hòa tấu của tiếng chim và suối chảy róc rách. Mũi tôi như đang hít hà không khí mát lành. Tóc tôi như đang tung bay đón gió. Còn tay tôi đang mải mê đùa nghịch với hoa cỏ ướt đẫm sương đêm.

 

Uyển chuyển pha trà, nghệ nhân sinh năm 1980 giọng trầm ấm: “Hồng trà với vị thanh nhẹ đặc biệt thích hợp và tốt cho phái nữ. Hãy chia trà trong chén làm ba ngụm nhỏ. Ngụm đầu tiên nuốt nhanh để làm sạch khoang miệng. Ngụm thứ hai đẩy toàn bộ nước trà lên khoang miệng phía trước. Ngụm thứ ba giữ lại không nuốt ngay mà để cho toàn bộ khoang miệng phía trong và cuống họng chạm vào trà. Bằng cách này, cả khoang miệng với hàng triệu mao mạch của bạn sẽ chạm được vào trà”.

 

Cứ như thế, tôi bị cuốn theo những câu chuyện về tình yêu, đam mê trà Việt của nghệ nhân trẻ và gần như quên đi những câu hỏi chuẩn bị trước. Đó là câu chuyện về một “Giàng A Hiếu” (cái tên đồng bào Mông Suối Giàng (Yên Bái) đặt cho Đào Đức Hiếu) mà bất cứ làng nghề truyền thống nào cũng khát khao có được. Một Giàng A Hiếu dù không sinh ra hay lớn lên ở đỉnh Suối Giàng, nhưng anh như thể được sinh ra với sứ mệnh gìn giữ những tinh hoa và phát triển vốn cổ ở miền sơn cao là “thủ phủ” của những cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi này.

 

 

Từ một đỉnh núi chẳng có gì ngoài những gốc chè cổ thụ và cỏ dại mọc cheo leo trên đỉnh núi mù sương, chàng kiến trúc sư quê Hà Nội đã nỗ lực không ngừng suốt 6 năm để biến nơi đây thành “xứ sở hạnh phúc Suối Giàng”. Anh đã giúp hàng ngàn người Mông ở xã nghèo 135 cứ đến mùa đông là kêu: “Ôi, lạnh quá!”, “Ôi, đói quá!”, vốn mù tịt về du lịch, làm thương mại nay có được sinh kế bền vững trên chính quê hương và được an yên trong từng hơi thở.

 

Vượt qua bao gian nan, thử thách và chẳng nề hà những khó khăn đợi chờ phía trước, anh một lòng đi trên con đường riêng đã chọn. Con đường ấy là “Đức” và “Hiếu”, là độc đạo, là duy nhất, là riêng biệt, là độc lập, là tư cách, là tốt lành, là kính yêu, là biết ơn, là đạo lý và là bổn phận như chính cái tên cha mẹ đặt cho anh.

 

Tình yêu và khát khao phát huy những giá trị tinh hoa trà Việt nơi sâu thẳm cứ tự nhiên tuôn trào, thôi thúc anh không ngừng sáng tạo nên những cực phẩm trà Shan tuyết cổ thụ chứa đựng cả sự ấm nồng truyền thống và hơi thở thời đại, để càng lâu giá trị càng cao với sứ mệnh chinh phục thế giới bằng chính thương hiệu trà Việt.

 

Và còn đáng trân quý hơn khi trên hành trình ấy, người nghệ nhân trà không chọn đi một mình để tiến nhanh, mà chọn đi chậm hơn nhưng xa hơn cùng các vùng trà và những sản phẩm làng nghề truyền thống khác của Việt Nam. Anh nguyện một đời bền bỉ đánh thức sức mạnh tiềm ẩn bên trong những gã khổng lồ đang ngủ quên nơi các làng nghề, để chinh phục thế giới bằng chính những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với tâm niệm “phải làm những điều rực rỡ cho quê hương, đất nước để không uổng phí một lần có mặt ở trần gian”.

 

 

(CÒN NỮA)

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 1

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 2

XEM TIẾP CHƯƠNG 3

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 5

 

HỒ HẠ THỰC HIỆN 02/09/2024 09:02
Back To Top