Hơn 2.000 làng nghề trên cả nước, trong đó, có hơn 1.400 làng có nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống, 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận, và gần 1.000 nghệ nhân làng nghề có hàng chục năm kinh nghiệm… là kết tinh tinh hoa văn hóa, lịch sử của dân tộc, là “báu vật” quốc gia cần được giữ gìn, phát huy, phát triển và cạnh tranh với thế giới. Bởi thế, nghệ nhân Đào Đức Hiếu đang nỗ lực nối vòng tay lớn, hội tụ các làng nghề và mở ra không gian mới, tâm thế mới cho các làng nghề Việt Nam cùng nhau vươn ra toàn cầu.
Qua tìm hiểu ngành trà ở hàng chục quốc gia trên thế giới, nghệ nhân, doanh nhân Đào Đức Hiếu nhận thấy trà được quan tâm với mức độ khác nhau ở các nước. Với các nước có nền trà phát triển, họ có văn hóa để người dân học về trà. Họ có câu chuyện phân phối thông minh. Họ có hệ sinh thái những ngành công nghiệp phụ trợ cho trà.
Tại Việt Nam, nếu như trước đây, chè được xác định là cây xóa đói giảm nghèo, thì nay đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân ở các vùng trà làm giàu. Ngày 30/12/2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chè là một trong 10 cây chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Quyết định hướng đến cơ cấu lại các vùng sản xuất chè an toàn theo hướng: Vùng có độ cao tới 500 m so với mực nước biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, tập trung ở các vùng trung du và núi thấp. Vùng có độ cao từ 500 m đến dưới 800 m, định hướng phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh và chè đen cao cấp. Vùng có độ cao trên 800 m như chè Shan tuyết Hà Giang, Yên Bái định hướng phát triển sản xuất chè xanh chất lượng cao,...
Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh như tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa khâu đốn, hái chè, trồng cây che bóng; sản xuất chè có chứng nhận, chè hữu cơ. Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Đồng thời, đổi mới công nghệ thiết bị chế biến, đa dạng hoá sản phẩm, đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến để tăng cường quản lý chất lượng và nâng cao giá trị của sản xuất chè gắn với việc xây dựng thương hiệu chè Việt Nam.
Mừng vì đều này, nhưng sau hơn 20 năm miệt mài theo đuổi ước mơ tạo giá trị đỉnh cao cho trà Việt, nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu vẫn đau đáu với nỗi niềm: “Đến bao giờ có Chiến lược trà quốc gia?Hơn 40 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có trà. Tính cả trà trung du và trà cổ thụ, cả nước có gần 80 vùng trà. Có thể gọi Việt Nam là quốc gia trà. Vì thế, nên sớm có chiến lược trà quốc gia”, anh khuyến nghị.
Thay vì việc xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn như bây giờ, anh Hiếu cho rằng, cần để lại ít nhất 10% để làm thương hiệu, bao bì tiêu chuẩn, nhãn mác đầy đủ, làm quy chuẩn và đạt chuẩn quốc tế sẽ có thể cân bằng lại 90% số trà còn lại về giá.
“Tôi đang tiên phong trong việc này. Tôi tin, Việt Nam sẽ có cơ hội biến 1 tấn trà có giá trị cao bằng 9 tấn còn lại. Và con đường trà Việt sẽ đổi thay”, anh quả quyết.
Anh Hiếu bảo, khi có chiến lược trà quốc gia, con đường phát triển trà Việt sẽ có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, hành trình trà Việt chinh phục thế giới sẽ rất gần.
Đơn cử, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả xuất khẩu trà Việt. “Truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm xuất khẩu. Những cây trà cổ thụ ở Suối Giàng đều đã gắn mã QR cung cấp thông tin về cây trà, vườn trà, vùng trà; dữ liệu do con người nhập lên hệ thống công nghệ. Nhưng điều đó vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Từng cây trà ở Suối Giàng nói riêng và các vùng trà Việt Nam nói chung cần phải gắn chip NTF để tự động thu thập dữ liệu đo được về lượng nắng, mưa, gió…, qua đó cho thấy cả chất lượng của trà”, anh Hiếu lưu ý.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ tìm chứng cứ khoa học để chứng minh Suối Giàng là thủy tổ của trà cổ thụ trên thế giới, được tổ chức uy tín trên thế giới như UNESCO công nhận (trước đây từng có một viện sĩ người Nga đã đi khoảng 120 nước trên thế giới nói rằng Suối Giàng là vùng thủy tổ trà cổ thụ thế giới), tạo thêm câu chuyện hấp dẫn để quảng bá trà Việt trên thị trường.
Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ xây dựng hồ sơ để UNESCO công nhận văn hóa trà Việt là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ triển khai chiến lược cân bằng Đông y và Tây y trong bệnh viện, trà trở thành vị thuốc Đông y, trong phác đồ điều trị sẽ có trà. Để rồi trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có thể trở thành điểm đến cho thế giới về du lịch y tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ triển khai hoạt động Tea Tour - du lịch trà. Các chuyến du lịch tới vùng trà sẽ trở thành “từ khóa” của du lịch Việt Nam, tăng thu nhập cho người dân và nền kinh tế. Bên cạnh đó là xây dựng cẩm nang văn hóa trà Việt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ tập huấn cho bà con trồng trà công nghệ cao, công nghệ sinh học, hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới, tăng lợi thế xuất khẩu cho trà. Bên cạnh việc khai thác thì cũng phải nghĩ đến việc trồng mới để bảo tồn trà cho vài trăm năm sau.
Với sự “vào cuộc” của các bộ, ngành, hành trình phát triển của trà Việt nói chung, của những doanh nghiệp Việt làm trà như Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng nói riêng sẽ bớt khó khăn, tăng thuận lợi.
Một mong muốn lớn khác của người nghệ nhân trà là ngày Mồng Một Tết hàng năm sẽ trở thành Ngày Trà Việt Nam. Trong ngày này, người dân cả nước sẽ uống trà Việt thay vì uống trà nhập ngoại từ Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Nga, Anh…
“Uống trà đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt. Nếu mọi người Việt đều hưởng ứng Ngày Trà Việt Nam, văn hóa trà Việt Nam sẽ có sự khởi sắc”, nghệ nhân trà nghĩ về tương lai.
Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau, khát khao nối vòng tay lớn với các làng nghề Việt để trà không đơn độc trên con đường chinh phục thế giới, từ năm 2023, nghệ nhân Đào Đức Hiếu đã sáng lập Dự án “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”.
“Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt” như một lời kêu gọi, một thông điệp mong muốn được góp sức để bảo tồn, vun đắp những giá trị văn hóa, nghệ thuật và những tinh hoa của những nghệ nhân tại các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó còn là truyền thụ, kế thừa cho những thế hệ trẻ tiếp nối để những tinh hoa được phát triển sánh tầm quốc tế.
Chia sẻ trăn trở lớn nhất hiện nay, anh Hiếu tâm sự, không riêng trà, các làng nghề Việt Nam hiện đang gặp nguy khó bảo tồn. Bởi vì thế hệ đi trước không truyền lại nghề được cho thế hệ đi sau. Không phải là thế hệ đi trước không sẵn sàng truyền nghề mà thế hệ đi sau không chịu tiếp nối. Ngay như ở gia đình mình, anh Hiếu cho biết, nếu anh không tiếp quản vườn trà Shan tuyết cổ thụ của ông nội thì có lẽ gia đình sẽ thất truyền nghề làm trà, vì bố anh theo ngành giao thông, có nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, nên chỉ thẩm trà chứ không làm trà.
“Từ câu chuyện của gia đình, tôi hình dung ra câu chuyện của các làng nghề khác và thấu hiểu tầm quan trọng của việc cha truyền con nối ở các làng nghề quan trọng như thế nào đối với một đất nước nông nghiệp đang là trụ đỡ của nền kinh tế, một đất nước mà tinh hoa nằm ở khắp các làng quê”, anh nói.
Hơn 2.000 làng nghề, trong đó có hơn 1.400 làng có nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống, hơn 70 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận, gần 1.000 nghệ nhân làng nghề có hàng chục năm kinh nghiệm… là “báu vật” quốc gia cần được giữ gìn, phát huy, phát triển để cạnh tranh với thế giới.
Thế nên, hơn bây giờ hết, anh khát khao có thể góp sức khôi phục và bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống. Đào Đức Hiếu muốn quy tụ những con người có cùng tư duy, chí hướng đồng hành giúp các làng nghề không bị mai một, không bị ngắt quãng. Đến nay, anh đã kết nối được với 12 làng nghề cùng tham gia. Trong đó, có những nghệ nhân tham gia làm cùng, có những làng nghề chỉ gửi sản phẩm trưng bày, giới thiệu.
“Đó cũng là điều dễ hiểu khi họ còn băn khoăn, liệu Dự án có thành công giải quyết 3 vấn đề: bán hàng, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm mẫu mã bao bì sản phẩm. Điều khó khăn nhất là tôi không phải một nhà đầu tư để để có hỗ trợ nâng tầm bao bì, mẫu mã sản phẩm cho nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Dẫu cũng đã chỉ cho nhiều người làm nghề truyền thống phương cách cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm nhưng dường như điều này vẫn bị đại đa số mọi người coi nhẹ. Đó là hiện trạng chung của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam”, anh Hiếu cho biết.
Cầm hộp bạch trà Shan tuyết cổ thụ trên tay, nghệ nhân hỏi: “Nhìn hộp trà này, nhà báo có cảm nghĩ gì?”. Tôi trả lời ngay: “Tôi thấy rất đẹp và có bản sắc”. Anh cười mỉm: “Đó cũng là cảm nhận của nhiều người. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau đó là cả một hành trình kỳ công, tốn nhiều tiền bạc, tâm sức. Chỉ vì để làm ra bộ 4 hộp đựng trà này, tôi đã tốn vài tỷ đồng. Có những hộp làm ra không dùng được phải nghiền nát, đau lớn, chưa xót lắm”.
Nghệ nhân lý giải, hộp đựng trà trước tiên phải đảm bảo an toàn cho trà bên trong, nên anh phải tìm đến một nhà máy sản xuất sữa trẻ em ở Trung Quốc đặt hàng làm nắp hộp. Hiếu mang mẫu này đến các làng nghề và nhiều đơn vị sản xuất bao bì trong nước, nhưng vẫn chưa ở đâu làm được đúng chuẩn.
Mặt khác, anh cũng phải nghiên cứu kỹ về chất liệu để không chỉ đảm bảo an toàn, mà trọng lượng còn phải nhẹ nhất để có thể xuất khẩu ra nước ngoài hay du khách đến Việt Nam dễ dàng mua về làm quà. Chiếc hộp chỉ nặng 68 gram, trong khi cùng kích cỡ, hộp bằng gốm sứ thường nặng từ 700-800 gram.
Anh nói tiếp, sau khi có hộp đựng trà đạt tiêu chuẩn, hộp bên ngoài quan trọng không kém vì nó là yếu tố đầu tiên gây ấn tượng mạnh nhất với khách hàng, khiến họ quan tâm, tìm hiểu về sản phẩm hay không.
Nhìn lên bộ trà Tứ phủ, tôi hỏi: “Vì sao anh chọn chủ đề Tứ phủ và mất bao lâu mới cho ra được bộ hộp chất chứa tinh hoa như vậy?”.
Anh Hiếu bật mí: “Tôi chọn chủ đề Tứ phủ bởi “Tín ngưỡng thờ Mẫu” đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Trùng hợp trà Shan tuyết cổ thụ có 4 loại, 4 màu trùng với 4 Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (trời), mẫu Địa (đất), mẫu Thoải (sông nước), mẫu Thượng Ngàn (rừng núi). Hai năm suy nghĩ tôi mới ra được ý tưởng và cùng ê-kip vẽ bằng đồ họa tỉ mẩn và tinh chỉnh trong 6 tháng mới xong phần thiết kế. Sau đó, chúng tôi tìm đến làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) để đặt làm”.
Anh Hiếu tự hào chia sẻ, điều đặc biệt là sau khi trà được sử dụng hết, hộp sơn mài có thể làm cái cốp đựng ngân xuyến của người hầu đồng. Hay hộp thiếc bên trong có thể dùng dựng các loại ngũ cốc hoặc bất cứ thứ gì miễn sao vừa kích thước.
Hai 2 hộp đựng trà sơn mài Shansen siêu phẩm “Phú Quý Cát Tường” và “Ngũ Phúc Lâm Môn” cũng thế. Mỗi chi tiết, mỗi chiếc hộp trong bộ sản phẩm của chúng tôi đều có giá trị và đa dạng công năng sử dụng với người sở hữu. “Mỗi phẩm trà của chúng tôi, từ ruột đến bao bì đều chất chứa tinh hoa của các làng nghề”, nghệ nhân Hà thành chia sẻ về sự khác biệt, tỉ mỉ và kỹ lưỡng với nghề.
Anh Hiếu bảo, trước đây, việc ai đó mặc chiếc áo có đầy hoạ tiết “LV” (Louis Vuitton), hay đi đôi giày có logo chữ “H” (Hermes) kim loại to bản, hoặc đeo một chiếc đồng hồ gắn đầy kim cương sáng lóa, thì sẽ được coi là người giàu có và thời thượng. Nhưng thế giới đã thay đổi, phong cách đó không còn là thước đo, giờ đây những người giàu họ chuộng sự tinh tế hơn là tính phô trương.
Ngay cả giới tinh hoa của Việt Nam cũng vậy. Họ sẽ không sử dụng trang phục, đồ bật có nhận diện một thương hiệu nào đó phô trương, mà thường dùng những chiếc áo dài truyền thống, blazer, T-shirt được may cẩn thận, màu tối hoặc trung tính. Bạn sẽ chỉ thấy những chiếc áo sơ mi nhìn thoáng qua thì bình thường, nhưng nếu để ý thì sẽ thấy được sự chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Hay những đôi giày đã quay lại với kiểu truyền thống, không có biểu tượng thương hiệu gắn nổi, nhưng hiếm có, khó tìm mà giá trị lại cao gấp nhiều lần.
Theo CEO 8X, xu hướng đó là cơ hội cho các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam. “Chúng ta phải làm ra những sản phẩm kỹ, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa riêng, phải tiếp cận và tạo được niềm tin để giới giàu và siêu giàu lựa chọn trang phục truyền thống từ lụa đũi của làng nghề; thưởng thức trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh núi mờ sương; treo trong nhà những bức tranh sơn mài do các nghệ nhân Việt danh tiếng chế tác; đốt một nụ trầm và lắng nghe tiếng sáo Mèo của người bản địa gửi trọn tình yêu. Khi đó, họ sẽ cùng trăn trở với tiếng gọi Việt Nam ơi! Và người Việt Nam sẽ tự hào dùng hàng Việt Nam”, anh Hiếu phân tích.
Anh bảo đây không phải điều viển vông vì câu chuyện này thương hiệu sơn mài Hanoi A đã làm được từ lâu. Hay người làng sơn mài Hạ Thái thậm chí còn sản xuất hộp trà cho thương hiệu Hermes được họ bán với giá 1.000 USD, tương đương 25 triệu đồng một chiếc vỏ hộp. Đó là minh chứng và là tín hiệu tốt để người làng nghề thủ công truyền thống thức tỉnh để có tư duy làm sản phẩm quốc tếvà phải chứng minh có thể làm được những sản phẩm tinh hoa chạm được vào giới tinh hoa.
Nhưng trong lúc đó, các làng nghề vẫn phải duy trì các đơn đặt hàng làm theo cầu nhưng hãy cố đàm phán để trên sản phẩm thể hiện nơi sản xuất để không bị mất gốc. “Chẳng hạn, tôi vẫn chấp nhận gia công cho các đơn vị trong nước, nhưng tôi luôn đàm phán để ghi trên bao bì đó là trà Suối Giàng. Người Việt Nam phải làm hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đạt được niềm tin và trên sản phẩm nhất định phải ghi rõ xuất xứ từ đâu. Từ một con người đến hàng triệu người làm nghề thủ công truyền thống, nếu không có tư duy làm hàng make in Việt Nam thì thế sau sẽ gánh nợ”, anh thống thiết mong mỏi.
Luôn đau đáu khôi phục làng nghề, anh Hiếu cho rằng muốn vậy, đầu tiên là phải giữ được làng nghề. Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của Chương trình nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.
Muốn hiện thực hóa điều đó, anh Hiếu cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần phải lắng nghe mong muốn của những người trực tiếp làm nghề. Thực tế hiện nay, nhiều làng nghề đang “thoi thóp” chỉ còn duy nhất hoặc một vài gia đình trong làng giữ nghề truyền thống. Như làng nghề gốm 500 năm tuổi ở Thuận Thành (Bắc Ninh), từ hàng trăm hộ làm nghề nay chỉ còn 5 gia đình bám trụ với nghề.
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến sự mai một, biến mất của làng nghề là sự mất cân đối giữa cung và cầu trong hoạt động làng nghề. Với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn.
Các sản phẩm từ nước ngoài hoặc các mô hình kinh doanh công nghiệp lớn khác cũng đang tạo ra sức ép cạnh tranh lên làng nghề truyền thống. Thiếu nguồn lực và công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm, làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu hoặc công nghiệp.
Cùng với đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần. Các làng nghề truyền thống thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Bởi vậy, câu chuyện làng nghề hôm nay cần nhiều hơn nữa những cánh tay nối dài con đường cho nghề truyền thống.
Muốn bảo tồn, trước tiên phải giữ được các làng nghề, rồi liên kết với các công ty lữ hành đưa du khách tới. Bởi phát triển làng nghề gắn với du lịch vừa quảng bá, vừa xuất khẩu tại chỗ, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch sẽ có sức lan tỏa đột biến và là đột biến mang tính bền vững chứ không phải đột biến tạm thời. Câu chuyện đổi thay ở đỉnh Suối Giàng là minh chứng cho điều đó.
Anh Hiếu cho rằng, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đang đi đúng hướng. Ngày càng có nhiều làng nghề ở các vùng nông thôn phát triển mạnh mẽ nhờ bắt tay với du lịch để cùng phát triển.
Điều nghệ nhân Đào Đức Hiếu trăn trở nhất hiện nay là, nhà nào biết nhà đó, không đoàn kết để định giá sản phẩm đúng giá trị, dẫn đến cạnh tranh về giá ngay chính trong các làng nghề. “Nhưng, một cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân, một mình tôi chẳng thể đi hết hơn 2.000 làng nghề để chia sẻ cho họ hiểu về tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề nơi họ sống. Vậy nên tôi rất cần thêm những cánh tay nối dài để có thể truyền tải thông điệp đó”, anh tâm sự.
Ở Dự án “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”, anh Hiếu cho biết đã cùng các cộng sự chú trọng đến việc quảng bá sản phẩm làng nghề: “Trong thời 4.0, Internet kết nối toàn cầu, nếu mình khôi phục và xây dựng được cả chất lượng và hình ảnh của sản phẩm tốt thì chắc chắn các làng nghề sẽ có cơ hội được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng website vietnamoi.vn tích hợp thương mại điện tử. Khách hàng có thể mua hàng online, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý”.
Khẳng định, ẩn chứa bên trong mỗi sản phẩm làng nghề là niềm tự hào, trách nhiệm của người nghệ nhân, thợ giỏi với quê hương, xứ sở và nghĩa vụ gìn giữ cho thế hệ mai sau, anh Hiếu cho rằng, câu chuyện trà nói riêng, các làng nghề nói chung muốn tạo được “bước nhảy” để ra thế giới phải làm được 5 yếu tố:
Thứ nhất, đưa được du khách đến các làng nghề truyền thống. Bởi người dân làng nghề rất khó có đủ kiến thức và kinh nghiệm hay nguồn lực để mang sản phẩm đi xa, thì cách dễ hơn là hãy kéo khách đến với mình.
Thứ hai, khi du khách đến, hãy hấp dẫn họ bằng những câu chuyện văn hóa, lịch sử sống động vềnghề. Đó là cách để có thể bán được sản phẩm cho khách nước ngoài, cũng chính là xuất khẩu tại chỗ.
Thứ ba, cần hoàn thiện sản phẩm và bán cái khách hàng cần, chứ không phải cái mình có.
Thứ tư, du khách cần trải nghiệm. Vậy thì, các làng nghề biến những yếu tố lịch sử, văn hóa, bản sắc, quy trình nghề nghiệp để tạo ra những trải nghiệm ấn tượng cho họ.
Thứ năm, khi có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn và khách hàng lớn của thế giới, hãy làm những thứ tinh xảo, tinh tế hơn họ yêu cầu. Vì chỉ khi đó chúng ta mới có cơ hội nói sản phẩm đó là “made in Vietnam” hay là “make in Vietnam”.
Tôi hỏi: “Thật sự, các làng nghề tại Việt Nam đều cần một người có khát khao và bền bỉ như Giàng A Hiếu giúp đỉnh Suối Giàng đổi thay. Làm thế nào để có thật nhiều Giàng A Hiếu như thế?”. Anh trả lời: “Đó là lý do tôi triển khai dự án “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”. Muốn phát triển tinh hoa làng nghề nào đó, trước tiên phải tìm được người nghệ nhân tinh hoa của làng nghề. Tôi tin, mỗi làng nghề sẽ đều có những người nghệ nhân tinh hoa luôn đau đáu, trăn trở với nghề, dám nghĩ, dám làm và dám hy sinh. Rồi từ thành công của nhân tố tiên phong đó những người khác sẽ làm theo và không ngừng tạo ra các sản phẩm tinh hoa làng nghề”.
Tôi lại hỏi: “Vậy trong gia đình mình, anh làm thế nào để các con cũng yêu nghề làm trà và nối nghiệp ông cha?”. Anh Hiếu trả lời: “Con tôi từ khi 4 tháng tuổi đã uống trà rồi. Bây giờ cứ nhìn thấy trà là nó đòi uống. Con tôi yêu trà, mê uống trà từ bé. Nhưng với tôi, câu chuyện truyền nghề không chỉ bó buộc ở trong phạm vi gia đình mang tính cha truyền con nối, mà tôi muốn truyền nghề cho tất cả các gia đình, tất cả trẻ em ở Suối Giàng”.
Đó cũng chính là ý nghĩa khi Giàng A Hiếu bỏ công, bỏ sức để dạy học ngày đêm miễn phí nhằm gieo vào lòng các em nhỏ Suối Giàng tình yêu cây chè cổ thụ, yêu lịch sử, văn hóa, nghề làm trà; và cả cách làm du lịch, kỹ năng sống, khả năng ngoại ngữ, biết dùng kỹ thuật mời trà để tiếp cận thế giới…
“Mọi người bảo chúng tôi điên, không lo làm ăn lại đi lo dạy học miễn phí. Có thể bây giờ người ta chưa hiểu hết, nhưng 10 năm sau họ sẽ hiểu vì sao chúng ta thể làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hay thanh niên Mông có thể tự tin xuống núi với đủ hành trang để chinh phục những người mê trà Việt Nam và thế giới. Thực tế, để đạt trình độ như trà nương 13 tuổi tôi gặp ở festival trà tại Trung Quốc, cô bé đã học trà từ 3 - 4 tuổi. Và việc học của chúng chỉ tập trung vào mỗi trà thôi vì chúng biết đó là sự nghiệp của 3 - 4 thế hệ gia đình”, anh Hiếu chia sẻ.
Anh đã vẽ tương lai cho trẻ em Suối Giàng: “Tôi tưởng tượng một ngày không xa, cô bé người Mông sẽ trở thành trà nương giới thiệu văn hóa trà Việt cho một nhà ngoại giao quốc tế. Hay cô tiểu thư Hà Nội sẽ được chàng trai Mông đưa đi xem khu rừng nguyên sinh và kể chuyện về trà Shantuyết cổ thụ. Giáo dục sẽ giúp cho trẻ con người Mông làm chủ đỉnh núi này và không giới hạn nơi đáy giếng Suối Giàng”.
Với doanh nhân Đào Đức Hiếu, khởi nghiệp từ đầu khi gần 40 tuổi và có những thành công nhất định, anh rút ra bài học lớn nhất anh rút ra là “phải luôn bền bỉ, không chịu đầu hàng hoặc đầu hàng quá sớm”.
Với những ai có ý định khởi nghiệp, anh Hiếu khuyên hãy chọn lĩnh vực mà mình giỏi nhất. Hãy đào sâu rèn luyện chuyên môn đó. Hãy tìm những người thầy để rút ngắn thời gian thành công. Hãy bền bỉ và đừng nản trí. Và ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp không phải là bắt đầu bằng con số không mà là bắt đầu một việc mới, hay một ngành nghề mới, mà thời điểm đó bạn đã hội tụ được tất cả những kiến thức, kinh nghiệm ở những gì đã trải qua. Hãy coi những thử thách là cái khiến chúng ta mạnh mẽ hơn để vượt qua. Bởi vì thành công sẽ nằm ngay sau và rất gần thử thách. Bên cạnh những mục tiêu dài hạn, hãy đặt những mục tiêu nhỏ và ngắn hạn để từng bước thành công nối tiếp thành công, như vậy sẽ vững vàng hơn”, nghệ nhân, doanh nhân Đào Đức Hiếu nhắn nhủ.
Tự nhận mình là người nông dân làm trà, anh Hiếu chưa bao giờ thôi học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để những phẩm trà của mình và các sản phẩm làng nghề Việt có con đường ra thế giới rộng mở hơn. Trung bình mỗi năm anh sẽ có ít nhất ba chuyến đi ra thế giới. Thứ nhất là tham dự những festival trà lớn nhất để có thể cùng lúc xem được tổng quan bức tranh trà thế giới. Thứ hai là chuyến đi cập nhật công nghệ làm trà, từ kỹ nghệ, công nghệ làm trà đến làm bao bì, nhãn mác. Thứ ba là chuyến đi để cập nhật kiến thức của thế giới về làm thương mại, kinh doanh, phân phối. Và ở đó, anh cũng có thể mang các phẩm trà đi thi.
Trong cuộc đời mỗi người sẽ gặp được những người thầy của mình. Ngạn ngữ Nhật có câu: “Ngàn ngày học chăm không bằng một ngày với thầy giỏi”. Nghệ nhân Đào Đức Hiếu bảo: “Tôi may mắn và hạnh phúc được những người thầy giỏi dạy dỗ và có đặc ân được họ dìu dắt. Bản thân cũng phải rèn luyện, mài dũa từ đạo đức, cốt cách trong cuộc sống để xứng đáng với những tin yêu. Bài học thì rất nhiều, cũng không kể lớn nhỏ. Đôi lúc chỉ là những câu chuyện đời thường, có khi lại là tình huống ứng xử, lâu lâu là cả bài học kinh nghiệm xương máu. Quan trọng là học trò lĩnh hội được bao nhiêu. Và tôi luôn mong được chọn bái sư những người thầy giỏi”.
Còn thật nhiều khát khao và hoài bão phía trước, hành trình đưa thương hiệu trà Việt, nối vòng tay lớn với các làng nghề khác chinh phục năm châu là mục tiêu lớn, nghệ nhân, doanh nhân Đào Đức Hiếu không thể nào làm được nếu chỉ độc hành.
Nhưng như hành trình gần chục năm đầy chông gai đã qua, nghệ nhân trà vững tin: “Mình cứ chân thành và làm đúng thì sẽ có người đồng hành ở những thời điểm khác nhau. Mỗi chúng ta đều có những sức mạnh tiềm ẩn, tôi muốn đánh thức những gã khổng lồ đang ngủ quên bên trong mỗi con người. Tôi nguyện tâm bền bỉ làm những điều rực rỡ cho đất nước, để không uổng phí một lần có mặt ở trần gian”.
(HẾT)