Khi hệ thống đánh giá ẩm thực uy tín hàng đầu thế giới “cập bến” và chính thức công bố danh sách 103 nhà hàng đầu tiên đạt chuẩn Michelin Guide tại Hà Nội và TP.HCM, trong đó có 4 nhà hàng đạt 1 sao Michelin Guide, vào ngày 6/6/2023, ẩm thực Việt Nam chính thức xác lập vị thế “bếp ăn của thế giới”. Từ đây, tiếng chuông ẩm thực Việt Nam sẽ được ngân vang, bay xa và thăng hoa để mời gọi, hấp dẫn du khách quốc tế cùng những thực khách sành ăn đến với Việt Nam.

 

 

Du lịch ẩm thực (food tourism) là loại hình “sinh sau, đẻ muộn”, mới chỉ xuất hiện trên thế giới khoảng hai thập kỷ gần đây, song đã được nhiều quốc gia phát triển thành “thỏi nam châm” hấp dẫn du khách quốc tế, chỉ sau du lịch văn hóa và sinh thái.

 

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, là chất xúc tác cho kinh tế địa phương. Còn theo Hội Lữ hành Ẩm thực thế giới, có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch.

 

Nguyên cứu của Viện Kinh tế Mastercard cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên dịch vụ ăn ngoài,cả trực tiếp hoặc trực tuyến hơn là tự nấu ăn tại nhà. Báo cáo cũng ghi nhận mức chi tiêu cho các dịch vụ ở nhà hàng đã tăng 16% từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022.

 

Để kể tên một hệ thống đánh giá ẩm thực uy tín hàng đầu thế giới, có tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch của một quốc gia thì chắc chắn không thể không nói tới Michelin Guide- một giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới. Nếu trong lĩnh vực âm nhạc có giải Grammy, điện ảnh có giải Oscar thì trong ngành ẩm thực có danh hiệu sao Michelin. Nhiều nền ẩm thực đã trở nên nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức, kéo theo sự phát triển của du lịch nhờ sự vinh danh của những “ngôi sao” này.

 

 

Michelin Guide xuất hiện năm 1900 với mục đích ban đầu chỉ là một chiêu thức marketing để bán lốp xe, nhưng sự ảnh hưởng của nó đã giúp ấn phẩm đặc biệt này chẳng những tồn tại hơn 130 năm, mà còn ngày càng phát triển như một biểu tượng định danh cho sự tinh tế của ẩm thực để tạo nên những tiếng vang ở những vùng đất mà nó dừng chân.

 

Nếu phụ nữ phải cảm ơn Christian Louboutin đã tạo ra “vết son đỏ chết người” dưới những gót giày, thì giới sành ẩm thực phải cảm ơn anh em nhà Michelin, Andre và Edouard Michelin, khi họ vô tình tạo ra cuốn sách bìa đỏ được ví như “kinh thánh” của ngành ẩm thực - Michelin Guide.

 

Sở dĩ danh sách Michelin Guide quyền lực đến vậy bởi nó chứa đựng những giá trị cốt lõi để ẩm thực không đơn thuần là thưởng thức món ngon, mà còn là một thú chơi công phu, một hành trình trải nghiệm bắt đầu bằng sự cầu kỳ và tinh tế, khắt khe, chuẩn mực và khép lại bằng sự mãn nguyện, hài lòng.

 

Michelin Guide khái quát hóa sự tinh tế của mình bằng bộ quy tắc gồm 5 tiêu chí khó nhằn đúng chuẩn tinh thần cầu kỳ của Pháp: đề cao chất lượng nguyên liệu sử dụng, kỹ thuật nấu điêu luyện, sự hài hoà trong hương vị, cá tính của đầu bếp được thể hiện trong món ăn và chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn.

 

Từ 5 tiêu chí này, Michelin Guide phân chia cấp độ từ 1 đến 2 và 3 sao. Một sao Michelin có nghĩa là nhà hàng có chất lượng tốt, đáng để dừng chân. Hai sao đồng nghĩa nhà hàng có chất lượng xuất sắc, đáng để đi một quãng đường xa. Ba sao, cấp bậc cao nhất chứng tỏ chất lượng vượt trội, đáng để dành một chuyến đi đặc biệt.

 

Đạt sao Michelin Guide không dễ. Sau khi lọt vào tầm ngắm của Michelin Guide, các chuyên gia ẩm thực Michelin Guide, những người được ví như những “điệp viên” vì danh tính của họ luôn là một ẩn số, sẽ bí mật đến từng nhà hàng, thẩm định và đánh giá dựa trên 5 tiêu chí. Quá trình thẩm định này kéo dài tới vài năm, vì Michelin Guide coi trọng chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn.

 

 

Mọi sự khắt khe đều có giá, bởi đó là khởi đầu cho công cuộc… bứt phá lên tầm cao mới.

 

Trong suốt hơn 1 thế kỷ tồn tại, Michelin Guide dừng chân ở vùng đất nào đều đồng nghĩa tiếng tăm về ẩm thực của vùng đất đó không chỉ được khẳng định, thăng hoa. Mà từ đó còn mở ra vô vàn cơ hội thúc đẩy du lịch, thu hút nhân lực chất lượng cao.

 

Còn nhớ, năm 2008, cuốn Michelin Guide Nhật Bản đầu tiên được trình làng, chỉ trong 5 tuần, 300.000 cuốn đã bán hết veo. Năm 2010, Tokyo vượt mặt Paris trở thành thủ đô của những nhà hàng 3 sao Michelin. Chỉ trong 3 năm, ẩm thực xứ Phù Tang thăng hạng, nắm giữ “ngôi vương”. Trước đó, danh tiếng của ẩm thực Nhật chưa bao giờ được lan toả ở cấp độ cao gắn liền với sự thượng thừa như thế.

 

Nhật Bản đã có 21 cơ sở ăn uống đạt 3 sao Michelin Guide, nhiều nhất ở châu Á.  

 

8 năm sau, khi cuốn Michelin Guide Singapore đầu tiên được xuất bản, ngay lập tức quốc đảo Sư tử được đánh giá như một “eldorado mới” của ẩm thực thế giới. Lần đầu tiên, Michelin Guide phá vỡ những nguyên tắc của mình khi đưa hai cơ sở ăn uống đường phố vào danh sách 1 sao. Ẩm thực đường phố từ chỗ ít được xem trọng, ghi nhận đã được Michelin nâng lên một tầm cao mới, danh giá và tiếng tăm. Chỉ sau một đêm, ẩm thực đường phố Singapore nhờ có sao Michelin đã bước sang một trang mới, được cả thế giới biết đến, mở đường cho ngành du lịch bách chiến bách thắng.

 

Đặc biệt, năm 2016, Hawker Chan, một quán cơm gà nằm trong khu hàng rong Chinatown Singapore trở thành quán ăn đường phố đầu tiên trên thế giới được trao tặng sao Michelin. Hawker Chan đã “thừa thắng” mở thêm hai chi nhánh và tới sáu cửa hàng nhượng quyền ở sáu quốc gia nữa. Mặc dù tới năm 2021, quán cơm này không còn được nhận sao Michelin nữa, nhưng bộ mặt ẩm thực ở khu hàng rong Singapore từ lúc ấy đã đổi khác.

 

Hawker Chan - một quán cơm gà nằm trong khu hàng rong Chinatown tại Singapore nổi tiếng là quán ăn đường phố được gắn sao Michelin rẻ nhất thế giới và là quán ăn đường phố đầu tiên trên thế giới được trao tặng sao Michelin năm 2016.

 

Sau Hawer Chan, Singapore có thêm Tai Hwa, một nhà hàng bình dân chuyên bán mì thịt lợn cũng đạt 1 sao Michelin. Dù ngôi sao Michelin kéo theo việc tăng giá mỗi bát mì, nhưng không ít du khách tới quốc đảo Sư tử vẫn sẵn sàng xếp hàng để được thưởng thức món mì thịt heo này.

 

Việc bảo tồn văn hóa ẩm thực hàng rong của Singapore đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều năm, đảo quốc này có hơn 100 trung tâm bán hàng rong. Nhưng phải tới cú huých Michelin, thì hồ sơ di sản ẩm thực đường phố mới bắt đầu được xúc tiến. Năm 2018, Singapore đệ trình hồ sơ lên UNESCO và năm 2021, văn hóa bán hàng rong của nước này được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể. Rõ ràng, Singapore đã “hưởng lợi” như thế nào từ khi những ngôi sao Michelin xuất hiện.

 

Du khách xếp hàng đợi thưởng thức món ăn của nhà hàng Hawker Chan tại Australia.

 

Còn Thái Lan, với 441 nhà hàng được Michelin chọn lựa vào sách ẩm thực, trong đó có 6 nhà hàng đạt hai sao, 29 nhà hàng một sao, ẩm thực xứ Chùa Vàng cũng đã có một vị thế khác hẳn, trong cuộc đua hút khách quốc tế đến đất nước này.

 

Có tới 35 nhà hàng tại đất nước Chùa Vàng được trao sao Michelin vào năm 2023, nhưng chưa đến một nửa số cơ sở này phục vụ ẩm thực Thái Lan. Hiếm hoi trong số đó, chỉ có 1 nhà hàng ẩm thực đường phố được trao tặng 1 sao Michelin danh giá, bền bỉ từ 2018 tới nay.

 

Jay Fai, một quán ăn nhỏ nằm ở đường Mahachai, Samran Rat, Bangkok chỉ có chừng 7 bàn ăn nhưng rất dễ để nhận ra bởi luôn có hàng dài người đứng xếp hàng chờ được phục vụ. Dù 2 giờ chiều quán mới bắt đầu phục vụ, nhưng những người muốn trở thành vị khách đầu tiên đã xếp hàng từ 7 giờ 30 sáng, phần đông là khách du lịch. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới chờ mong được thưởng thức món ăn đặc trưng đã làm nên tên tuổi cho Jay Fai như trứng tráng cua, súp tôm chua cay (tom yum), mỳ xào say (pad kee mao).

 

Món trứng tráng cua với màu nâu vàng giòn đặc trưng của nhà hàng có giá 1.200 baht, tương đương 33 USD một đĩa. Trong khi các món ăn của Jay Fai có giá từ 500 đến 1.500 baht Thái, tương đương 13,80 USD đến 41 USD, mức giá này không hề rẻ đối với một nhà hàng bình dân, nhưng với những khách hàng đã thưởng thức ẩm thực tại đây, giá đó hoàn toàn xứng đáng và rẻ hơn bất kỳ bữa ăn tại nhà hàng gắn sao Michelin nào.

 

Được trao tặng 1 sao Michelin lần đầu tiên năm 2018, Jay Fai đã trở thành một biểu tượng ẩm thực đường phố và là điểm đến yêu thích của du lịch khi khám phá Thủ đô của Thái Lan.

 

Không gì có thể chối cãi việc hơn 1,3 thế kỷ tồn tại, Michelin Guide dừng chân ở vùng đất nào đồng nghĩa với tiếng tăm về ẩm thực của vùng đất đó được khẳng định và thăng hoa, từ đó mở ra vô vàn cơ hội thúc đẩy ngànhkinh tế xanh, mang lại doanh thu khổng lồ.

 

Khi cuốn Michelin Guide Dubai đầu tiên được xuất bản, Giám đốc Điều hành Uỷ ban Thương Mại và Du lịch Dubai Issac Kazim đã  nhận định: “Đây là một bước ngoặt không chỉ của ẩm thực mà còn cả du lịch Dubai.Michelin là chỉ dấu đầu tiên trong tâm trí du khách, giới doanh nhân và các nhà đầu tư. Nó sẽ là một tài sản lớn cho ngành du lịch và sự kiện”.

 

Còn vị Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Bậc thầy Pháp Francis Attrazic đã khẳng định trên tờ Le Figaro rằng: “Doanh thu của các nhà hàng đạt sao Michelin tăng trung bình 30%. Những ngôi sao mang đến một hơi thở mới cho các nhà hàng”. Nói một cách khác, sao Michelin như một “cú hích” mở đường cho những bứt phá có tính chiến lược lâu dài.

 

 

Hiện, toàn thế giới chỉ có 142 nhà hàng đạt được 3 sao Michelin, thuộc hàng xuất sắc nhất, xứng đáng để “dân chơi ẩm thực”, người sành ăn thực hiện một cuộc thưởng ngoạn. Băng qua những con đường lát đá yên bình của thành phố cổ Modena, phía Nam nước Ý, bước qua cánh cửa nâu xám cổ điển của căn biệt thự tại số 22 đường Via Stella, đón chờ các tín đồ ẩm thực sẽ là những hương vị Italia đặc trưng cô đọng qua từng thế kỷ của “nhà hàng xuất sắc nhất thế giới” với 3 sao Michelin - Osteria Francescana.

 

Ra đời năm 1995, Osteria Francescana chứa đựng tâm huyết nâng tầm ẩm thực quê hương Modena của bậc thầy ẩm thực Ý hiện đại Massimo Bottura. Giai đoạn khởi đầu của nhà hàng này đã vấp phải không ít khó khăn bởi những thực khách bản địa không hài lòng với việc hương vị truyền thống bị cải tiến. Nhưng, bước ngoặt đã đến kể từ khi ngôi sao Michelin đầu tiên xuất hiện vào năm 2002.

 

Đến với Osteria Francescana, các vị khách sẽ luôn được chào đón bởi ít nhất 50 nhân viên tận tình túc trực.

 

Osteria Francescana ngày càng trở nên nổi tiếng khắp gần xa. Với những ký ức tuổi thơ khi cùng bà nấu ăn kết hợp cùng cách chế biến sáng tạo khác xa thông thường, Massimo đã chạm đến cái đích của nghệ thuật ăn ngon, chinh phục những vị khách khó tính nhất.

 

Đến với Osteria Francescana, các vị khách sẽ luôn được chào đón bởi ít nhất 50 nhân viên tận tình túc trực. Dịch vụ đẳng cấp, chất lượng món ăn không hề suy giảm trong gần 3 thập kỷ, ý tưởng khác biệt luôn được ứng dụng mỗi ngày chính là công thức để Osteria Francescana duy trì 3 sao Michelin suốt hơn một thập kỷ.

 

Dịch vụ đẳng cấp, chất lượng không suy giảm, ý tưởng khác biệt được ứng dụng mỗi ngày chính là công thức để Osteria Francescana duy trì 3 sao Michelin suốt hơn một thập kỷ.

 

Cách Osteria Francescana hơn một ngàn cây số, giữa Paris phồn hoa, nhà hàng L'Arpege là một trong những niềm tự hào của ẩm thực Pháp. Ngay năm đầu tiên khai trương, 1986, L'Arpege đã xuất sắc nhận 1 sao Michelin. Khởi điểm, góc phố Rue de Varenne luôn tấp nập những quý cô, quý ông sành điệu đến L'Arpege để thưởng thức những đĩa thịt hảo hạng với sườn bò nướng, chân cừu hay gà, sườn bê... Thành quả, năm 1996, L'Arpege đã lần đầu tiên nhận được 3 sao Michelin.

 

Đến nay, L'Arpege thường xuyên dẫn đầu top những “nhà hàng tốt nhất thế giới”. Sự phối ngẫu đầy tinh tế của Alain Passard với các loại rau củ đã thay đổi cách nhìn của giới yêu ẩm thực. Những món ăn “ngon gần như không thể chịu được” như Purple Emotion với pho mát Parmigiano Reggiano; Bigouden Salad với bơ bào ướp muối; Cabbage Tournedos - khoanh bắp cải với ớt hay Vegetable Sushi - sushi rau quả với lá sung đã trở thành niềm khao khát của các tín đồ ẩm thực muôn nơi.

 

Trải nghiệm những nhà hàng đạt sao Michelin đã dần trở thành tấm vé bảo chứng đẳng cấp của giới sành điệu. Nếu muốn dùng bữa ở một nhà hàng 3 sao hàng đầu, bên cạnh việc phải chi khoảng 200 - 600 USD cho một người, các thực khách còn cần đặt chỗ trước hàng năm và nếu không thể tới theo kế hoạch, khoản phí đặt chỗ cũng sẽ tan theo mây khói.

 

L'Arpege thường xuyên dẫn đầu top những “nhà hàng tốt nhất thế giới”.

 

 

Để xét duyệt thăng hạng, những nhà hàng 1 sao Michelin sẽ được khảo sát 4 lần một năm, nhà hàng 2 sao sẽ được khảo sát 10 lần một năm. Hệ thống cũng đều đặn tái thẩm định 18 tháng một lần đối với danh sách đã được tặng sao và sẵn sàng “truất sao” bất kỳ khi nào, nếu các nhà hàng không giữ vững được phong độ. Vì vậy những nhà hàng và đầu bếp càng luôn cần nỗ lực cải thiện chất lượng, không “ngủ quên” trên chiến thắng.

 

“Một trong những thước đo thành công nhất, có ý nghĩa nhất và có tính xác thực cao nhất” George Mendes, vị đầu bếp với danh tiếng lẫy lừng đã nhận định về những ngôi sao Michelin như vậy.

 

Uy tín, cao cấp và tinh tế hơn cả một danh hiệu, Michelin được xưng tụng như đỉnh cao của làng phê bình ẩm thực. Giới chuyên gia nhận định chung Michelin Guide giống như “ngôi sao Bắc Đẩu” dẫn lối những thực khách đam mê ẩm thực đến với chân trời mỹ vị, “bông hoa 6 cánh” được coi như  thước đo mỹ thực tiêu chuẩn được các nhà phê bình công nhận, và cũng là chốn ngưỡng vọng mà mọi đầu bếp đều khao khát.

 

“Vua đầu bếp” thời kỳ đương đại Gordon Ramsay vô cùng xem trọng “Bắc Đẩu bội tinh” của ngành ẩm thực này. Thậm chí, việc bị “tước sao” đã trở thành một cơn khủng hoảng, nỗi ám ảnh khiến vị đầu bếp tài ba lẫy lừng phải trải qua một nỗi buồn vô hạn và phải rơi nước mắt khi nghe tin nhà hàng của mình bị tước sao.

 

 

Đầu bếp Pháp huyền thoại Hay Bernard Loiseau, người đã dành ra 17 năm miệt mài sáng tạo, nâng cao tay nghề để sở hữu 3 ngôi sao Michelin, cũng đã rơi vào cơn tuyệt vọng tận cùng khi nghe tin nhà hàng La Côte d’Or của ông có thể bị rớt 1 sao. Rõ ràng, “ánh sáng” ngôi sao Michelin đã tôn lên vầng hào quang của các vị “chef” tài năng và trao cho ẩm thực đường phố cơ hội được “đổi vận”, sánh vai với những chuỗi nhà hàng đẳng cấp, sang trọng.

 

Việc mất sao Michelin khiến người đầu bếp buồn là bởi ngôi sao ấy mang lại danh tiếng và khẳng định mức độ độc đáo, thú vị của nhà hàng. Nói như nghệ nhân ẩm thực Việt Nam Phạm Ánh Tuyết thì: “Michelin đánh giá không phải là nguyên liệu thật đắt tiền, sang trọng, nhà hàng vỉa hè cũng có sao Michelin đấy thôi. Không phải cứ ngồi vào bàn ghế mạ vàng là có sao Michelin. Đó phải là những gì tinh túy nhất, hài hòa nhất”.

 

Có thể nói, sự hiện diện của những hệ thống đánh giá như Michelin đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng của ngành ẩm thực hay tay nghề của các đầu bếp, đặc biệt là những đầu bếp trẻ luôn cần nỗ lực học hỏi, phát triển bản thân để khẳng định vị thế với những ngôi sao. Nhờ đó, nền ẩm thực có cơ hội không ngừng vươn lên tầm cao mới.

 

 

Năm 2016, Michelin Guide lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á. Năm 2017, họ tạo một cú sốc nho nhỏ với nền ẩm thực thế giới khi công bố một nhà hàng đường phố Singapore đạt 1 sao Michelin. Năm 2018, Thái Lan có tên trong bản đồ sao Michelin. Năm 2022 là Malaysia và năm nay - 2023 là Việt Nam, dưới sự nỗ lực của đối tác Sun Group. Trang exoticvoyages đánh giá việc Việt Nam ra mắt Michelin Guide là một sự thay đổi lớn trong đánh giá ẩm thực Đông Nam Á. Đất nước nổi tiếng với những bánh mì, phở, bún chả có cơ hội để chứng tỏ mình ở lĩnh vực ẩm thực mang tính đẳng cấp hơn.

 

Việc Sun Group mang Michelin về Việt Nam, giống một cú hích, kỳ vọng có thể mở ra giai đoạn mới cho hóa ẩm thực Việt, như Singapore từng làm được.

 

Ông Gwendal Poullennec, Giám đốc Quốc tế Michelin Guide cho biết: “Michelin Guide đã quan sát nền ẩm thực của Việt Nam trong một thời gian khá dài, dõi theo sự phát triển ẩm thực của quốc gia này và nhận thấy sự thăng hoa của nền ẩm thực tại đây. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ đóng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam cũng như hành trình khám phá nền ẩm thực của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng Michelin Guide sẽ góp phần nâng cao giá trị và tạo cảm hứng cho nhiều chuyên gia tài năng, những người đang định hình ngành công nghiệp nhà hàng địa phương, và nhờ đó sẽ có tác động tích cực đến sức hấp dẫn của lĩnh vực này”.

 

Bước chân của Michelin Guide đặt chân đến Việt Nam cuối năm 2022 và công bố cuốn Michelin Guide đầu tiên tại Việt Nam có sự nỗ lực của đối tác là Tập đoàn Sun Group.

 

Theo khảo sát, khi so sánh giữa những điểm đến, 67% du khách sẽ lựa chọn điểm đến có Michelin thay vì điểm đến không có “ngôi sao” này. Hiệu ứng Michelin Guide còn dẫn đến sự gia tăng về số lượng và chất lượng nhu cầu khi 57% du khách thường xuyên sẽ kéo dài thời gian lưu trú tại điểm đến có Michelin. Các nhà hàng trong danh sách Michelin Guide có 71% khách du lịch thường xuyên tăng chi tiêu, giúp nhân rộng tác động của bộ sưu tập đối với mỗi nền kinh tế, thúc đẩy sự xuất hiện của nhóm khách hàng cao cấp và khách du lịch có chi tiêu cao hơn.

 

Sự có mặt của Michelin Guide và việc đánh giá phân hạng sao còn giúp lực lượng lao động ở những nhà hàng nhận sao Michelin tăng đến 80%. Năm 2018, Michelin Guide đã giúp San Francisco và Singapore tạo được 2.650 việc làm mới tại những nhà hàng đạt sao Michelin.

 

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho rằng: “Đây cũng là cơ sở, để Việt Nam đón thêm dòng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, từ đó thúc đẩy các điểm đến cạnh tranh, nâng cao chất lượng ẩm thực cũng như chất lượng phục vụ khách, nâng cao tay nghề của các đầu bếp lẫn nhân viên phục vụ của các nhà hàng, hướng tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh với những điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới”.

 

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Việc những nhà hàng Việt Nam được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong việc tiếp cận đến chất lượng phục vụ thế giới. Chính vì vậy, khi Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến Việt Nam”.

 

“Định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, thì du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm chính. Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được sự công nhận của nhiều tổ chức uy tín thế giới vinh danh và 3 năm liên tiếp điểm đến văn hóa ẩm thực hàng đầu châu Á. Chúng ta đang hướng đến danh hiệu cao hơn nữa để khẳng định giá trị thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Và sự kiện Michelin đến Việt Nam thẩm định những nhà hàng thì chúng tôi cho rằng rất tốt để xúc tiến quảng bá thời gian tới”, ông Khánh nói thêm.

 

4 nhà hàng đầu tiên của Việt Nam đạt 1 sao Michelin.

 

Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết, được biết đến như một đại sứ ẩm thực Việt Nam, từng nấu ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, đánh giá việc Michelin Guide công bố danh sách nhà hàng đạt chuẩn và đạt một sao đầu tiên ở Hà Nội và TP.HCM là cơ hội lớn cho ẩm thực nước nhà được nâng tầm và có vị thế xứng đáng: “Tôi nghĩ ẩm thực Việt Nam xứng đáng có sao Michelin lâu rồi. Tôi kỳ vọng và tin tưởng sự xuất hiện những ngôi sao Michelin Guide tại Việt Nam sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho ẩm thực Việt. Bởiẩm thực là yếu tố có thể níu chân du khách ở lâu, chi tiêu cao và quay trở lại nhiều lần một cách hiệu quả nhất. Các con tôi vẫn bảo sang Thái Lan để ăn, thưởng thức ẩm thực bên đó. Nghĩa là vì ẩm thực, họ đến Thái Lan, rồi họ sẽ ở lại du lịch, du lịch thêm phát triển, Như vậy mới là phát triển du lịch bền vững và chắc chắn”.

 

Cuốn Michelin Guide Việt Nam đầu tiên được xuất bản là bước ngoặt để ẩm thực Việt vượt ra khỏi ranh giới lãnh thổ và khẳng định vị thế. Cùng với nỗ lực hoàn thiện để phát huy thế mạnh bản sắc đi kèm sự đảm bảo về chất lượng và sự ổn định, Michelin sẽ là lực đẩy hoàn hảo để ẩm thực đường phố Việt làm được những điều mà ẩm thực đường phố Singapore, Thái Lan đã gặt hái được trong thời gian qua.

 

Sao Michelin là biểu tượng để đánh giá chất lượng của một nhà hàng và các nhà hàng nhận được sao Michelin hàng năm sẽ được vinh danh trong cuốn cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới - The Michelin Guide, ra đời năm 1900.

 

Có 5 tiêu chí để đánh giá sao Michelin bao gồm:

- Chất lượng của nguyên liệu.

- Kỹ thuật nấu ăn của đầu bếp và cách phối hợp hương vị điêu luyện ra sao.

- Cá tính của người chế biến món ăn.

- Giá trị của món ăn đó có tương xứng với mức giá hay không.

- Sự đồng đều và nhất quán trong các lần đến thưởng thức.

 Cách đánh giá sao Michelin được chia làm 3 hạng mục: 1 sao, 2 sao và 3 sao, trong đó 3 sao là đánh giá cao nhất.

 

Trong tổng số 103 nhà hàng được tuyển chọn, có 48 nhà hàng ở Hà Nội và 55 nhà hàng ở TP.HCM, có 4 nhà hàng được nhận một sao Michelin (3 nhà hàng ở Hà Nội và 1 nhà hàng ở TP.HCM) nhờ có chất lượng món ăn cao, và 29 cơ sở ăn uống được thẩm định viên công nhận có món ăn đáng trải nghiệm với giải thưởng Bib Gourmand – hạng mục tôn vinh những nhà hàng phục vụ món ăn ngon với giá cả phải chăng.

 

4 nhà hàng đạt 1 sao Michelin Guide

 

Giải thưởng Bib Gourmand tôn vinh 29 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide có chất lượng món ăn “đáng giá tới từng xu”. Trong đó, 13 cơ sở ăn uống Bib Gourmand ở Hà Nội.

 

16 cở sở ăn uống Bib Gourmand ở TP.HCM

 

32/70 cơ sở ăn uống được tuyển chọn bởi Michelin Guide tại Hà Nội.

 

38/70 cơ sở ăn uống được tuyển chọn bởi Michelin Guide tại TP.HCM.

Ba giải thưởng Michelin đặc biệt:

 

+ Giải thưởng Cống hiến nhằm vinh danh và khích lệ các nhân viên phục vụ tài năng trao cho chị Nguyễn Thị Nụ, nhà hàng Vietnam House (TP.HCM)

 

+ Giải thưởng dành cho Chuyên gia về rượu vang (Sommelier Award) thuộc về Yu Yamamoto, nhà hàng Lửa (TP.HCM).

 

+ Giải thưởng Đầu bếp trẻ xuất sắc (Young Chef Award) thuộc về Sam Trần, nhà hàng GIA đạt một Sao Michelin (Hà Nội).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỒ HẠ 30/06/2023 08:08
Back To Top