Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
CEO BIDV: Sáp nhập MHB sẽ rút ngắn 7 năm mở rộng mạng lưới
Thùy Vinh - 17/04/2015 15:06
 
Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho rằng, sáp nhập MHB giúp BIDV rút ngắn khoảng thời gian 7 năm để chinh phục thị trường khu vực ĐBSCL vùng nông thôn.

Trả lời cổ đông trong phần chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 17/4, ông Phan Đức Tú, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc BIDV cho rằng, thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV là tự nguyện, với tỷ lệ hoán đổi 1:1 sẽ đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, nhất là với cổ đông nhỏ, lẻ.

“Đây là thương vụ sáp nhập tự nguyện, vì 2 ngân hàng không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc và trên tinh thần sáp nhập để lớn mạnh quy mô. Sau sáp nhập mạng lưới BIDV được mở rộng mà không cần tốn quá nhiều thời gian để đầu tư”, ông Tú nói.

Hiện 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch của MHB tập trung chủ yếu ở các khu vực ĐBSCL và ở khu vực nông thôn. vì vậy, theo CEO của BIDV, nếu không sáp nhập MHB, BIDV phải mất khoảng 7 năm để có thể phát triển được mạng lưới này, đồng thời sáp nhập MBH sẽ là cơ hội để BIDV đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng ở khu vực nông thôn.

Dự kiến, cuối năm 2015, việc sáp nhập BIDV và SMHB sẽ hoàn tất
Dự kiến, cuối năm 2015, việc sáp nhập BIDV và MHB sẽ hoàn tất

 

Theo ông Tú, từ khi có thông tin sáp nhập đến nay, cổ phiếu của BIDV liên tục tăng, nên việc sáp nhập cũng sẽ có lợi cho cổ đông của cả 2 bên.  Với tỷ lệ 1:1, BIDV cho rằng, đang bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ, lẻ.

Trong năm qua, BIDV đã bán 6.166 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Năm nay, BIDV sẽ bán 8.000 tỷ đồng. Việc VAMC mua lại nợ xấu nhiều, nhưng liệu có xử lý được nợ xấu. BIDV trích dự phòng rủi ro 7.800 tỷ đồng trong năm 2014 so với mức của năm 2013 là 9.800 tỷ đồng. BIDV xác định, việc trích dự phòng rủi ro luôn phải được đảm bảo. Tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của BIDV là từ 90-91%, đảm bảo nguồn vốn huy động được sử dụng một cách hiệu quả.

BIDV sẽ tập trung vốn cho nông nghiệp, nhất là với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là sau khi sáp nhập MHB, BIDV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho khu vực nông nghiệp. Dư nợ MHB chiếm 50% tổng dư nợ của ngân hàng này. Các chi nhánh của MHB hiện nay cũng chủ yếu nằm ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh ở vùng nông thôn.

Kết thúc năm 2014, tổng tài sản của BIDV đạt 655.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%, tiếp tục là một trong những ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất thị trường. Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực so với toàn ngành ngân hàng, chất lượng tín dụng được cải thiện: dư nợ tín dụng cho các tổ chức tín dụng và dân cư đạt trên 460.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, tăng trưởng gắn với kiểm soát chất lượng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm dần từ mức 2,9% năm 2012 xuống dưới 2% năm 2014.

Trên cơ sở các kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV năm 2014, BIDV xây dựng định hướng hoạt động kinh doanh 2015 gồm: tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tăng trưởng huy động vốn ở mức 16,5%, Lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 7.500 tỷ đồng, ROA, ROE đảm bảo cải thiện hơn so với năm trước; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 3%, phấn đấu ≤2,5%; Đảm bảo các tỷ lệ hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong năm nay, BIDV sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị 6.000 tỷ đồng, chuyển đổi cổ phiếu từ sáp nhập MHB (336,9 triệu cổ phiếu) để tăng vốn lên trên 43.100 tỷ đồng. Theo ông Trần Bắc Hà, BIDV đã phối hợp MHB xây dựng đề án sáp nhập MHB vào BIDV theo tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1. Đồng thời, BIDV di chuyển 12 chi nhánh MHB tại khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long về địa bàn trọng điểm TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Sắp ngã ngũ hai thương vụ M&A đình đám của BIDV
Hôm nay (17/4), đại hội đồng cổ đông của BIDV và MHB diễn ra đồng thời, trong đó, nội dung quan trọng nhất là thông qua việc sáp nhập MHB vào BIDV....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư