“Trước đây, tôi rất thích những món ăn Thái Lan và tôi tin đây là quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất Đông Nam Á. Nhưng khi đến Việt Nam, ý nghĩ đó đã hoàn toàn thay đổi. Nếu muốn thưởng thức những món ngon thì Thái Lan vẫn đáng được chọn. Nhưng nếu muốn trải nghiệm những món ăn thật sự đỉnh cao, thì Việt Nam mới là lựa chọn ưu tiên cho những người sành ăn”, chuyên gia ẩm thực Gordon Ramsey - vua đầu bếp thời kỳ đương đại bày tỏ sự ngưỡng mộ với ẩm thực Việt Nam.

Và say mê ẩm thực Việt Nam cũng là cảm nhận của nhiều chuyên gia, du khách khi đến du lịch, làm việc, học tập và níu chân họ ở lại sinh sống tại Việt Nam.

 

 

Gordon Ramsay (người Scotland) là một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới, đứng top 3 đầu bếp giàu nhất hành tinh. Ông sở hữu chuỗi nhà hàng với tổng số sao Michelin lên tới con số hàng chục và là giám khảo của nhiều chương trình ẩm thực như US Masterchef, Hell’s Kitchen, Kitchen Nightmares...

 

Siêu đầu bếp từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng danh giá như Tước OBE (tước Tiểu Hiệp Sĩ) năm 2006 nhằm tôn vinh những cống hiến cho ngành ẩm thực Anh; hay nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành khách sạn, nhà hàng Anh năm 2009 do tạp chí Caterer and Hotelkeeper bình chọn...

 

Khác với đa số đầu bếp, Gordon Ramsay không thích “an phận” trong nhà bếp, ông chính là “đầu bếp có nhiều show thực tế hơn cả nhà hàng”. Say mê ẩm thực Việt Nam, Gordon đã năm lần bảy lượt đưa ẩm thực Việt lên sóng truyền hình quốc tế. “Việt Nam là nơi có nhiều món không thể chê được. Tôi yêu Việt Nam và mê đắm nền ẩm thực đáng kinh ngạc ở đây”, Gordon từng nhiều lần bày tỏ.

 

Trong chuyến khám phá ẩm thực miền Tây năm 2012, ông phải thốt lên rằng chưa bao giờ được ăn món bún nào ngon như bún riêu trên ghe của dì Hai (hiện truyền lại cho em gái là dì Bảy) bán ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Sau khi thưởng thức, Gordon Ramsay tranh thủ “học lỏm” cách nấu nước lèo của dì Hai. Còn nhiều trang ẩm thực trong nước lẫn quốc tế ưu ái gọi dì là “Nữ hoàng nước dùng”.

 

 

Năm 2015, trong chương trình “Vua bếp”, Gordon Ramsay đã chế biến 7 món ăn từ thịt heo theo phong vị ẩm thực Việt sau một tuần miệt mài nghiên cứu nền văn hóa, ẩm thực 3 miền. Ông muốn chứng tỏ tài nghệ của mình với hơn 30 đầu bếp Việt giỏi nhất, những chuyên gia ẩm thực khó tính nhất bằng thực đơn gồm: Nộm tai lợn, lợn xiên nướng, sườn heo chua ngọt, chân giò cà-ri, thịt kho caramel, bún thịt heo. Chương trình này phát sóng trên kênh BBC được đông đảo khán giả Mỹ yêu thích. Gordon Ramsay cũng nhấn mạnh, các món ăn truyền thống của Việt Nam rất cầu kỳ và tinh tế, thách thức bất cứ đầu bếp tài giỏi nào muốn chinh phục thành công.

 

Trong mùa 4 của Masterchef Mỹ, để thử thách top 5, Gordon Ramsay đã chọn hủ tiếu Việt Nam làm đề bài. Thời khắc ông đặt bát hủ tiếu lên bàn, nhiều người đã muốn… bỏ cuộc. Vì chỉ qua một lần nếm, các thí sinh phải đoán được bên trong có những nguyên liệu nào và làm lại món ăn.

 

Sự phức tạp trong chế biến, phong phú trong nguyên liệu, độc đáo trong gia vị của hủ tiếu... đã phô diễn tuyệt mĩ trong tập Masterchef này. Lần đầu tiên, cả người nước ngoài lẫn người Việt ý thức một cách sâu sắc về sự kỳ công của ẩm thực Việt, tới mức khiến "vua bếp" trứ danh Gordon phải ca ngợi hết lời và các “tiểu vua bếp” còn lại phải chật vật cả tiếng đồng hồ.

 

Cũng từ khoảnh khắc đó, những tín đồ đa mê ẩm thực đã quay ngược lại chương trình The Great Escape, nơi Gordon du lịch tới Việt Nam và học cách làm món hủ tiếu và cả một chân trời mới về ẩm thực Việt. Hơn cả một đề tài giật gân, siêu đầu bếp đã dành thời gian nghiên cứu, luyện tập để nấu được món Việt đúng chuẩn và giới thiệu công thức nhiều món ngon như: bánh mì thịt, bánh cuốn, cách ướp thịt vịt, cách nấu nước lèo bún riêu...

 

 

Suốt thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, đầu bếp người Mỹ Geoffrey Deetz nổi tiếng với nhiều nhà hàng như Spettro (phong cách Ý) tại Đại lộ Lakeshore, Gulf Coast Oyster Bar tại Old Oakland và Dragonfly Teahouse, nhà hàng phong cách Mexico ở Berkeley…

 

Nhưng đầu bếp Geoffrey đã phải lòng các món ăn Việt Nam, đến mức quyết định tới đây sinh sống, kinh doanh ẩm thực suốt 16 năm với mục đích “tầm sư học đạo” món Việt, rồi dành hết tâm sức quảng bá cho ẩm thực của Việt Nam.

 

Năm 1994, lần đầu tiên ăn thử ổ bánh mì Việt Nam, đầu bếp Geoffrey đã lập tức bị quyến rũ bởi cái vị ngòn ngọt, mằn mặn rất đặc biệt của nó. “Tôi ăn một miếng bánh mì, rồi thốt lên: Trời ơi! Cái gì tuyệt quá vậy! Nó giống như cả cuộc đời bạn đang sống trong thế giới chỉ có hai màu trắng đen, bỗng một ngày, bạn thấy màu sắc bởi vì hương vị nó đến từ mọi nơi. Nào mùi, patê, thịt, dưa chuột… tất cả mọi thứ làm bạn wào lên!”, ông miêu tả với ánh mắt đam mê.

 

Từ đó, Geoffrey bắt đầu học nấu các món Việt, đặc biệt là cách pha các loại nước chấm. Ông nhận xét, món Việt nấu rất nhanh nhưng lại rất phức tạp. Có rất nhiều món, nhiều hương vị trong một bữa ăn. Nó không chán và nặng nề như món Âu. Vị thanh và rất thú vị vì chúng ta có thể thay đổi hương vị các món trong cùng một bữa ăn bất cứ lúc nào. Bạn có thể gắp rau thơm, gắp miếng chả giò hay nem chua, chấm nước mắm tỏi, hay nước mắm gừng… Tất cả hương vị bạn có thể thưởng thức trong cùng một bữa ăn. Điều đó thật tuyệt vời.

 

Và thế là, với niềm đam mê và ham học hỏi, một thời gian sau, tại vùng California, Geoffrey đã cho ra đời 5 nhà hàng chuyên phục vụ món ăn thuần Việt. Không hài lòng với những gì đã học được từ đầu bếp Việt ở Mỹ, năm 1999, ông quyết định tới Việt Nam để hiểu không chỉ là cách nấu mà vì sao người Việt lại nấu như vậy, vì sao lại ăn như vậy.

 

Năm 2001, ông Geoffrey bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình tại TP.HCM rồi cưới một cô gái miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Khi về quê vợ, bước vào chái bếp nhà quê đơn sơ, ông cảm nhận đó không chỉ là nơi nấu nướng, mà còn là nơi chứa đựng tình cảm gia đình ấm áp của người Việt. “Tôi yêu chái bếp Việt Nam từ đó”, ông thổ lộ.

 

Thế nên, khi mở nhà hàng của mình hay hợp tác bán pizza ở Việt Nam, vị đầu bếp luôn đặt yếu tố gia đình lên trên và truyền vào đó tình cảm, tinh thần của một đại gia đình người Việt, để mọi người cùng làm việc, cùng chia sẻ khó khăn, buồn vui trong cuộc sống.

 

Nhờ sự kết hợp khéo léo, tài tình các hương vị Việt trong món sandwich, trong số hơn 20 nhà hàng của ông ở Việt Nam, The Black Cat đã được CNN vinh danh với món sandwich độc đáo nhân cá. “Có lần một phụ nữ nước ngoài bước vào quán cafe của tôi ở Việt Nam và bật khóc vì được ăn món bánh sừng bò”, ông Geoffrey nhắc lại kỷ niệm khó quên ở The Black Cat.

 

16 năm sống và làm việc ở Việt Nam, từ năm 1999 đến năm 2015, Geoffrey Deetz có tên thân mật là Đạt, ông tự hào về sự am tường ẩm thực Việt của bản thân. Ông có thể phân biệt rõ sự khác nhau giữa món ăn của miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Ở miền Bắc, do thời tiết lạnh, người dân có xu hướng ăn món nóng, hầm và canh như là phở và bún chả. Và đây chính là nơi người dân ăn phở đúng cách nhất và phần lớn họ ăn trên phố. Người miền Bắc cũng thích ăn mì chính, loại gia vị làm món ăn hấp dẫn hơn.

 

 

Còn ở miền Trung, ông Geoffrey nhận thấy nơi này có văn hóa của cố đô, có cách nấu ăn của hoàng gia, tao nhã. Các loại bánh hấp được gói trong lá chuối, các món được chia thành các phần nhỏ. Thêm vào đó, rau mầm giúp đồ ăn đậm đà hơn. Trong khi hành là loại rau thơm đặc trưng của miền Bắc, thì rau bạc hà lại phổ biến ở miền Trung. Loại rau này có trong bánh mì, bày trên bát phở và trong mọi món ăn ở đây.

 

Sự am hiểu sâu sắc đó có được là vì khi ở Việt Nam, đầu bếp người Mỹ không bắt tay vào học nấu món Việt luôn, mà bắt đầu bằng việc tìm hiểu cuộc sống thường ngày của người dân, từ đó hiểu sâu sắc các món ăn và việc chế biến trở thành điều dễ dàng.

 

Ông bảo, đồ ăn Việt Nam đích thực phải là những phần nhỏ, không tham về số lượng, thanh nhẹ nhưng hương vị đậm đà khiến người ăn phải hít hà. So với nhiều nước, ẩm thực Việt chú trọng các nguyên liệu có lợi cho sức khỏe. Để truyền tải được đúng bản chất món ăn, người đầu bếp phải chịu chơi, sử dụng đúng lượng nguyên liệu cần thiết.

 

Trong 3 miền, ông Đạt thích món ăn miền Trung tại Hội An, Đà Nẵng, Huế nhất. “Món yêu thích nhất của tôi ở vùng này là bún thịt nướng. Tôi nghĩ đó là món tinh hoa ẩm thực Việt Nam, bởi nước chấm làm từ tương đen với thịt lợn bằm nấu cùng gan lợn bằm và bột nếp là sự kết hợp tuyệt hảo”, ông tâm đắc.

 

Năm 2015, ông Geoffrey về Mỹ làm tư vấn mở nhà hàng, ông ngạc nhiên khi thấy nhiều người đặt tiêu chí cơ sở hạ tầng sang trọng lên hàng đầu. Bởi, với đồ ăn Việt Nam, tiêu chuẩn đó không đúng. Vì thế, ông Geoffrey quyết định tự mình phải làm. Đó là nguyên nhân năm 2017, ông mở nhà hàng Temple Club. Vợ chồng ông quyết định rời Việt Nam về Mỹ sống để chuẩn bị cho hai con trai đi học lúc đó, một bé hai tuổi rưỡi và một bé 5 tuổi.

 

 

Đầu bếp Geoffrey cho biết ông nhìn nhận cuộc sống của người Việt dưới con mắt của một người từng sống ở nước ngoài: “Có rất nhiều người Việt nhớ đồ ăn của họ, nhưng ở đây không có. Tôi trở về Oakland để mở lại Black Cat, dưới góc độ của một người Việt”. Bên cạnh đó, ông muốn mở một nhà hàng nấu món ăn của gia đình Việt để các con ông được ăn món Việt mỗi ngày, và cũng là để thỏa niềm đam mê ẩm thực Việt của chính mình.

 

Sau 7 năm, ông chủ của Temple Club đã đón hàng ngàn lượt thực khách, đó là những thanh niên sinh ra ở Mỹ không biết đến sự đa dạng của ẩm thực Việt nên tới để khám phá. Thậm chí có người từng ngạc nhiên kêu lên khi thấy nhà hàng có món chế biến từ chuối xanh. Còn có những người nước ngoài, người Mỹ da màu, da trắng, người châu Âu hay châu Á, từng đến Việt Nam, họ muốn tìm lại hương vị ưa thích. Và cả những người sinh ra ở Việt Nam, họ đến Temple Club vì có thể tìm thấy sự đồng cảm, thỏa nỗi nhớ nhung quê nhà.

 

“Có lần, một người bước vào hỏi chúng tôi có mắm tôm không. Tôi đáp có. Người ấy ngồi thưởng thức mà mọi người xung quanh đều không có phản ứng gì là khó chịu hay sợ hãi cả”, đôi mắt bếp trưởng Geoffrey long lanh khi nhắc đến những kỷ niệm không thể nào quên.

 

Ông cho biết rất thích thú khi nhiều người đến Temple Club để hỏi vì sao mỗi suất ăn lại có ít, mỗi món lại có phải có một loại nước chấm riêng. Với hơn 16 năm sống ở Việt Nam, bếp trưởng kiêm ông chủ nhà hàng Temple Club có thể dễ dàng trả lời những thắc mắc đó. Nếu không phân biệt được sự khác nhau của nước mắm pha chanh, pha tỏi, gừng hay nước tương, người ăn sẽ không cảm nhận được độ ngon của món ăn. Tệ hơn, nếu dùng một loại nước chấm cho tất cả các món trên bàn, đồ ăn sẽ rất “vô lý”.

 

Hiện Temple Club có hàng chục nhân viên, là người từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, nhưng đều có điểm chung là hiểu rõ đồ ăn Việt. Ông dự định sẽ mở thêm nhà hàng khác để kể nhiều hơn nét văn hóa trong gia đình Việt, cũng như quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

 

 

Năm 1980, ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam mới 19 tuổi. Chàng trai thanh niên Palestine đã vượt ngàn dặm xa xôi đến Việt Nam và sống với tinh thần như một người Việt. Để giờ đây, bất cứ ai thân quen với ông đều tin rằng, một nửa bên trong người đàn ông Trung Đông lịch lãm này là một người Việt Nam, quê ở Hà Nội và là trai phố cổ. Từ một người “không thể ngửi được” nước mắm, giờ đây, thứ gia vị ấy lại không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật của vị Đại sứ.

 

Ông bộc bạch: “Làm nhà ngoại giao cũng giống như đi du mục. Tôi đã làm việc ở nhiều nước, nhưng Việt Nam là nơi tôi có thời gian gắn bó lâu nhất. Sự gắn bó của tôi ở Việt Nam sẽ tiếp tục vì tôi đến Việt Nam không phải chỉ là một vị khách quá cảnh. Tôi giống như một người Việt Nam xa quê hương đã hai, ba mươi năm nhưng không thể quên được hương vị của món canh chua hay món rau muống. Mỗi lần xa Việt Nam, tôi luôn có cảm giác đang đi xa nơi mà mình rất trân quý. Đó là nơi có những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Cứ ra nước ngoài là tôi lại phải tìm một nhà hàng Việt Nam để có thể dùng món ăn Việt”.

 

“Chàng rể Việt Nam” nhận thấy có một khác biệt khá rõ trong văn hóa gia đình hai nước là ở Việt Nam, người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.

 

Ông rất thích đi chợ. Gần nhà ông có chợ Hôm và không tuần nào ông không tới đó để mua sắm và tìm hiểu cách sống, lối tư duy, cách nghĩ và một phần văn hóa đặc sắc của người Việt. Thông thường, Đại sứ Saadi Salama chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, vì ông muốn giới thiệu ẩm thực Palestine cho họ. Còn khi không có khách, chủ yếu ông nấu và cùng gia đình ăn món Việt Nam. Đại sứ lý giải: “Món ăn Palestine cũng rất ngon, nhưng không tốt cho sức khỏe bằng món Việt. Cách ăn dùng đũa cũng giúp giảm lượng thức ăn hơn dùng thìa”.

 

 “Khi mới sang Việt Nam, tôi cảm thấy khó chịu khi ngửi thấy mùi nước mắm, nhưng giờ, nếu một tuần không ăn đồ ăn có nước mắm thì sẽ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó”, ông chia sẻ và bật mí, rất thích ăn những món bún, miến, đặc biệt là phở. Hằng tuần, ít nhất phải dùng một tô phở bò hoặc phở gà, không thì không chịu được.

 

Theo Đại sứ, nền nông nghiệp đã tạo ra những nguyên liệu, gia vị thơm ngon, chất lượng, đa dạng, tạo thế mạnh để Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới. “Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, người dân và du khách muốn ăn món gì cũng có, cả ẩm thực Việt Nam và thế giới. Điều đó làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời và hiếm người nước ngoài nào sinh sống ở đây cảm thấy không hài lòng vì đồ ăn”, Đại Saadi khẳng định.

 

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh dịch vụ khách sạn tại Thụy Sỹ và có hơn 35 năm làm việc trong ngành khách sạn, trước khi đảm trách vai trò Giám đốc Điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo (từ tháng 9/2015 đến nay), ông Erwin R. Popop từng là lãnh đạo cấp cao giàu kinh nghiệm của nhiều khách sạn sang trọng nổi tiếng khắp các châu lục và đã từng khám phá hơn 120 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, vị khách đến từ Thụy Sỹ vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc sắc cùng nền ẩm thực quyến rũ của Việt Nam.

 

Trong 8 năm làm việc tại Việt Nam, ông đã trải nghiệm, khám phá rất nhiều điểm đến lý thú. Ở miền Bắc, ông yêu thích vùng núi phía Bắc, nhất là thị trấn Sapa (Lào Cai) và Hạ Long (Quảng Ninh). Mỗi cuối tuần, nếu không vướng công việc, ông sẽ tự lái xe đi thăm thú nhiều nơi như làng gốm Bát Tràng, Ninh Bình…

 

Đặc biệt, “ông Tây” Erwin R. Popop đã có hành trình khám phá Việt Nam 15 ngày bằng xe máy với những trải nghiệm không thế nào quên. Ông cho biết đã ấn tượng mạnh với ẩm thực vùng biển hấp dẫn và phong phú của Mũi Né (Bình Thuận). “Từ những món hải sản được chế biến cầu kỳ như gỏi cá, răng mực... đến những món ăn dân dã như bánh canh, bánh xèo, mỳ quảng... đều mang những dư vị rất riêng, khiến tôi nhớ mãi”, ông miêu tả.

 

Trong khi đó, ở Đà Lạt nổi tiếng với các loại sữa, rau và trái cây, ông mê sinh tố hoa quả và sữa chua đến mức ăn hết 3 cốc liền. “Nó ngon đến mức khó tả, tới giờ tôi vẫn đang rất nhớ hương vị thơm ngon, ngọt ngào ấy. Cốc đầu tiên quá ngon, tôi đã ăn thêm cốc thứ hai và cốc thứ ba. Có lẽ, mọi người cảm thấy rất ngạc nhiên khi tôi có thể ăn nhiều sữa chua đến vậy”, miệng cười tươi, dường như, hương vị ấy vẫn ngập tràn trong ông.

 

Rồi còn cả chiếc bánh mì tràn ngập hương vị, món cơm gà đậm đà ở Hội An, món mì Quảng ở Quy Nhơn, bún thang ở Hà Nội… đều khiến vị doanh nhân lọc lõi trong ngành khách sạn bị mê hoặc. Ông nhấn mạnh: “Ẩm thực Việt Nam có thể chinh phục tất cả mọi người, kể cả những vị khách khó tính nhất. Gia đình tôi rất mê ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt, con gái tôi lần nào sang đây cũng sẽ ăn các món chế biến từ xoài từ sáng đến tối, tới khi no bụng mới dừng lại”, ông cười.

 

“Với bản thân tôi, cuộc sống tại Việt Nam đẹp, yên bình, đặc biệt ẩm thực Việt Nam hấp dẫn, quyến rũ như tập truyện “Nghìn lẻ một đêm” vậy”, ông chia sẻ và nhắn gửi: “Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống. Tôi tin, đến đây, du khách, bạn bè quốc tế sẽ không cảm thấy hối tiếc và có những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời. Bởi Việt Nam đích thực là điểm đến của đời người”.

 

 

Văn hóa ẩm thực độc đáo cũng chính là một trong những điều níu chân TS. KTS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam ở lại đất nước hình chữ S tròn 1 giáp và quan tâm, gắn bó với Việt Nam suốt 26 năm qua. 

 

Vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt, kiến trúc hòa cùng những cảm giác thân thuộc, vừa gần gũi, vừa khác lạ, đặc biệt là cách trải chiếu dưới đất, ăn cơm bằn mâm của nhiều gia đình đã khiến TS. KTS Emmanuel Cerise, khi còn là chàng sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Paris đến Việt Nam để tham gia một chương trình nghiên cứu thực tế về kiến trúc đã khiến ông si mê. Đến mức, ông chủ động kéo dài thời gian nghiên cứu tới 12 năm, từ 1997 - 2009 để có những hiểu biết sâu sắc, toàn diện nhất về phong tục, tập quán của người dân khi chuyển đến sống ở những không gian kiểu mới.

 

12 năm nghiên cứu, vị kiến trúc sư có rất nhiều phát hiện lạ, khó tưởng tượng và đầy mê hoặc. Hà Nội nói riêng, các đô thị ở Việt Nam nói chung đã trải qua rất nhiều thời kỳ, mỗi giai đoạn lại có những kiến trúc đô thị đặc trưng. Đó là những biệt phủ trước khi người Pháp đến, những công trình kiến trúc Pháp, những khu tập thể thời bao cấp, và những khu đô thị mới với nhà cao tầng. Ở đây, du khách cảm thấy rất dễ chịu khi lưu trú ở Hà Nội vì các dịch vụ ở đây tiện lợi, dễ dàng, như thuê xe hay mua bán mọi thứ từ cái kim, sợi chỉ.

 

TS. KTS Emmanuel Cerise khẳng định: "Điều khiến bất cứ ai cũng bị mê hoặc và nhớ mãi ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung chính là ẩm thực". Các món ăn của Việt Nam rất ngon, ăn được chế biến tinh tế, không tẩm ướp quá nhiều gia vị nên vẫn giữ nguyên được hương sắc của nguyên liệu. Có vô số món ăn mà bất cứ du khách nào cũng cảm thấy hợp khẩu vị, thậm chí ăn nhiều lần không ngán. Dù họ là người nước nào, gu ẩm thực ra sao, đều có thể thích nghi và hứng thú.

 

“Cá nhân tôi rất thích món nem truyền thống, bún chả, chả cá, bún thang, bánh cuốn, phở bò… của Hà Nội”, ông cười và bảo, sáng nay, tôi ăn sáng với món bún thang, một món ăn tràn ngập hương sắc.

 

 

Doanh nhân trẻ sinh năm 1996, quốc tịch Hàn Quốc Yoon Kyu Hee, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Tài chính Quốc Gia (NAFICO), đã có hơn 20 năm sinh sống, học tập và làm việc Việt Nam.

 

Coi Việt Nam là quê hương thứ hai không thể rời xa, ít nhất là trong khoảng 40 năm nữa, Yoon Kyu Hee chia sẻ, cuộc sống ở Việt Nam “quá là thoải mái”, lại hội đủ tiềm năng, cơ hội trở thành “tổ ấm” của các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế và đặc biệt là nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn.

 

Năm 1999, Yoon Kyu Hee theo bố mẹ sang Việt Nam. Mới đây, khi tuổi đã cao, bố mẹ Yoon Kyu Hee quyết định về nước sinh sống, nhưng anh vẫn một mình ở lại Việt Nam, vì “đã quen với lối sống giàu tình cảm cũng như yêu đất nước Việt Nam và coi đây là quê hương thứ hai của mình”.

 

Là tín đồ của ẩm thực Việt Nam, chàng doanh nhân Hàn Quốc rất thích ăn món bún đậu mắm tôm, nhiều bạn bè còn bảo anh “nghiện” món này. “Bún đậu mắm tôm là món không phải ai cũng yêu thích, thế nhưng một ngày 3 bữa, tôi đều có thể ăn món này”, Yoon Kyu Hee cười híp mắt.

 

Miêu tả về món ăn yêu thích của mình, Yoon Kyu Hee giống như một chuyên gia ẩm thực: “Bún đậu mắm tôm thú vị ở chỗ, nếu chấm miếng bún vào mắm tôm thì mình nghĩ sẽ thích ăn bún nhất. Nhưng khi mình ăn miếng đậu phụ rán chấm mắm tôm thì mình lại cho rằng, ồ không, sai rồi!, mình thích đậu phụ rán nhất. Tiếp đó lại ăn chả cốm, có khi mình lại thích chả cốm nhất. Tương tự, ăn miếng nem, sẽ lại nghĩ là thích ăn nem nhất… Nói chung, nếu mình ăn thứ gì cuối cùng thì mình sẽ nghĩ thích thứ đó nhất”.

 

Mỗi lần, người thân, bạn bè ở Hàn Quốc sang chơi, nếu có cơ hội, Yoon Kyu Hee mời họ đi ăn bún đậu mắm tôm một lần. Đa phần khi tiếp xúc với món ăn “thần thánh” này, mọi người đều cảm thấy phần mắm rất nặng mùi và thường không dám ăn, mà gọi nước mắm chanh tỏi ớt để chấm.

 

Tuy nhiên, Yoon Kyu Hee lại thích chấm bún ngập tràn vị mắm tôm. “Sự chuyển giao giữa vị mắm tôm cùng bún rất ngon. Ngọt ngọt mặn mặn thơm mùi mắm đặc trưng và có chút béo ngậy của dầu rất bon miệng. Thường thì ở quán quen hay cho bát mắm tôm của tôi nhiều lên để khỏi phải xin thêm”.

 

Yoon Kyu Hee kể: “Quãng thời gian trở về Hàn Quốc thực hiện nghĩa vụ quân sự từ năm 2018 - 2020, rồi từ 2020 đến tháng 7/2021 không thể sang Việt Nam do Covid-19, tôi rất nhớ đồ ăn Việt Nam. Nhiều hôm, thèm món bún đậu mắm tôm như “ốm nghén”, nhưng ở Hàn Quốc không có nơi nào bán món ăn thần thánh này”.

 

 

Ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp thiên nhiên và những món ăn tinh tế sau chuyến du lịch Việt Nam cùng gia đình năm 2004, năm 2021, Chan Elina Lamovna (Lina) đã xin bố mẹ cho đi du học Việt Nam. Hiện cô đang là sinh viên đang theo học cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Việt Nam (năm thứ hai)

 

Không chỉ cảnh đẹp hay tình người ấm áp, ẩm thực tinh tế cũng góp thêm sức hấp dẫn khiến Lina muốn học tập và sinh sống ở Việt Nam. Món ăn Lina yêu thích nhất là bún chả. “Từng sợi bún trắng nhỏ, thả vào bát nước chấm màu hổ phách chứa chả nướng và dưa góp thơm lừng, thêm chút rau sống, gắp một miếng đủ vị chua cay mặn ngọt, dậy thơm mùi tinh dầu cà cuống… hương vị ấy cứ lưu luyến mãi không thể nào quên. Tôi có thể ăn bún chả cả tuần mà không chán”, Lina kể và bảo, có lẽ, tối nay cô sẽ đi ăn món này.

 

Ngoài ra, Lina cũng đặc biệt thích món bún bò Huế, với sợi bún to, nước lèo màu đỏ cam cay nồng và rất nhiều “topping” như thịt bò, giò heo, chả cua, tiết, hoa chuối, rau sống... “Mùa đông, được ăn bát bún bò Huế nóng hổi thì còn gì tuyệt vời hơn”, Lina cười tít mắt và cho biết có thể ăn bún bò Huế và bún chả trong nhiều ngày mà không cảm thấy ngán.

 

Qua tình yêu, đam mê với nền ẩm thực Việt Nam của những thực khách người nước ngoài, trong đó có cả những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp hàng đầu thế giới, nhà ngoại giao, du học sinh… ở nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều châu lục, ngành nghề, có thể thấy, Việt Nam thực sự là thiên đường ẩm thực của thế giới.   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỒ HẠ 30/06/2023 08:08
Back To Top