Khi tìm hiểu sâu về câu chuyện văn hóa trà của Việt Nam, nghệ nhân Đào Đức Hiếu nhận thấy, hầu hết mọi người đang theo văn hoá trà một cách tự do, nên trà không có quy chuẩn. Nhưng, trà với người Việt là cả một đời sống. Anh tin, khi mọi người hiểu về trà, sẽ yêu trà.
Từng đi hơn 30 quốc gia trên thế giới để tìm hiểu và học cách làm trà. Doanh nhân Đào Đức Hiếu cho biết, anh học được kỹ nghệ làm trà chủ yếu từ 3 nơi Vân Nam, Mãnh Hải (Trung Quốc) và Đài Loan. Còn văn hóa thưởng thức trà ở mỗi nước lại có sự khác biệt. Hiếu nghiên cứu kỹ người châu Á, với văn hoá Á Đông họ uống trà kiểu gì. Người châu Âu uống trà như thế nào. Trà ở nước nào, nơi nào cũng có, nhưng Hiếu đặc biệt thích văn hóa trà của người Nhật và người Anh.
“Người Nhật đã xây dựng câu chuyện văn hóa trà rất kỹ lưỡng, họ biến văn hóa trà thành đạo trà. Tức là họ có nghi thức, nghi lễ để thực hiện. Họ có đầy đủ các quy trình để triển khai, có tên gọi cho từng vị trí, từng con người, từng cái khăn tên là gì, dắt nó ở đâu… Tất cả đều tỉ mỉ, chi tiết kỹ lưỡng và tinh tế.
Còn người Anh có văn hóa trà chiều. Họ không uống trà vội như ở các nước khác, mà họ nhâm nhi, thưởng thức cùng các loại bánh. Họ mang theo thú cưng, ăn mặc trang phục sang trọng, đẹp đẽ như giới quý tộc”, anh Hiếu chia sẻ và cho biết, ở Paris cũng có các tea house và có những hiệu trà rất nổi tiếng, nhưng họ sẽ uống trà nhanh hơn và chủ yếu dùng trà túi lọc.
Ở Nga, họ đưa vào trong các cung điện để giới thượng lưu uống trà hoặc uống trà với sữa. Hay Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia uống trà nhiều nhất trên thế giới. Họ uống trà đen với sữa và đây là thức uống chính hàng ngày của họ. Vì trà là một thứ nước uống rất đặc biệt. Nó có hơn 2.000 dược tính khác nhau. Chúng tự lén lỏi vào cơ thể và không bị hạn chế thời gian sử dụng. Bản chất của trà là một vị thuốc, nó có dược tính cao nhất trong tất cả các loại dược tính của cây cỏ. Đấy cũng là quyền lực của trà, và lý giải vì sao trà lại được con người lựa chọn là thức uống nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau nước lọc.
Khi tìm hiểu sâu về câu chuyện văn hóa trà của Việt Nam, anh nhận thấy hầu hết mọi người đang theo văn hoá trà một cách tự do. Thế nên, trà không có quy chuẩn. Cách uống trà không cần thiết phải quá cầu kỳ. Kỹ thuật pha trà cũng vậy.
Nhưng, trà với người Việt là cả một đời sống. Khi chúng ta sinh ra thì bà và mẹ đã tắm cho chúng ta bằng lá trà xanh rồi. Và khi chúng ta mất đi cũng luôn có trà bên cạnh. Trong tất cả các sự kiện lớn, nhỏ từ lễ dưới đến đám hiếu, tiệc tùng hay lễ, Tết của người Việt đều có trà. Đặc biệt, tất cả các gia đình có bàn ở phòng khách thì gọi là bàn trà. Không gia đình Việt Nam nào không có ấm trà. Không một cơ quan nào không dùng trà để tiếp khách. Trà giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện” vậy.
Việt Nam có cả một lịch sử về trà. Chưa kể một số vùng bây giờ được xem là vùng thủy tổ của trà trên thế giới như Suối Giàng chẳng hạn. Vậy thì một vùng đất được coi là thủy tổ của trà trên thế giới phải có lịch sử trà rất đồ sộ chứ?
Đúng vậy, 400 năm trước, tại thương cảng Hội An đã tìm được những hóa đơn xuất khẩu trà Việt Nam đi ra thế giới. Trong lịch sử của đạo mẫu cũng đã tìm thấy lễ dâng trà. Trong các di vật khảo cổ được ở Hoàng Thanh Thăng Long - Hà Nội, đã tìm được ấm trà và chén trà từ những thế kỷ XV, XVI. Và những bức Phù điêu của thế kỷ thứ XII, XIII cũng đã có những hình ảnh về ấm trà và dâng trà và cả những câu chuyện về thần nông có trong truyền thuyết của chúng ta.
Trong lịch sử, từ thời Chúa Trịnh Sâm hay thời Lạc Long Quân đã có lịch sử trà. Cuốn sách “Văn minh trà Việt” của tác giả Quang Dũng có thể tạm gọi là một cuốn từ điển sống về trà, nói về lịch sử trà Việt Nam.
Say mê trà, Hiếu đúc kết những yếu tố để thưởng trà gồm: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Quan trọng nhất là nước. Nếu có điều kiện, hãy dùng nước suối để pha, còn không, có thể dùng nước mưa và tối thiểu là nước tinh khiết chứ không được dùng nước máy. Nước mưa chỉ có yếu tố thiên, nước giếng chỉ có yếu tố địa, còn nước suối thì có cả thiên, địa và nhân là người đi lấy ở giữa nguồn.
Thứ nhì là trà ngon. Thứ ba là cách pha, làm nóng ấm chén, nước sôi khoảng 85 độ C và rót hết nước trà sau mỗi lần pha. Tứ ấm là pha bằng ấm gốm nung là tốt nhất, hương trà sẽ thẩm thấu, lưu lại trong ấm sau mỗi lần pha. Ngũ quần anh là thưởng trà với những người bạn tâm giao.
Thưởng trà là nghệ thuật, người pha trà là nghệ nhân. Văn hóa trà Việt hình thành từ hàng nghìn năm qua với những dụng cụ pha trà cùng cách thưởng thức rất riêng, rất thơ, rất tình. Bởi vậy mà đại thi hào Nguyễn Du đã điểm bút rằng: “Khi hương sớm lúc trà trưa/ Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàm”.
Thưởng trà là sự giao thoa tinh tế giữa văn hóa truyền thống và nét đẹp hiện đại. Văn hóa thưởng trà từ lâu đã được xem là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, từ hình ảnh quán nước cây đa đầu làng với ấm trà xanh, phong kẹo lạc, điếu thuốc lào cho đến chén trà mời khách trong mỗi gia đình Việt. Cách pha cũng có sự khác biệt và biến tấu, nhưng ý nghĩa và tinh thần mỗi tách trà không bị phai mờ. Thưởng trà bằng cả ngũ quan để có thể cảm nhận và tận hưởng được hết sự tuyệt hảo của trà.
Đó chính là sự êm ái, bùi bùi, mùi hương được duy trì mức độ ổn định lâu dài. Nước khi nguội rồi vẫn còn thơm thanh khiết, đến đáy cốc vẫn còn vấn vương nơi khứu giác. Ngọt nơi hậu vị xen lẫn cái chan chát khiến tâm trí ta thêm thư giãn, thích thú. Sự cân bằng vị giác này khó có mỹ vị nào đạt được.
Màu nước đúng bảng màu với từng loại trà: xanh, hồng, cam… Màu nước trong, không vẩn đục. Đặc biệt là không có hoặc rất ít bọt khi rót, nếu có bọt sẽ tan ngay. Khi trà nguội, hay để khô chén khi không uống hết, sẽ không bị bám vết lên chén trà hay miệng ấm.
Tay cầm chén trà trong tinh tế và trân trọng. “Chén trà là đầu câu chuyện” và vì thế mà cung cách mời trà cũng được chú trọng rất nhiều qua lời truyền dạy của các bậc cố nhân. Và lắng nghe tâm trí một cách tĩnh lặng, tận hưởng. Dùng tâm để pha trà và cảm nhận được sự trọn vẹn mà giá trị của trà mang lại.
Hình ảnh hiền nhân ngồi bên bàn trà, thư thái cùng tri kỷ về những giá trị trân quý trong cuộc sống đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người về nền văn hóa Việt. Trà tìm đến với mọi người thật bình dị, nhiều màu sắc, trà không phân biệt địa vị, không phân biệt tuổi tác mà mang tính gắn kết, hòa nhập, giúp tịnh tâm, nâng cao sức khỏe và lưu giữ giá trị truyền thống lâu đời.
Nói về dược tính của trà, Hiếu say mê kể: Bạn biết không, chỉ cần ngủ ở trên núi thôi, sáng ra đã thấy sự khác biệt so với ngủ ở Hà Nội - nơi hít thở chung với 10 triệu người, với vài triệu xe máy, ô tô, vài triệu điều hòa. Trong khi đó, cả một đỉnh núi rộng mênh mông Suối Giàng chỉ có khoảng 5.000 người. Ở môi trường đó, cây không cần chăm, không cần tưới nên chất lượng khác hẳn. Con người sống giữa rừng thuốc, sống giữa thiên nhiên cũng vậy.
Khi phát triển du lịch, anh nhận thấy ở Suối Giàng, tại sao y tế không phát triển? Mang thắc mắc đó, Hiếu hỏi chị Hạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã thì chị ngạc nhiên, bảo rằng: “Chúng em cũng trăn trở lắm về chuyện này, nhưng không có giải pháp gì để thay đổi cả, vì mọi người ở đây có mấy ai ốm đâu?”.
“Tôi ngẫm ra, có thể do uống trà Shan tuyết thường xuyên mà ông nội tôi không mắc Covid-19, bố tôi không mắc Covid-19, tôi không mắc Covid-19 và đa số bà con Suối Giàng cũng không mắc viruscorona. Chỉ có một vài trường hợp mắc là những người đi xa trở về, phải cách ly, bà con hỏi: “Đã hái lá trà cho nó uống chưa?”.
Hay ông nội tôi 98 tuổi, làm trà và uống trà Shan tuyết đã được 50 năm, giờ vẫn đi xe máy bình thường. Hôm Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm, ông vẫn pha trà và nói rằng sẽ tham mưu cho Bộ trưởng về chiến lược nông nghiệp của quốc gia”, anh Hiếu bật mí và nhấn mạnh một lần nữa: “Trong trà có hơn 2.000 loại dược tính khác nhau. Và nó tự lên lỏi để chữa lành các lỗi của người ta. Mà anh nghĩ là nó chữa lành tự nhiên thì đây là điều rất quan trọng”.
Trong một cuộc nghiên cứu được tiến hành trên hơn 40.500 đàn ông và phụ nữ Nhật Bản, kết quả cho thấy những người uống nhiều trà xanh nhất có nguy cơ tử vong do bệnh tim và đột quỵ thấp nhất.
Hiếu bảo, đa số chúng ta chưa hiểu hết về trà, nên thấy trà khó tiếp cận với người trẻ. Nhưng thế giới bây giờ đã toàn cầu hóa. Có những loại trà ưu ái dành cho phụ nữ một cách đặc biệt, đó là hồng trà, vì nội tạng của phái nữ không giống như đàn ông. Việc giấc ngủ của người phụ nữ không tốt thì ngày hôm sau da ảnh hưởng ngay do gan có khỏe hay không. Thì trà giúp giải độc gan. Vì thế, mới gọi là trà dưỡng nhan.
Hồng trà Shan tuyết là loại thức uống rất tốt cho sức khỏe đặc biệt tốt cho phụ nữ. Nếu có thể sử dụng Hồng trà như một thức uống hàng ngày, chắc chắn các bạn sẽ cảm nhận cơ thể thay đổi sau từ 2 đến 3 tuần. Hồng trà Shan tuyết có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện não bộ và hệ thần kinh, tăng cường sức khỏe răng miệng, tăng cường hệ miễn dịch.
Ngoài ra, Hồng Trà được mọi người truyền tai nhau bởi độc chiêu ngừa cảm cúm, trúng gió. Vị ngọt tự nhiên của hồng trà dưỡng dương khí. Bởi trong hồng trà có chứa nhiều thành phần protein và đường, các chất sẽ giúp ấm bụng, tăng khả năng chịu lạnh.
Chính vì thế, Dự án “Vietnam Teashop” do anh sáng lập liên tục khai giảng các khóa huấn luyện “Hiểu về trà” nhằm mang đến cho quý hữu trà cái nhìn toàn diện về trà, từ lịch sử, văn hóa đến cách thưởng thức trà ngon và đúng điệu. Khóa học không chỉ giúp người học hiểu rõ hơn về nền trà Việt Nam, mà còn mở ra cánh cửa để khám phá các vùng trà đa dạng trên thế giới. Đặc biệt sau khóa học, bạn sẽ hiểu và biết cách lựa chọn được những phẩm trà ngon và an toàn cho sức khỏe của bản thân và cả những người thân xung quanh mình.
“Làm trà nương là học cách trở thành một thiện nữ. Bạn không chỉ được học cách pha trà, mà còn là tác phong, tư duy sống, cũng như cách để kết nối sâu sắc với những mối quan hệ xung quanh thông qua trà. Hiểu về trà cũng là lúc ta hiểu về chính mình, đánh thức được những tiềm ẩn bên trong. Cân bằng thân tâm, an lạc, tinh thần luôn nhẹ nhàng, thư thái và chữa lành tự nhiên thông qua việc luyện trà mỗi ngày”, nghệ nhân Đào Đức Hiếu nói.
Anh khuyên hãy dành cho bản thân một ly trà mỗi ngày, bởi khi ăn, cơ thể phải chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Kết quả là quá trình này sản sinh ra các phụ phẩm gọi là gốc tự do. Những chất hóa học này khá độc hại và có thể gây tổn thương cho cơ thể thông qua quá trình gọi là oxy hóa. Về mặt lý thuyết, các gốc tự do này chính là tác nhân gây lão hóa. Và trà có thể chống lại các gốc tự do này bằng cách hấp thụ các chất chống oxy hóa dễ dàng.
Nghệ nhân trà cũng mong: “Nếu có cơ hội, mọi người hãy tới thưởng trà trên đỉnh núi, săn mây tại Suối Giàng, tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ, hít thở hàng tỷ lít không khí sạch, trải nghiệm được chạm vào những gốc trà hàng trăm năm tuổi, tự tay hái những búp trà được “trời dưỡng”, lắng nghe cơ thể tự chữa lành từ bên trong. Bạn sẽ có trải nghiệm khó quên trong đời khi thưởng thức và hiểu về trà Việt”.
Với niềm tin, khi hiểu về trà, mọi người sẽ yêu trà. Tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024, anh Hiếu đã tổ chức tour thưởng trà Shansen và Workshop cắm hoa sen nghệ thuật “Vị sen”. Tại đây, du khách có cơ hội thưởng thức những tách Shansen quý hiếm kết hợp từ những búp trà Shan tuyết trên 300 năm tuổi ởđỉnh núi Suối Giàng với sen bách diệp thanh tao, thuần khiết ở Tây Hồ (Hà Nội).
“Chầm chậm thưởng thức hương vị của loại trà quý nóng hổi, vàng sánh, vị thanh, ngọt dịu cứ lưu giữ mãi nơi đầu lưỡi. Thật vui mừng khi tôi có cơ hội thưởng thức loại trà quý của Việt Nam. Tôi thực sự ấn tượng trước màn trình diễn trà Việt kích thích đa giác quan, thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà của nghệ nhân Đào Đức Hiếu”, ông Ryosuke Yamada (65 tuổi), một du khách Nhật Bản bày tỏ sau khi trải nghiệm tour thưởng trà Shansen.
Hiện nay, hàng ngày tại “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”, anh Hiếu và các cộng sự tổ chức tour thưởng trà Shan tuyết cho bạn bè gần xa, nhất là trước khi du khách ra sân bay về quê hương. Ở đây, du khách có thể thưởng trà, thăm quan, mua sắm những sản phẩm tinh hoa của các làng nghề Việt như: Trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, trầm hương Khánh Hòa, lụa đũi Nam Cao, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái…
Một khảo sát thú vị của nghệ nhân Đào Đức Hiếu sau khi phỏng vấn 100 người về trà tại Hà Nội (độ tuổi từ 25 - 65) thì thấy, có 37 người quen uống trà Thái Nguyên (trà xanh, trà sen, trà tươi) đậm đà, nước đẹp, hương thơm. 22 người quen và đang uống trà Trung Quốc - Đài Loan (Phổ Nhĩ - Oolong). 12 người tìm hiểu uống trà organic - trà hữu cơ Shan tuyết cổ thụ Việt Nam các vùng (Tây Côn Lĩnh Hà Giang, Tà Xùa Sơn La, Tam Đường Lai Châu, Suối Giàng Yên Bái...).
Có 11 người không uống trà vì quan điểm chung là (trà mất ngủ, trà không sạch, trà đắng, chát, uống rượu không thích uống trà). 13 người uống trà sữa (các thương hiệu Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc ...). 5 người uống trà túi lọc (các thương hiệu trà nhập khẩu các nước châu Âu vì tiện lợi, nhanh, và chưa quan tâm đến công dụng và lợi ích từ trà).
Trong đó 89% khi đi ăn thì đều sẵn sàng gọi trà đá uống cùng và không quan tâm đấy là trà gì? Có sạch và đảm bảo không? Trà đá là thức uống dễ chấp nhận nhất. Tổng quan, nghệ nhân Đào Đức Hiếu nhận thấy: “Trà là thức uống của người Việt, từ nông thôn đến thành thị đều uống trà hay thưởng trà. Không phải tự nhiên mà một bộ bàn ghế phòng khách thì chiếc bàn được gọi là bàn trà, nhà nào cũng phải có bộ ấm chén pha trà. Trà đồng hành cùng cuộc sống người Việt thế đấy!”.
TỨ ĐẠI DANH TRÀ SUỐI GIÀNG:
Bạch trà chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và cực kì có lợi cho sức khỏe. Vì chỉ lấy búp trà để chế biến nên thành phần dược chất quan trọng trong trà rất cao. Bạch trà được đánh giá là một loại thuốc bổ tuyệt vời, là một trong những quà tặng quý giá của thiên nhiên, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật, là lá chắn bảo vệ tế bào, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, bảo vệ tim mạch, chống đột quỵ, hạn chế cholesterol, chống oxy hoá và ngăn chặn tế bào ung thư, làm giảm tỷ lệ mắc các chứng Parkinson và Alzheimer.
Hồng trà không chứa caffeine và axit oxalic, có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa, có tác dụng làm ấm, hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, giúp giảm cân, tốt cho xương, giữ cho tóc chắc khỏe và đặc biệt là tăng cường chức năng tim mạch. Ngoài ra, Hồng trà cũng biết đến với khả năng giải độc do có chứa nhiều alkali có thể hấp thụ kim loại nặng cùng kiềm sinh vật, đồng thời cũng lắng đọng phân giải.
Hoàng trà giữ được hương thơm êm dịu và tươi mát của lá chè non, nước trà có màu vàng óng tuyệt đẹp. Sau khi uống vào sẽ có cảm nhận ngay ở đầu lưỡi về vị hơi chát rất thanh, rồi sau đó thì mới thấy vị ngọt hậu ở cổ họng. Bên cạnh vị ngon đậm đà, Hoàng trà còn có hiệu quả tuyệt vời trong việc bảo vệ sức khoẻ như thanh lọc cơ thể, giảm cholesterol, tốt cho tim mạch, tốt cho răng miệng, nâng cao hệ miễn dịch, chống lão hoá, ngăn chặn tế bào ung thư và giảm stress. Do vậy, Hoàng trà rất được mọi người yêu thích và tin tưởng sử dụng.
Diệp trà có công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như chống oxy hóa, tốt cho tim mạch, giảm đường huyết, phòng chống ung thư về đường ruột, tăng cường miễn dịch, tốt cho xương và răng miệng. Ngoài ra, Diệp trà còn giúp tạo trạng thái dễ chịu, giảm căng thẳng tốt cho người sử dụng.
(CÒN NỮA)