Sao Michelin được coi là giải Oscar hay Grammy trong ngành ẩm thực thế giới. Danh sách công bố của Michelin đã chính thức mở ra kỷ nguyên mới cho ẩm thực Việt Nam, đánh dấu thành tựu mang tính lịch sử của ngành ẩm thực, khẳng định vị thế ẩm thực Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới.

 

Ngôi sao Michelin không chỉ là ước mơ của nhiều đầu bếp, nhà hàng mà còn được xem là “ngôi sao đổi đời”, giúp họ đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng Michelin Guide là một sự khởi đầu, không chỉ với ẩm thực mà còn là vị thế ngành du lịch. Minh chứng là ngay sau đêm công bố, 4 nhà hàng đạt 1 sao Michelin gồm Anan Saigon, Gia, Hibana by Koki (khách sạn Capella Hanoi) và Tầm Vị đã lập tức đón lượng khách bùng nổ, lượng khách đặt chỗ, dùng bữa tại 4 nhà hàng này tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Các nhà hàng phải hẹn khách rời ngày vì không đủ chỗ. Bên cạnh khách Việt, các nhà hàng cũng nhận được nhiều cuộc gọi đặt chỗ từ thực khách nước ngoài.

 

Để ẩm thực không chỉ là một kênh giới thiệu tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, mà còn trở thành đòn bẩy cho du lịch, trở thành một cực xuất khẩu quan trọng… để làm giàu cho đất nước, các chuyên gia, đầu bếp đã cùng “hiến kế” giúp các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, từ đó xây dựng một chiến lược giữ vững và phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam vang danh thế giới.

 

 

Đã làm việc ở nhiều nhà hàng Michelin, trở về Việt Nam khởi nghiệp, tôi chỉ muốn tạo ra những món ăn ngon và thay đổi suy nghĩ của mọi người về món ăn Việt Nam. Và cũng để cho chính tôi. Tôi nghĩ có lẽ tôi là người duy nhất đủ điên để mở nhà hàng fine dining món Việt. Hầu hết mọi người khi bỏ tiền kinh doanh không điên như vậy, họ sẽ chọn làm món Pháp hay những lựa chọn dễ dàng hơn. Bạn phải điên một chút để làm những gì tôi làm.

 

Về giá cả, sự công nhận của Michelin sẽ phần nào giúp chúng tôi chứng minh cho chất lượng và giải thích cho chi phí của món ăn, bởi đây là tiêu chuẩn toàn cầu. Mọi người sẽ không thể nói “Chỉ là đồ Việt Nam mà sao đắt vậy!” Một sao ở Việt Nam cũng có giá trị như một sao ở Pháp, Hồng Kông, Singapore. Đối với tôi, đây là thay đổi lớn nhất với sao Michelin: sự chứng nhận cho phép chúng ta nâng cao giá trị thực phẩm của người Việt.

 

Nhưng với tôi, lợi thế lớn nhất là Việt Nam cho tôi cơ hội làm nhiều điều mới, nhiều điều khác biệt. Nhà hàng của chúng tôi nằm trong chợ. Điều này rất quan trọng để có được hương vị Việt thực sự: sản phẩm đến từ Việt Nam, tạo ra bởi người Việt Nam, nằm trong chính trái tim của sự sôi động của nơi buôn bán thực phẩm Việt. Tất cả những điều này tạo ra sự khác biệt lớn. Ănăn là một nhà hàng dành cho người Việt. Khách quốc tế có thể thưởng thức và điều này là rất tuyệt, nhưng mục đích của chúng tôi là làm đồ ăn Việt dành cho người Việt.

 

Michelin Guide công bố danh sách đầu tiên ở Việt Nam là một sự kiện mang tính lịch sử với ngành ẩm thực ở đây. Nếu bạn so sánh với các quốc gia khác ở châu Á, chẳng hạn như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… bạn có thể thấy sự cải thiện chất lượng của các nhà hàng ở các quốc gia này rõ rệt theo thời gian. Ở Việt Nam, năm sau và năm sau nữa, chúng ta sẽ có nhiều sao hơn nữa, gấp nhiều lần con số 4 của năm nay. Điều đó có nghĩa là nó sẽ truyền cảm hứng cho tất cả các đầu bếp và các tour du lịch, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn để cải thiện chất lượng, bởi họ cũng có động lực được công nhận. 

 

Thêm nữa, chúng ta sẽ thu hút được nhiều đầu bếp quốc tế. Giả sử, có nhiều đầu bếp Pháp chỉ muốn làm việc ở những nhà hàng Michelin, giờ đây họ đã có cơ hội làm điều đó ở Việt Nam.

 

Với những giải thưởng như Michelin, rất nhiều đầu bếp, nhà hàng, khách sạn sẽ được truyền cảm hứng để nâng cao chất lượng, bởi họ biết sao Michelin sẽ đem nhiều khách hàng đến hơn nữa. Thế nhưng, vẫn có những thứ chúng ta có thể chủ động làm.

 

Theo quan sát của tôi, nếu bạn nhìn vào ngành du lịch của chúng ta, trước đây chúng ta chỉ tập trung vào các khu nghỉ dưỡng và khách sạn, chúng ta không quảng bá ẩm thực cao cấp. Tất cả hình ảnh, thông điệp đều hướng tới việc đến Việt Nam để thưởng thức những món ăn ngon và rẻ trên đường phố. Chúng ta gần như không bao giờ quảng bá ẩm thực cao cấp. Nếu nhìn sang Singapore hay Hồng Kông, họ đang làm điều đó rất nhiều ở cấp định hướng của Chính phủ. Thế nhưng ở Việt Nam, “rẻ" vẫn luôn là một mục tiêu. Người ta mong muốn tìm được quán phở hay bánh mì ngon nhất mà rẻ nhất, và suy nghĩ này đã ăn rất sâu trong văn hoá du lịch.  Dần dần, chúng ta cần phải thay đổi điều này.

 

Có một chuyện khá buồn cười là tôi có nhiều khách hàng thường xuyên, họ nói, “Ồ! Peter, làm ơn đừng tăng giá” vì họ biết cùng với chất lượng nâng cao, giá cả cũng sẽ tăng. Tôi luôn muốn cải thiện chất lượng hơn nữa, mua nguyên liệu đắt tiền, thuê thêm nhân viên. Tất cả điều này đều tốn chi phí. Khi việc nâng giá là hợp lý, tôi không ngại làm điều này. Với chi phí nguyên liệu cao hơn và chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn khiến việc tuyển nhân viên chất lượng khó khăn hơn, tôi cần có những thay đổi về giá cả để giữ cho đội ngũ của mình có động lực làm việc tốt. Đây cũng là nỗ lực mang lại giá trị xứng đáng với đồng tiền khách hàng bỏ ra. Hai thứ này đi đôi với nhau.

 

Hơn nữa, như đã chia sẻ, giá cả này vẫn chỉ bằng 1/3 so với một số nước như Singapore hay Thái Lan với cùng chất lượng. Tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, để ngành F&B Việt Nam ngày càng phát triển, chúng ta không cạnh tranh nội bộ. Tôi không cạnh tranh với những quán ăn Việt Nam khác, mà muốn nâng cao tiêu chuẩn để vươn ra thế giới.

 

Một câu hỏi là, tại sao để làm ra một bát phở lại tốn nhiều thời gian hơn việc làm ra bát ramen, mà giá một bát phở chỉ 50.000 đồng, trong khi giá một bát ramen là 200.000 đồng? Tất cả những điều đó nằm trong lối suy nghĩ. Đó là lý do khi làm một bát phở chất lượng với những nguyên liệu thịt bò tốt nhất, tôi đặt giá tương đương ramen. Đây cũng là cách để tôi nâng cao giá trị của những đầu bếp Việt Nam làm ra món ăn này, cùng tầm cỡ với những đầu bếp Nhật làm ra món ăn Nhật. Tôi tin chúng ta cần thay đổi cả một chuỗi giá trị để nâng tầm không chỉ ngành F&B mà là tiêu chuẩn sống của người Việt Nam.

 

 

Tôi nghĩ ẩm thực Việt Nam xứng đáng có sao Michelin lâu rồi nhưng chưa có cơ hội. Nhiều nhà hàng ở Việt Nam có những món ăn truyền thống rất tuyệt vời, giữ được hồn của món ăn, vị rất thanh, nhẹ nhàng mà lại ấn tượng. Đó chính là đỉnh cao ẩm thực. Vậy nên, việc Michelin Guide xuất hiện ở Việt Nam, phải nói đó là một cơ hội lớn cho ẩm thực được nâng tầm và có vị thế xứng đáng.

 

Bình thường nghệ nhân như chúng tôi, một năm thì nhiều lắm có một vài cơ hội giới thiệu món ăn tới khách quốc tế. Như vậy phải mất thời gian rất dài mới có thể lan tỏa sự tinh túy của ẩm thực Việt tới quốc tế. Nhưng một sự kiện doanh nghiệp tổ chức, chỉ thông qua một bữa ăn là có thể quảng bá ẩm thực Việt tới 40 nước rồi.

 

Ẩm thực Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhưng chúng ta chưa biết nắm bắt cơ hội ấy để quảng bá và xây dựng thương hiệu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm “marketing” ẩm thực rất giỏi, ví dụ Hàn Quốc chỉ là món rau dưa thôi, nhưng họ nâng tầm thành thương hiệu. Còn ẩm thực Việt Nam chưa có chiến lược quảng bá và phát triển rõ ràng.

 

Tôi từng phục vụ bữa ăn cho các nguyên thủ các quốc gia tại Hội nghị Cấp cao APEC. 21 nền văn hóa khác nhau, 21 nhà lãnh đạo đã ăn hết phần ăn, không một ai để thừa lại. Nếu không thấy ngon, người ta đã không ăn. Tôi có chọn sơn hào hải vị gì đâu, nhưng tôi vẫn có một bàn ăn cao cấp đó thôi, nấu ăn cho nguyên thủ quốc gia là cao cấp nhất còn gì.

 

Lần đầu tiên, tôi mang món ăn đi quốc tế, tôi chẳng cần cải biến gì, chỉ mang đúng những vị truyền thống của Việt Nam. Việt Nam phải có bề dày văn hóa như thế nào mới có được những món ăn đó. Đó là một tầm cao.

 

Những đầu bếp có kinh nghiệm, bí quyết chế biến, thì chỉ là món đơn giản cũng có thể đạt được tầm cao. Khi tôi lên thực đơn cho các nhà lãnh đạo APEC, người ta cũng hỏi tôi sao không đưa nguyên liệu cao cấp vào cho sang trọng, ví dụ tôm hùm. Nhưng những người đứng đầu các nền kinh tế làm gì có món sơn hào hải vị nào chưa từng nếm qua, cho nên họ thích những món ăn đơn giản của người Việt. Đó là cái tài của người đầu bếp. Ẩm thực thượng hạng thực ra xuất phát điểm là những món ăn đời thường, nhưng khác biệt, và người ta rất thích. Đó mới là ẩm thực tầm Michelin.

 

Nhiều doanh nghiệp họ rất quan tâm tới sự tinh tế của ẩm thực. Điển hình các lãnh đạo của Tập đoàn Sun Group luôn đề cao câu chuyện nâng ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới, nhưng các món ăn phải thật sự chuẩn vị truyền thống. Ở các khách sạn, khách nước ngoài lựa chọn ăn buffet nhiều nhất, nên ý tưởng kiến tạo nhiều Góc bếp Việt tương tự như cách Tập đoàn Sun Group đang làm là cơ hội rất tốt để ẩm thực tới với khách quốc tế nhiều hơn.

 

 

Tôi đã ở Việt Nam 16 năm. Tôi có 40 năm kinh nghiệm làm đầu bếp, trong đó có 33 năm nấu các món Việt Nam và hiện kinh doanh nhà hàng chuyên món Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao tôi đặc biệt quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

 

Trong vấn đề này tôi thấy có nhiều việc ở Việt Nam có thể làm nhưng ở nước ngoài là vi phạm pháp luật. Và dường như vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ được vào cuộc thật sự mạnh mẽ khi có những việc nghiêm trọng xảy ra.

 

Tại các nước phát triển, nếu bạn làm ai đó bị ảnh hưởng về sức khỏe trong hiện tại hoặc về lâu dài, bị ngộ độc, bị mất mạng... do ăn phải những món ăn chế biến cẩu thả hoặc sử dụng những nguyên liệu nguy hiểm, rẻ tiền để tăng lợi nhuận, bạn sẽ bị phạt hàng triệu đô-la, thậm chí vào tù. Hình phạt nặng nề ấy sẽ làm chùn bước những ai có ý định coi tiền bạc quan trọng hơn sức khỏe người tiêu dùng.

 

Việc bảo quản thức ăn cũng là vấn đề lớn. Tôi nhận thấy nhiều nhà hàng ở Việt Nam thường trữ đông lạnh hầu hết thực phẩm và họ nghĩ rằng với cách ấy thực phẩm bớt tươi ngon nhưng sẽ giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn. Có lẽ không nhiều người Việt Nam được học về nhiệt độ thích hợp cho thực phẩm và theo tôi, đó là vấn đề thật sự cần quan tâm.

 

Khi lần đầu đến Việt Nam vào năm 1999, tôi đã rất sốc khi biết có những người trong quá trình chế biến thực phẩm dùng các chất độc hại vốn có nguồn gốc từ nước ngoài. Tôi thật sự không hiểu được vì sao họ lại có thể thờ ơ với sức khỏe người tiêu dùng đến vậy? Vì sao có thể bất chấp tính mạng người khác chỉ vì lợi nhuận?

 

Tôi lo ngại rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam sẽ ngày càng đáng báo động hơn khi các chi phí ngày càng gia tăng, lợi nhuận càng giảm. Bước quan trọng nhất cần thực hiện là các cơ quan chức năng phải cấp chứng nhận cho những đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn. Đây là cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn được thực phẩm sạch.

 

Đồng thời, phải phạt nặng với hành vi sử dụng chất cấm hoặc thực phẩm không đạt chất lượng. Tôi nhấn mạnh điều này, vì luật pháp vẫn là công cụ quan trọng nhất trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần trừng phạt nghiêm khắc những ai đang xâm phạm niềm tin của cộng đồng, đang làm hại con người, đặc biệt là đầu độc các thế hệ tương lai chỉ vì muốn kiếm tiền nhanh chóng. Tôi nghĩ những hình phạt này không chỉ là phạt tiền mà thậm chí có thể phạt tù. Nếu số tiền phạt vẫn luôn nhỏ hơn mức lợi nhuận kiếm được khi sử dụng các hóa chất bị cấm, các thực phẩm không đạt chất lượng... khi chế biến món ăn thì họ sẽ tiếp tục vi phạm. Tôi nghĩ Việt Nam cần một chiến dịch lớn về thực phẩm để thúc đẩy việc sản xuất thực phẩm an toàn.

 

Với người tiêu dùng, cần chủ động hơn trong việc xác định các nhà cung cấp đang vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm kiếm các nhà cung cấp tốt và ủng hộ họ. Chính người tiêu dùng phải xác lập nhu cầu cấp thiết về các thực phẩm tốt cho sức khỏe, từ đó “đặt hàng” các nhà sản xuất trong và ngoài nước đẩy mạnh xây dựng doanh nghiệp nhỏ sản xuất thực phẩm sạch. Truyền thông và cộng đồng cần ủng hộ các doanh nghiệp này.

 

 

Việt Nam là đất nước nhiệt đới, địa hình lại trải dài từ Bắc vào Nam với bờ biển dài gần 3.300 km nên sở hữu những điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển các loại nguyên liệu, gia vị khác nhau.

 

Tôi thường xuyên đi chợ và siêu thị để tìm kiếm nguyên liệu, gia vị mới thì nhận thấy Việt Nam có rất loại trái cây, rau, củ tươi ngon. Ở các vùng biển cũng có không ít loại hải sản quý hiếm. Vì vậy, việc trở “Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới” hay “Điểm đến của những tín đồ đam mê ẩm thực” là điều không hề bất khả thi chút nào.

 

Nhưng nếu Việt Nam muốn trở thành bếp ăn của thế giới thì trước tiên cần phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển đa dạng các loại nguyên liệu cho nấu ăn. Đồng thời, Việt Nam cần tập trung hơn vào việc phát triển chất lượng của từng sản phẩm và lựa chọn xem loại nguyên liệu nào, loại thực phẩm nào có thể trở thành đặc trưng số 1 mà không thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới để tập trung phát triển chất lượng cũng như thương hiệu.

 

Tôi muốn chia sẻ ví dụ về quả dưa lưới nổi tiếng của Nhật Bản. Nước tôi không có nhiều diện tích cho nông nghiệp nên người nông dân đã lựa chọn tập trung vào phát triển chất lượng cho quả dưa lưới để sản phẩm đó được định danh trên thế giới. Và thế giới sẽ tìm đến Nhật Bản khi tìm kiếm những quả dưa lưới chất lượng.

 

Do đó, Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu cũng như phát triển chất lượng cho một số loại hải sản hay trái cây như thanh long, xoài, nhãn… để chúng trở thành một sản phẩm được định danh trên bản đồ ẩm thực của thế giới mà không nơi nào sánh bằng.

 

Đối với các loại hải sản và động vật nói chung thì cần làm sao để loại cá, cua, mực… đó được sống, sinh trưởng ở khu vực trong lành nhất, sạch một cách tự nhiên nhất và ít tác động của con người. Đó cũng là yếu tố quan trọng để tạo ra một loại nguyên liệu ngon.

 

Ngoài ra, để phát triển nguyên liệu đó trở thành sản phẩm đại diện cho Việt Nam thì còn phụ thuộc vào cách sử dụng sản phẩm đa dạng ra sao. Đơn cử, một quốc gia luôn có những món ăn truyền thống đi vào lịch sử. Việt Nam cũng vậy. Do đó, có thể phát triển những món ăn đó bằng cách nâng cấp nguyên liệu ngon, sạch hơn vào chế biến món ăn truyền thống để nó có thể trở thành một món ăn nổi bật hơn, được nhiều thực khách mong muốn thưởng thức và nhiều nước muốn nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam để chế biến món ăn.

 

 

Ẩm thực chính là con đường tiếp cận nhanh, gần gũi nhất và rất phù hợp để phát triển du lịch. Do vậy, cần xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt và trở thành “bếp ăn của thế giới”.

 

Việt Nam cần cải thiện chất lượng thực phẩm; phát triển hệ thống nhà hàng đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân lực ngành đầu bếp trong chế biến món ăn, cũng như kỹ năng, phong cách phục vụ phù hợp. Đồng thời, cần xây dựng nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch dân tộc để quảng bá ra thế giới.

 

Thực phẩm an toàn, là một phần quan trọng trong sứ mệnh của hiệp hội. Thực phẩm bẩn đang khiến người Việt ngày càng có thêm nhiều nghi ngờ vào những thứ mình “bỏ miệng” hằng ngày, dần dẫn đến tâm lý chuộng hàng ngoại.

 

Chính vì thế, bên cạnh duy trì và gìn giữ, phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam, chúng tôi còn có trách nhiệm xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội sẽ kết hợp với các nhà cung cấp, khẳng định quá trình, giá trị của họ, để người tiêu dùng hiểu và yên tâm. Khi đã định vị được chất lượng thì niềm tin nơi người tiêu dùng sẽ được củng cố.

 

Với cuộc sống công nghiệp như hiện nay, không phải lúc nào mình cũng có đủ thời gian để nấu những món ăn nhiều vị, phức tạp. Vậy tại sao không nghĩ đến việc có người nấu hộ trước, cô lại, chuyển hóa thành đồ ăn nhanh? Việt Nam cũng có rất nhiều loại trái cây ngon nhưng nước từ trái cây hầu hết đều phải nhập ngoại. Đó là một sự lãng phí.

 

Vì vậy, Hiệp hội tự đặt ra trách nhiệm đào tạo cách thức làm món, làm thật tốt khâu chế biến để vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, vừa tăng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam. Chúng tôi sẽ mở những trường đào tạo, mở các cuộc thi, kích thích thúc đẩy, tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp thật sự. Khi đó, ẩm thực sẽ chính thức trở thành thương hiệu khi nhắc đến Việt Nam.

 

Tôi có thể khẳng định rằng, khi đã trở thành thương hiệu, tài sản quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành kinh tế mà trước nhất là du lịch. Chúng ta điều biết câu nói “con đường ngắn nhất để đi đến tình yêu là thông qua dạ dày”. Khách du lịch đi đến bất cứ một nơi nào cũng mong muốn được thưởng thức đồ ăn ngon. Ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch. Nếu làm tốt, toàn bộ kinh tế, hệ thống dịch vụ tại chỗ sẽ được kích thích, phát triển, phần lợi nhuận nhà nước thu được từ tỷ lệ 70% này sẽ ngày càng lớn.

 

Như tôi đã nói, phát triển ẩm thực một cách chuyên nghiệp sẽ giải quyết tất cả nguồn ra cho nguyên liệu, thực phẩm, giúp nâng cao đời sống người dân, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước.

 

Các giá trị văn hóa thì ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng nhất. Có thể nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã có thể biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Ẩm thực có thể kích thích mong muốn của họ để đến với đất nước ta. Ẩm thực cũng giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.

 

Một khi văn hóa ẩm thực sự trở thành thương hiệu quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

 

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức với phương châm hoạt động “Tôn vinh truyền thống - Kiến tạo tương lai”, làm nền tảng và bản lề để phát huy và phát triển bền vững góp phần đồng hành với quốc gia, dân tộc xây dựng thành công nền văn hóa ẩm thực Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc để tự tin vươn ra thế giới.

 

 

Với việc Michelin đến với Việt Nam cùng quy trình thẩm định rất là ngặt nghèo thì trong buổi công bố danh sách các nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM đạt thương hiệu Michelin sẽ là bước ngoặt rất lớn đối với tất cả các nhà hàng tại Việt Nam. Đồng thời, tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực để đón tiếp khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

 

Tôi tin rằng, Michelin đến với Việt Nam sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới khách du lịch quốc tế khi tìm hiểu thông tin du lịch Việt Nam và là yếu tố quan trọng để đi du lịch Việt Nam thời gian tới. Việc những nhà hàng Việt Nam được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong việc tiếp cận đến chất lượng phục vụ thế giới. Chính vì vậy khi Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến Việt Nam.

 

Việc Sun Group nỗ lực đưa Michelin về Việt Nam thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội rất lớn. Chúng tôi mong muốn Sun Group và các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực chung tay vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

 

Định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, thì du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm chính. Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự công nhận của nhiều tổ chức uy tín thế giới vinh danh, đặc biệt, 3 năm liên tiếp Việt Nam được Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (World Culinary Awards) vinh danh là điểm đến văn hóa ẩm thực hàng đầu châu Á.

 

Chúng ta đang hướng đến danh hiệu cao hơn nữa để khẳng định giá trị thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Và sự kiện Michelin đến Việt Nam thẩm định nhà hàng đạt chuẩn là những “chất liệu” rất tốt để xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thời gian tới.

 

Tất cả các nhà hàng gắn nhãn Michelin họ đã chuẩn bị chương trình xúc tiến, quảng bá ngay khi được vinh danh. Còn đối với Tổng cục Du lịch, dựa trên danh sách được công bố, chúng tôi sẽ đưa vào kế hoạch xúc tiến quảng bá, đặc biệt là roadshow, các hội chợ quốc tế, các chương trình chuyên đề quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam; nhất là ở những thị trường mục tiêu để cho người dân và cộng đồng dân cư biết đến Việt Nam đã có những nhà hàng đạt chuẩn Michelin và đến với “đất nước hình chữ S”.

 

 

Ẩm thực vẫn luôn là niềm tự hào lớn của văn hóa Việt khi kết đọng tinh hoa của cả ngàn đời. Chúng ta cũng đã được Travel + Leisure xướng tên là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á năm 2023; có nền ẩm thực khiến đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain phải nặng lòng suốt gần 2 thập kỷ hay Gordon Ramsay cũng không ngần ngại tôn vinh top ngon nhất thế giới khi vừa đa dạng về lượng vừa tinh hoa về chất. Bởi vậy, với 103 nhà hàng đạt chuẩn, trong đó có 4 nhà hàng đạt 1 sao Michelin công bố hôm 6/6, Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong việc nâng tầm nền ẩm thực cũng như vị thế ngành kinh tế xanh trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để ẩm thực Việt thăng hoa, chạm đến những nấc thang mới.

 

Trang exoticvoyages đánh giá việc Việt Nam ra mắt Michelin Guide là một sự thay đổi lớn trong đánh giá ẩm thực Đông Nam Á. Đất nước nổi tiếng với những bánh mì, phở, bún chả có cơ hội để chứng tỏ mình ở lĩnh vực ẩm thực mang tính đẳng cấp hơn.

 

Sự hiện diện của cuốn Michelin Guide đầu tiên với các nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM cũng là lời giải cho bài toán lan tỏa ẩm thực Việt và các món ăn của “đất nước hình chữ S” được “phủ sóng” với vị thế khác.

 

Nhiều chuyên gia kỳ vọng tầm ảnh hưởng của Michelin sẽ đưa Việt lan tỏa như một vùng đất mới đầy tiềm năng của ẩm thực thế giới. Theo Francis Attrazic, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Bậc thầy Pháp, sao Michelin giúp tăng doanh thu khoảng 30%. Con số mơ ước này không chỉ giúp nhà hàng tăng lợi nhuận, mà còn mở ra cơ hội để ẩm thực Việt là điểm dừng chân của nguồn nhân lực chất lượng cao, thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư, từ đó mang đến những thay đổi cả về “chất” và “lượng” cho ngành.

 

Sự xuất hiện của Michelin Guide sẽ là chuẩn mực về chất lượng cho lĩnh vực F&B tại Việt Nam. Được liệt kê trong sách hướng dẫn Michelin sẽ là động lực to lớn cho bất kỳ nhà hàng nào trở nên tốt nhất so với tiêu chuẩn quốc tế. Sau công bố của Michelin, Việt Nam sẽ chào đón làn sóng đầu tư F&B từ các đầu bếp, nhân viên pha chế nổi tiếng và các tập đoàn từ khắp nơi trên thế giới.

 

Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá ẩm thực như một thương hiệu quốc gia tại các sự kiện, lễ hội văn hóa do Việt Nam tổ chức ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức các Lễ hội ẩm thực trong nước tại các vùng, miền gắn với các sự kiện xúc tiến và quảng bá du lịch hoặc lễ hội ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực và du lịch ẩm thực Việt Nam trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế; trên các website và mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube… Việc thực hiện các chiến dịch quảng bá có sự phối hợp với những người nổi tiếng tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam cũng sẽ tạo sức lan tỏa nhanh chóng.

 

Nền ẩm thực tinh hoa của Việt Nam cần có một chiến lược phát triển, quảng bá bài bản để tiếp tục giữ vững thương hiệu “bếp ăn của thế giới”, một thương hiệu quốc gia. Từ đó nâng tầm Việt Nam thành miền đất đáng đến, đáng sống bậc nhất hành tinh.

 

 

(HẾT)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỒ HẠ 30/06/2023 08:08
Back To Top