Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
MHB chính thức sáp nhập vào BIDV từ hôm nay
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng MHB đã tiến hành ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV. Toàn bộ hệ thống chi nhánh của MHB (cũ) cũng sẽ chính thức đổi biển hiệu sang BIDV.
Ngân hàng sau sáp nhập chính thức hoạt động từ hôm nay 25/05/2015 và mang tên là BIDV. Ảnh: Lê Toàn
Ngân hàng sau sáp nhập chính thức hoạt động từ hôm nay 25/05/2015 và mang tên là BIDV. Ảnh: Lê Toàn

Được biết, việc sáp nhập này là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, là hoạt động cụ thể thực hiện nhóm giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Thống đốc NHNN công bố  hơn 2 năm trước đây.

Theo Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được ban hành kèm theo Quyết định số 254 của Thủ tướng Chính Phủ thì việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD được chia thành hai giai đoạn: (i) Giai đoạn 1: tái cơ cấu các TCTD yếu kém, giai đoạn này đã hoàn thành; (ii) Giai đoạn 2: tái cơ cấu các TCTD chưa đến mức yếu kém nhằm thu hẹp số lượng TCTD. Việc sáp nhập MHB vào BIDV là ở giai đoạn 2 này.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: “Theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, hai ngân hàng chúng tôi thống nhất xác định nguyên tắc xác nhập là: (i) Thực hiện sáp nhập nguyên trạng MHB vào BIDV và (ii) không thực hiện định giá lại, thực hiện hoán đổi cổ phần theo tỷ lệ 1:1. Bên cạnh đó, việc sáp nhập MHB vào BIDV cũng phải đảm bảo các nguyên tắc như: kiểm soát và ngăn chặn các rủi ro, thất thoát trong quá trình sáp nhập; đảm bảo hoạt động của ngân hàng an toàn, thông suốt trước, trong và sau sáp nhập”.

Cũng theo ông Hà, thực tiễn đã có những giao dịch sáp nhập/hợp nhất thực hiện theo nguyên tắc này như: hợp nhất 03 ngân hàng (Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa) hay gần đây nhất NHNN đã chấp thuận nguyên tắc cho Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập nguyên trạng và hoán đổi cổ phần tỷ lệ 1:1 vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB).

Việc thực hiện nguyên tắc này đảm bảo cho việc sáp nhập được thực hiện nhanh chóng và cũng không ảnh hưởng nhiều tới các cổ đông ngoài Nhà nước vì hai ngân hàng BIDV và MHB đều thuộc sở hữu chi phối của Nhà nước (BIDV (95,76%), MHB (91,26%).

Toàn bộ thời gian để thực hiện việc sáp nhập là khoảng trên 1 tháng, tính từ thời điểm công bố chính thức thông tin (sau thời điểm xin ý kiến tại ĐHCĐ ngày 17/04/2015) đến khi hoàn tất sáp nhập ngày 23/05/2015. Tuy nhiên 2 ngân hàng cũng đã có những phiên làm việc ở các cấp từ tháng 11/2014. MHB đã hoàn tất các thủ tục rút Giấy phép thành lập và hoạt động và đăng bố cáo theo quy định của pháp luật đồng thời BIDV cũng hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh doanh và đăng bố cáo sáp nhập; BIDV cũng đã hoàn tất các thủ tục phát hành cổ phần BIDV hoán đổi cổ phần MHB như các thủ tục chuyển giao vốn điều lệ, ghi nhận tăng vốn…

Ngân hàng sau sáp nhập chính thức hoạt động từ hôm nay 25/05/2015 và mang tên là BIDV.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Lễ ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV. Ảnh: Lê Toàn
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Lễ ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV. Ảnh: Lê Toàn

Ông Trần Bắc Hà cũng cho biết: “Có thể nói trở ngại lớn nhất trong quá trình sáp nhập là làm thế nào để đánh giá chính xác nhất thực trạng hoạt động của MHB để đảm bảo cho việc tiếp nhận, bàn giao được đầy đủ, chính xác, an toàn. Chúng tôi đã cử các đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tất cả các mặt hoạt động của MHB tại tất cả các đơn vị trực thuộc MHB (kể cả những đơn vị liên doanh, có vốn góp của MHB) để làm cơ sở cho việc tiếp nhận, bàn giao. Một khó khăn nữa của việc sáp nhập là thời gian ngắn phải đảm bảo họat động bình thường nhưng BIDV đã hoàn thành việc sáp nhập trong thời gian ngắn kỷ lục, không xảy ra các sự cố đáng tiếc nào, và chỉ trong vòng một tháng chúng tôi đã hoàn thành tất cả các trình tự, thủ tục sáp nhập theo đúng các quy định pháp luật hiện hành”

Còn theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, sau khi sáp nhập quy mô hoạt động của BIDV được mở rộng với tổng tài sản trên 700 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 37 ngàn tỷ đồng, mạng lưới hoạt động rộng khắp với 980 điểm mạng lưới (182 Chi nhánh và 798 Phòng giao dịch), gia tăng nền khách hàng mới một lực lượng đông đảo các khách hàng nhỏ và vừa hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau, thị phần khách hàng nhân rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn.

Cũng theo ông Tú, sau khi sáp nhập, BIDV sẽ thực hiện nhanh và tốt hơn chiến lược thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chú trọng chăn nuôi quy mô lớn và nông nghiệp canh tác trên công nghệ của Isarel và Nhật Bản – lĩnh vực MHB đã có nhiều kinh nghiệm. Việc sáp nhập sẽ nâng cao vai trò, vị trí chi phối của BIDV trên thị trường, đồng thời cũng là tiền đề để BIDV phấn đấu đạt được mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo quyết định 254/QĐ-TTg.

Về tác động của việc sáp nhập tới quá trình thu hút đầu tư chiến lược nước ngoài và cổ đông hiện tại của BIDV sẽ như thế nào? Ban lãnh đạo BIDV cho biết, hiện Ngân hàng đang trong quá trình triển khai tiếp xúc, lựa chọn chào bán cổ phần cho các Nhà đầu tư nước ngoài và chưa có đối tác nào đi tới giai đoạn đàm phán chính thức. Do đó, nếu công bố thông tin về giao dịch sáp nhập này xảy ra trước khi có đối tác Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nào đàm phán và chốt được các nội dung chính của giao dịch, việc sáp nhập này sẽ có ảnh hưởng tới quá trình bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, việc sáp nhập sẽ tác động tới quy mô vốn điều lệ theo hướng tăng lên, tác động tới quy mô đầu tư tính theo giá trị tuyệt đối, từ đó có thể tác động tới quá trình ra quyết định đầu tư của NĐTNN. Các NĐTNN hiện nay cũng bày tỏ quan tâm tới quá trình sáp nhập. NĐTNN trong quá trình khảo sát thực trạng sẽ mong muốn BIDV cung cấp đầy đủ các thông tin về nội dung sáp nhập cũng như về ngân hàng được sáp nhập để có các phân tích, đánh giá toàn diện hơn – quá trình này có thể dẫn đến thời gian khảo sát thực trạng kéo dài hơn thông thường. Tuy nhiên, về tổng thể ban lãnh đạo Ngân hàng đánh giá BIDV sau sáp nhập sẽ hấp dẫn và thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ phía các NĐT nước ngoài với các đặc điểm hoạt động, quy mô và vị thế vượt trội trong hệ thống như đã đề cập.

Bình luận về mức chênh lệch giá cổ phiếu giữa hai ngân hàng khi tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết, do BIDV là công ty đại chúng và cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, giá cổ phiếu BIDV đang giao dịch trên thị trường ở mức 1,7x ~ 1,8x mệnh giá. Cổ phiếu của ngân hàng MHB chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán do vậy cơ sở xác định thị giá cổ phiếu là không chắc chắn. Giá trị sổ sách trên một cổ phiếu của 2 ngân hàng cuối thời điểm 2014 là khá tương đồng nhau. Giá cổ phiếu sau sáp nhập được nhà đầu tư xác định phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động và tiềm năng phát triển của ngân hàng sau sáp nhập. Tuy MHB là ngân hàng nhỏ song hoạt động ổn định và nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%. MHB sẽ bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, nền khách hàng, mở rộng khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ và vị thế lớn hơn.

Cổ đông BIDV sẽ được hưởng lợi ích từ việc sở hữu cổ phiếu của MHB là ngân hàng hàng đầu, có tổng tài sản và các chỉ số quy mô vượt trội, mạng lưới rộng khắp và được củng cố đặc biệt tại địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, nền khách hàng được mở rộng và cộng hưởng từ số lượng khách hàng của 2 định chế tài chính hiện tại. 

BIDV chủ động tái cơ cấu
Chung tay góp phẩn ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những mục tiêu trọng tâm trong năm 2015 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư