Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mercedes Benz Việt Nam quay sang kinh doanh xe tải
Hoàng Nam - 22/10/2014 07:58
 
Công ty Mercedes Benz Việt Nam (MBV) đã bắt đầu hoạt động kinh doanh xe tải với kỳ vọng đi vững bằng cả hai chân: xe con và xe tải. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sự biến mất bí ẩn của Cường LuxuryCar “ông trùm” siêu xe
Mercedes Benz Việt Nam ào ạt ra xe mới
Người bán xe Mercedes số 1 Việt Nam

Fuso được biết tới là thương hiệu xe tải nổi tiếng của Hãng Mitsubishi Nhật Bản đã có bề dày lịch sử hơn 80 năm. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1995, thương hiệu xe tải Mitsubishi Fuso trước đây chỉ cung cấp 4 phiên bản xe tải hạng nhẹ thông qua liên doanh VinaStar có vốn góp của Mitsubishi.

Tuy được khách hàng đánh giá cao về độ bền, kiểu dáng đẹp và tiết kiệm chi phí vận hành, nhưng năm 2013, Fuso chỉ chiếm 30% thị phần xe tải hạng nhẹ với 761 chiếc được bán ra. Con số được xem là khá khiêm tốn so với sản lượng xe tải tiêu thụ của Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) được lắp ráp trong nước, hay một số công ty thương mại đang nhập khẩu từ Trung Quốc.

  Mercedes Benz Việt Nam quay sang kinh doanh xe tải  
  Mercedes Benz Việt Nam bắt đầu kinh doanh xe tải với kỳ vọng đi vững bằng cả hai chân: xe con và xe tải   

Tuy nhiên, cơ hội cho Fuso thay đổi chính mình đang hé mở với việc MBV đảm nhiệm việc nhập khẩu, lắp ráp và phân phối xe tải Fuso trên thị trường Việt Nam.

“Sau khi đóng cửa dây chuyền sản xuất xe du lịch Sprinter, MBV nhận thấy cần có sản phẩm khác cho thị trường Việt Nam và cuối cùng đã chọn xe tải”, ông Michael Behrens, Tổng giám đốc MBV cho hay.

Trước đó, giới kinh doanh đã không khỏi tiếc nuối, khi MBV dừng phân phối dòng xe 16 chỗ ngồi Sprinter trong thời điểm bán chạy nhất thị trường. Nguyên nhân là do  dòng xe này được khai tử trên toàn cầu, vì vậy, nếu chỉ duy trì sản xuất tại Việt Nam, thì chi phí sản xuất mỗi chiếc xe sẽ quá lớn. Điều này đã khiến Ford Transit hưởng lợi lớn từ việc không còn đối thủ nào để người tiêu dùng phải cân nhắc, lựa chọn.

Trở lại với Fuso, việc MBV đảm nhiệm kinh doanh xe tải Fuso tại Việt Nam được đánh giá là thương vụ mạo hiểm, dù Tập đoàn Daimler AG đang nắm giữ 89,29% cổ phần của Mitsubishi Fuso. Để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh xe tải Fuso từ tháng 7/2014, MBV và các bên liên quan đã triển khai dự án này từ cách đây hơn 2 năm.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về câu hỏi: “Đầu tư cho thương vụ mới có bỏ quên mảng kinh doanh xe du lịch đang mang lại lợi nhuận lớn hiện nay?”, ông Behrens cho hay, hiện MBV đã tuyển dụng khoảng 80 nhân viên mới và tách biệt hoàn toàn kinh doanh hai mặt hàng này. Mục tiêu là không tạo ra chuyện “xưởng dịch vụ xe cao cấp lại kiêm luôn làm dịch vụ cho xe tải, gây ra sự xuống cấp với một thương hiệu hạng sang như khách hàng từng lo ngại”.

Có mức giá bán lẻ bắt đầu từ khoảng 670 triệu đồng/chiếc, hiện chiếc xe tải hạng nặng của Fuso đắt nhất là 1,8 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với giá bán những chiếc xe con nhãn hiệu Mercedes Benz, đặc biệt là những siêu xe lên tới gần chục tỷ đồng. Xét về mặt lượng, xe tải Fuso được bán ra trong năm 2013 chưa đến 700 chiếc, chỉ bằng 1/3 so với doanh số bán xe của MBV. Bởi vậy, xem ra thách thức của Fuso là làm sao đạt bằng xe Mercedes về số lượng.

Ở góc độ khác, cuộc cạnh tranh trên thị trường xe tải cũng khá khốc liệt. Ở phân khúc xe tải nhẹ và hạng trung, Thaco hiện có hàng loạt sản phẩm chiến lược với số lượng bán trong năm 2012 là 12.000 xe. Nhưng ở phân khúc hạng nặng, Thaco không có dấu ấn nào đáng kể.

Đối thủ trong mảng xe tải hạng nặng của Fuso chính là các loại xe có xuất xứ từ Hàn Quốc hay Trung Quốc như Dong Fang, Howo, đang được nhiều công ty thương mại Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn với ưu thế về giá.

Ông Nguyễn Duy Đoàn, Giám đốc mảng kinh doanh, tiếp thị hậu mãi xe tải (MBV) cho hay, sau khi mua xe 2 năm, khách hàng mới nhận ra được tính kinh tế khi bỏ khoản tiền đầu tư lớn cho xe tải Nhật Bản khi so sánh độ bền và chi phí vận hành với xe xuất xứ từ Trung Quốc.

Với thực tế kinh tế vẫn chưa có những chuyển động theo chiều hướng tốt lên, số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động hoặc làm ăn không có hiệu quả vẫn nhiều, thì việc kinh doanh bằng xe tải xịn với giá tiền cao hơn 30-40% so với xe xuất xứ từ Trung Quốc là một thách thức không nhỏ.

Không tiết lộ năng lực của nhà máy xe tải hay tỷ lệ nội địa hóa trên các xe tải được lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam, cũng như tỷ lệ doanh số đóng góp của mảng kinh doanh này trong tổng thể hoạt động của MBV, nhưng các quan chức MBV và Fuso  cho biết, hiện đã bán ra xe tải và mục tiêu đặt ra trong năm 2015 cho xe tải Fuso là hoàn vốn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư