Nhìn vào phong thái thư sinh, nho nhã cùng những thành công hiện tại của nghệ nhân, kiến trúc sư, doanh nhân Đào Đức Hiếu, có lẽ nhiều người sẽ ngỡ anh sinh ra ở vạch đích và được thừa hưởng cơ ngơi của gia đình. Nhưng ít ai biết rằng, anh từng trải qua chặng đường dài khởi nghiệp gian nan với cú sốc tưởng chừng không thể gượng dậy, để rồi nhận ra sứ mệnh của mình là xây dựng “xứ sở hạnh phúc” mang tên Suối Giàng.

 

 

Sinh năm 1980, tại Hà Nội, Đào Đức Hiếu lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của một gia đình tri thức. Là sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại làm giảng viên.

 

Năm 26 tuổi, với chuyên môn nội thất vượt trội, Hiếu nghe theo lời mời của một Việt kiều Mỹ sáng lập và điều hành Công ty Nội thất Sắc Màu Mới chuyên sản xuất đồ nội thất xuất khẩu với khát khao được thỏa sức sáng tạo với đam mê.

 

Vì đối tác vừa là cổ đông vừa đảm trách nhập hàng để phân phối ở thị trường Mỹ, nên ngay năm đầu tiên, doanh thu của công ty đã đạt hàng trăm tỷ đồng, Hiếu nhanh chóng trở thành doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực nội thất.

 

 

Anh kể, mỗi tuần đối tác đều đặn làm 1 hợp đồng và tạm ứng 25% giá trị đơn hàng. Số tiền này gần như chỉ đủ tiền đặt mua nguyên liệu và vận hành công ty. Cứ như thế, đơn hàng sau gối đầu đơn hàng trước. Gần như chưa kịp giải quyết xong thủ tục đơn này đã phải làm đơn hàng khác, nên không có thời gian để lo việc thanh quyết toán và nghiệm thu. Vậy là, công ty vẫn chỉ nhận được 25% giá trị đơn hàng, tức là cứ 4 đơn hàng thì lỗ 3 đơn.

 

“Khi lên tới vài trăm đơn, doanh nghiệp kiệt vốn, trong khi tất cả các đơn vị từ gỗ, sơn, bao bì đến công nhân đều đòi tiền. Sau hơn 1 năm, Sắc Màu Mới phá sản. Có bao nhiêu tài sản, tôi phải bán sạch để trả nợ. Thậm chí bố mẹ phải cho thêm mấy mảnh đất bán đi để trả hết nợ nần. Cuối năm 2007, lúc 27 tuổi, từ một doanh nhân thành đạt doanh thu vài trăm tỷ đồng, tôi trở thành kẻ trắng tay. Tôi đã rất sốc”, đôi mắt anh không giấu được sự xúc động khi nhớ lại cú sốc đầu đời.

 

Anh cay đắng, giọng nghẹn lại: “Tôi có chuyên môn nội thất, thiếu kiến thức thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp nên bị hào quang thành công che mắt dẫn đến thất bại chóng vánh”. 

 

 

Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó. Năm 2010, chàng kiến trúc sư theo học Thạc sĩ chuyên ngành thương hiệu và truyền thông marketing với quyết tâm lấy lại những gì đã mất. Thời gian này, anh tranh thủ đi khắp các nước để có kiến thức về thương mại quốc tế và tìm hiểu về trà cổ thụ, loại thức uống gắn bó với anh từ thuở niên thiếu, mà có khoảng thời gian vì bận rộn kinh doanh, vì lo học hành, anh gần như lãng quên gia đình cũng có nghề làm trà Shan tuyết cổ thụ.

 

Một buổi chiều thu năm 2016, Đào Đức Hiếu vượt những khúc cua tay áo trên con đường lởm chởm đá sỏi và dốc đứng lên đỉnh núi Suối Giàng tiếp quản khu vườn 18 gốc trà Shan tuyết cổ thụ của gia đình. Chuyến đi ấy, vẻ đẹp ngỡ ngàng của nắng vàng như mật giữa không gian toàn cây cỏ của vùng đất nguyên sơ, kỳ vĩ buổi hoàng hôn khiến chàng kiến trúc sư mê chơi ảnh say lòng.

 

Nhưng, khi mặt trời khuất núi, một Suối Giàng biếc xanh chìm trong bóng tối. Một đỉnh núi được quy hoạch làm du lịch từ năm 2007, nhưng chẳng có dịch vụ gì cho du khách, không hàng ăn, không nơi lưu trú, thậm chí không có nổi một cái nhà vệ sinh. Anh Hiếu buộc lòng phải xuống núi, về thị xã Nghĩa Lộ để nghỉ đêm.

 

Đêm ấy, anh trằn trọc vì mất ngủ và quyết định dậy từ 4 giờ sáng để đi xem Suối Giàng thức giấc. Tiếng gà đen gáy vang vọng, tiếng chim rừng líu lo và nắng ban mai chậm rãi vén những màn mây, sương sóng sánh để lộ những vạt hoa dại, những cây chè đại thụ đẫm sương đêm khắp các cung đường, khiến Hiếu thốt lên: “Đây đích thực là chốn thần tiên nơi trần thế!”.

 

Chàng kiến trúc sư yêu hương cỏ cây ngai ngái, yêu cơn gió mát lành chốn non cao, yêu nét bồng bềnh mây sương giăng mắc lãng đãng và thuần nguyên khi được thỏa thuê chìm lẫn trong không gian thơ mộng, trong trẻo, thuần thiết, chứa chan những giấc mộng an lành nơi đây và mong thời gian ngưng đọng mãi. Anh quả quyết: “Khi ấy, tôi đã biết mình sẽ gắn bó với vùng đất này thêm nhiều năm sau nữa”.

 

 

Kể từ đó, chàng kiến trúc sư Hà thành bắt đầu tìm hiểu sâu về Suối Giàng. Anh nhận thấy, vùng đất Suối Giàng có 5.000 hộ dân, với 98% là đồng bào Mông, được trời phú ban tặng những cây chè shan tuyết cổ thụ, nhưng vẫn là xã nghèo của Chương trình 135.

 

“Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu trà, với sản lượng hơn 200.000 tấn/năm, nhưng rất nhiều người làm trà, chăm chè, giữ gìn cây chè lại đang nghèo nhất thế giới. Chúng ta xuất khẩu thô nên không có thương hiệu. Nhiều sản phẩm trà Việt Nam mang sang nước ngoài được bán với giá cao gấp hơn 300 lần. Nỗi đau này quá lớn khiến tim tôi quặn thắt”, Hiếu nhói lòng.

 

Cũng từ đây, tình yêu trà Suối Giàng từ ông nội đang âm ỉ trong huyết mạch và tâm trí Hiếu, bỗng bùng lên mạnh mẽ. “Năm 1973, ông tôi là Đào Thanh, nguyên Cục phó Cục Đường bộ, người chỉ huy làm tuyến đường tình nghĩa của tỉnh Yên Bái được mời lên chơi trên núi Suối Giàng. Tức cảnh sinh tình, ông mới làm bài thơ: “Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/ Một vùng rộng lớn giống chè shan/ Cây to tán rộng vươn trong gió/ Cành lớn búp non nổi tiếng vang”.

 

Ông đã mua một vườn trà trên núi với giá 2 đồng bạc hoa xòe. Thời của ông tôi, làm trà không phải để kinh doanh, mà là làm đồ uống chăm sóc sức khỏe, làm vườn thuốc để tặng mọi người”, anh kể và cho biết gia đình đã có ba thế hệ trong nghề trà. Bố anh, tuy không tham gia trực tiếp vào quá trình làm trà, nhưng khả năng thẩm trà lại rất đặc biệt. Mỗi vụ, ông là người luôn kiểm tra và đánh giá, phân tích rất chi tiết để ông nội có những điều chỉnh cho phù hợp.

 

Trong ảnh: Ba thế hệ gia đình nghệ nhân Đào Đức Hiếu. 

 

“Đặc biệt, trước đây, ông nội tôi từng đề nghị đặt tên “Đại lão vương trà” (Vua các loài trà cổ thụ) cho trà Suối Giàng, nhưng chưa thành. Nên tôi muốn thay ông thực hiện mong ước đó. Và tôi đã tạo ra thương hiệu trà “Đại lão vương trà”, thỏa lòng ông mong ước”, anh tự hào kể.

 

Anh bảo, trong tiếng Mông, cây chè gọi là “zê”, nhưng người Mông gọi là “sùa zê”, nghĩa là cây thuốc. Anh nhận thấy, vùng trà rộng lớn và quý hiếm nhưng giá trị thấp chẳng khác gì lãng phí tài nguyên quốc gia. Thế là, anh miệt mài nghiên cứu và viết cuốn sách “Giải pháp Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng” với 18 nhiệm vụ cần thực hiện và in 8 bản, sau đó liên hệ gặp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành để thuyết trình. Đề tài nghiên cứu dày công, nhưng chính lãnh đạo địa phương cũng khuyên anh nên chọn nơi khác dễ làm hơn, bởi người Mông vốn thích sống tự do, không quen gò bó kỷ luật, chứ nói gì đi phục vụ người xa lạ.

 

Rồi, khi nghe Hiếu kể về dự định “lên núi” làm trà và du lịch giúp người Mông thoát nghèo bền vững, không ít người can ngăn, thậm chí nghĩ anh bị “bỏ bùa”, với lý do “vùng đất này chẳng có gì, du khách chỉ lên ngắm cảnh nửa tiếng rồi về”. Và chắc chắn, nếu anh ở Hà Nội phát triển sự nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì đã có thương hiệu trong ngành kiến trúc, có công ty, có thị trường.

 

Nhưng Hiếu nhận thấy, phát triển sự nghiệp ở Hà Nội là cho cá nhân, còn ở Suối Giàng, sự nghiệp đó có thể giúp đỡ cả một cộng đồng. Vả lại, Hiếu vốn là người dám nghĩ, dám làm, lại có phần “lì” như anh tự nhận, nên không hề e ngại điều gì.

 

Kinh nghiệm tới hơn 30 quốc gia trong 12 năm giúp anh chắc nịch: “Suối Giàng nhất định sẽ phát triển du lịch thành công. Bởi đây là vùng đất đầy tài nguyên, có đá ngọc bích, có khí hậu 4 mùa trong một ngày, có không khí sạch, có cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt, có văn hóa Mông thấm đẫm bản sắc… Đặc biệt “chốn tiên cảnh” này có bạt ngàn những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Theo thống kê, Suối Giàng có gần 40.000 cây chè Shan tuyết từ 200 tuổi tới hơn 300 tuổi, còn những cây 100 tuổi trở xuống thì nhiều không kể hết. Trong đó có 400 gốc chè Shan tuyết là cây di sản Việt Nam”.

 

“Suối Giàng lúc nào cũng được giới thiệu là vùng đất đặc biệt khó khăn, nghe chán quá. Trong khi, một viện sỹ người Nga đã đi 120 nước trên thế giới nghiên cứu về các vùng chè cổ thụ khi đến đỉnh núi Suối Giàng đã nhận định rằng, có lẽ đây mới là thủy tổ của trà Shan tuyết. Tôi muốn sau này mọi người sẽ nói về Suối Giàng là vùng đất hạnh phúc và thịnh vượng. Và sứ mệnh của tôi là giúp đỉnh Suối Giàng trở thành xứ sở hạnh phúc”, anh mong mỏi.

 

Giống chè cổ thụ Shan tuyết Suối Giàng phát triển tự nhiên trên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.300 m so với mặt nước biển. Ở đây khí hậu mát quanh năm, vào mùa đông thường không có mặt trời, còn buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái còn lạnh tay. Cây chè lâu năm không cao nhưng càng già thân hình càng trắng và mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, cành cây tỏa ra rất lớn, lá xanh ngát.

 

Trà Shan tuyết Suối Giàng là loại trà cổ thụ đặc sản quý hiếm và có chất lượng nhất Việt Nam, có đầy đủ hương vị của các loại trà ngon trên thế giới khi kết tinh khí của đất trời hội tụ đủ cả ba yếu tố: hương, vị và sắc.

 

Chinh phục thử thách mà mọi người nói là “không thể nào làm được” ở vùng cao sơn này, Hiếu thừa nhận: “Đúng là rất khó để hướng dẫn người Mông làm dịch vụ, du lịch”. Đã có lúc, anh bị cả bản làng xa lánh vì không biết uống rượu. Đã có lúc người Mông bảo “Hiếu về Hà Nội đi, đừng ở đây nữa”. Đã có lúc anh khản cổ khuyên người Mông làm nhà vệ sinh, nhưng bất thành. Thế nhưng, trong vai khách du lịch, anh và các cộng sự của mình đã âm thầm cảm hóa tư duy của đồng bào Mông vốn “mù tịt” về du lịch.

 

Kiến trúc sư Hà Thành chia sẻ, người đàn ông Mông ở đỉnh núi Suối Giàng có 3 thứ không bao giờ thiếu: Vợ là người thân yêu nhất, nên không nói nặng lời; Rượu là bạn, không uống rượu thì không có ai chơi cùng; Và cây chè cổ thụ giống như bố mẹ, vì chúng nuôi sống dân bản.

 

Vì anh không uống rượu do “phải giữ miệng để thẩm trà”, nên không thể tiếp cận được với bản Mông, do đàn ông Mông coi không uống rượu là không hiểu hết bụng nhau, không tôn trọng nhau. Anh từng nhiều lần nghĩ “sẽ uống một lần cho thật say để có cơ hội giãi bày việc bản thân không uống rượu được”.

 

Có những lần, khi từ chối một cuộc mời rượu, anh Hiếu đã sẵn sàng chuẩn bị cho… một cuộc đánh nhau và nói lý với họ rằng: “Tôi sẽ thua nếu đánh nhau bằng sức khỏe, nhưng sẽ chiến thắng vì tôirảnh, không có việc gì để làm, bất kỳ ngày nào cũng sẵn sàng đánh nhau. Còn anh sẽ mất thời gian, mất công việc, không làm được việc gì hết”. Vậy là, đối thủ đang “nóng máu” lập tức dịu đi.

 

“Sau này, tôi nhận ra rằng, làm với người Mông chỉ khó khăn nếu làm cho xong việc, không sống cùng họ, chưa từng uống rượu, ăn Tết cùng họ, cũng không cùng vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên trên đỉnh núi này. Thực tế, họ là những con người chăm chỉ, chỉ thiếu một người hướng dẫn cách làm kinh tế. Lúc trước, tôi chỉ sống ở ven bản, tách biệt với họ, còn nay, tôi đã sống ngay ở trung tâm bản và cùng người Mông làm việc để xây dựng những ngôi nhà khang trang”, anh phân tích và bảo hay đùa với dân bản là: “Ở đây, có đến 98% người Mông, nên tôi là người thiểu số, cần được bảo vệ, yêu thương và chăm sóc”. (anh cười tươi)

 

 

Ban đầu, Hiếu bỏ tiền thuê một gia đình Mông chỗ ngủ, thuê nấu ăn. Sau đó bạn bè, cộng sự của anh lên làm việc cũng thuê ăn ngủ ở đây. Hiếu bảo với gia chủ: “Tôi trả tiền thì anh phải mua cái chăn mới, đệm mới cho tôi dùng. Đừng bắt tôi dùng đồ cũ vì bọ chó đốt ngứa lắm. Và anh hãy bảo vợ con quét nhà, lau dọn sạch sẽ đi. Ngoài thuê phòng ở 50.000 đồng/ ngày, tôi sẽ đưa thêm 30.000 đồng/ ngày để dọn dẹp, giặt giũ và đưa thêm tiền cho anh đi chợ, nấu cơm để tăng thu nhập. Làm du lịch là như vậy đấy, cứ ở nhà sẽ có người mang tiền đến, chẳng phải đi đâu”.

 

Từ đó, những người dân quen sống biệt lập trên đỉnh núi cao hơn 1.300 m bỗng nhận ra, ngoài lên nương, nuôi lợn gà, họ còn có cách kiếm tiền đỡ mệt hơn, đó là phục vụ nhu cầu của du khách.

 

Khi người dân hiểu cách làm du lịch rồi, mục tiêu tiếp theo của anh Hiếu là đưa trà cổ thụ Suối Giàng trở thành “quốc bảo” của Việt Nam. “Muốn trở thành “quốc bảo” thì trước tiên trà cổ thụ phải được xem là “tỉnh bảo”, “huyện bảo” và thậm chí là “xã bảo”, nghĩa là chính quyền với người dân ở đây phải biết quý cây chè cổ trước. Họ phải biết cách pha trà, dâng trà, làm dịch vụ mời chào, tiếp đãi khách và biết làm trà thế nào để bán trà với giá gấp mười lần hiện tại”, Hiếu chia sẻ.

 

Thế nên, Hiếu kết nghĩa với già làng để ông giải thích cho đồng bào nghe ý nghĩa của việc mình lên đây. Anh mời mọi người đến chơi và dạy con cháu họ cách pha trà, dâng trà mời người lớn để tỏ lòng hiếu kính. Trước nay, người Mông đâu có ấm pha trà, bộ chén uống nước cũng thường xuyên cáu bẩn. Họ lấy chè cho vào nồi nước rồi đun lên uống. Khi tiếp xúc với văn hóa mới lạ, họ rất thích thú.

 

Vì quý mến chàng kỹ sư trẻ, ông Vàng A Chông (người dân bản Pang Cáng) đã nhận anh làm con nuôi. Từ ấy, anh không phải trả tiền thuê chỗ ở nữa và còn được bà con quý mến đặt cho cái tên rất Mông - “Giàng A Hiếu”.

 

 

 

Nhưng Hiếu vẫn đau đáu với câu hỏi: Làm du lịch thế nào đây khi cả đỉnh núi này không có một cái nhà vệ sinh? Và người Mông luôn có suy nghĩ: “Chúng tôi còn chưa xây được nhà cho người ở, chứ đừng nói xây nhà cho cứt ở”.

 

Anh quyết định phải làm một mô hình mẫu cho người Mông nơi đây nhìn vào. Nhưng khi đó Hiếu không có tài chính. Anh thuyết phục người bạn Nguyễn Xuân Năng cùng đầu tư mô hình mẫu về “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” để quy tụ những người yêu trà cùng bà con làm trà, phát triển du lịch và đưa trà xuống núi.

 

Cảm phục với những lời ruột gan của Hiếu: “Vài năm sau, khi chúng ta già đi, chúng ta có một ngôi nhà trên núi cùng với bà con dân tộc, không khí trong lành, vùng trà cổ thụ quý hiếm, đó mới là cuộc sống đích thực”, anh Năng đã gật đầu.

 

Ngày 19/7/2019, Không gian văn hóa trà Suối Giàng được khởi công. Toàn bộ thợ là người Mông trong bản. Sau 59 ngày thi công, một dãy nhà sàn đã mọc lên trên sườn núi dốc với những vật liệu đá, gỗ và mái lợp tấm pơ mu tuyệt đẹp. Không gian ấy, có một số phòng nghỉ cho du khách đến ngắm cảnh và thưởng trà. Công trình sau đó đã đạt giải kiến trúc toàn quốc.

 

Không gian văn hóa trà Suối Giàng.

 

Thế nhưng, sau ngày khai trương, chẳng có ai đến, người dân trong bản nhà nào cũng có trà rồi. Để thu hút khách du lịch, A Hiếu xây 8 cái nhà vệ sinh để du khách sử dụng miễn phí và lắp 100 bóng đèn led sáng rực trước hiện nhà tầng 2 để cho đỉnh núi sáng, người dân thị xã Nghĩa Lộ phải nhìn thấy Suối Giàng. Kết quả là, khách du lịch đăng ký dịch vụ lưu trú tại Suối Giàng ngày càng đông lên.

 

Thế nhưng, một kỷ niệm khiến anh nhớ mãi, đó là người Mông bảo: “Hiếu về Hà Nội đi, đừng ở trên núi nữa”. Anh sững người và tủi thân lắm vì mình làm được như thế này mà bà con lại đuổi về.

 

Nhưng, khi hỏi ra mới biết, kể từ khi có Không gian văn hóa trà này, người Mông mất khả năng đi trong bóng đêm vì 100 bóng đèn chiếu rọi sáng quá. Hàng trăm năm nay, họ đã quen đi lại, săn bắt thú rừng trong ánh trăng rồi. Khi ấy, anh Hiếu mới vỡ lẽ, sự xuất hiện của mình làm xáo trộn cuộc sống của người bản địa. Nên anh thay bóng đèn led bằng đèn lồng để giảm cường độ ánh sáng. Sau này, những việc khác Giàng A Hiếu làm đều cố tránh không phá vỡ cuộc sống bình yên ở miền sơn cao này.

 

Năm đầu tiên, cứ cuối tuần, anh Hiếu lại rong ruổi xe máy vượt 300 km từ Hà Nội đi Yên Bái, tối Chủ nhật phóng xe về, bất chấp rủi ro tiềm ẩn trên những khúc đường đèo hiểm trở. Động lực duynhất của chàng trai Hà thành là “khát vọng và sứ mệnh giúp đỉnh Suối Giàng đổi thay”, như anh bộc bạch. Và trái ngọt đầu tiên anh nhận được chính là cái tên thân thương “Giàng A Hiếu” mà người dân địa phương đặt cho mình.

 

 

(CÒN NỮA)

 

XEM TIẾP LỜI TÒA SOẠN

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 2

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 3

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 5

 

HỒ HẠ THỰC HIỆN 02/09/2024 09:02
Back To Top