Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Mía đường bất ổn vì cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp
Nguyễn Ngân - 25/10/2022 15:18
 
Diện tích mía nguyên liệu giảm, giá đường, giá mía tăng dẫn tới sự cạnh tranh căng thẳng trong cuộc tranh mua nguyên liệu giữa các doanh nghiệp mía đường.
Vẫn luẩn quẩn giành giật nguyên liệu

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), vụ ép 2021 - 2022, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến đạt hơn 7,5 triệu tấn, tăng 11,64% so với vụ trước.

Tuy nhiên, diện tích trồng và năng suất mía lại giảm. Cụ thể, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng diện tích trồng mía cả nước vụ 2021 - 22 là gần 147 nghìn ha, giảm 3,9% so với vụ 2020 - 2021. Nhưng năng suất mía bình quân vụ 2021 - 2022 đạt 64,6 tấn/ha, tăng 2,5% so với vụ 2020 - 2021, dẫn tới sản lượng mía vụ 2021 - 2022 đạt gần 9,5 triệu tấn nhưng vẫn giảm 1,4% so với vụ trước.


Theo VSSA, do diện tích mía nguyên liệu giảm, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng, bao gồm vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả đồng bằng sông Cửu Long, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như việc cho “chữ đường” (Chữ đường – CCS là một trong những chỉ số quan trọng quyết định giá thu mua mía nguyên liệu), cho tỷ lệ tạp chất, cho cước vận tải ... của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái mía để tranh mua mía nguyên liệu. 
VSSA cũng nhận định, hiện cả đường sản xuất từ mía và đường nhập khẩu chính ngạch đều tăng so với cùng kỳ, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2022 đã nhập khẩu gần 850.000 tấn đường, tăng 0,49% so với cả năm 2021. Đường lậu cũng luôn hiện diện trên thị trường và cũng tăng, các nguồn cung đường dồi dào, nhu cầu đường tăng chậm, thị trường trong tình trạng thừa cung, tạo khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa.
Chính tình trạng tranh mua mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách “ngầm” đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.
Phải tận dụng cơ hội phòng vệ

Theo VSSA, vụ sản xuất đường 2021 - 2022, lượng nguyên liệu đưa vào chế biến đạt hơn 7,5 triệu tấn mía, tăng 11,64% so với vụ 2020 - 2021. Có 24 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất được là gần 950 nghìn tấn, trong đó đường sản xuất từ mía là gần 747 nghìn tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (202 nghìn tấn), tăng hơn 57 nghìn tấn, tương đương 8,27% so với vụ trước.

Trong vụ chế biến 2022 - 2023, dự kiến duy trì 24 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất thiết kế hơn 122 nghìn tấn mía/ngày. Diện tích mía thu hoạch dự kiến hơn 151 nghìn ha, sản lượng mía đưa vào chế biến hơn 8,76 triệu tấn, sản lượng đường dự báo gần 871 nghìn tấn.

Hiện một số doanh nghiệp mía đường đang tiến tới ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất mía nguyên liệu, sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh, hình ảnh do drone chụp, thời tiết và dữ liệu nông học đặc thù tại tại từng khu vực canh tác mía,… để thiết lập nên các ứng dụng đa phương tiện hay tiện ích trên máy tính bảng, điện thoại thông minh, giúp sớm phát hiện được các rủi ro và hạn chế thiệt hại; dự báo năng suất với độ chính xác cao; khảo sát vị trí và đánh giá vùng nguyên liệu trên diện rộng, ước tính được thời điểm mía chín cùng diện tích tương ứng để có được chiến lược thu mua phù hợp.

Trong 5 năm sắp đến ngành đường Việt Nam cần tận dụng cơ hội áp dụng hàng rào phòng vệ thương mại để không những phục hồi ngành sản xuất mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh chuẩn bị cho giai đoạn không còn hàng rào phòng vệ thương mại. Ngành đường Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến đến 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250 nghìn ha, đến 2028 đạt quy mô 300 nghìn ha.

Để ngành mía đường Việt Nam có thể tổ chức triển khai, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, VSSA kiến nghị bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. 
Bên cạnh đó, cần các Bộ, ngành chú ý theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu, tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.
Đồng thời, các doanh nghiệp mía đường cũng khẩn thiết mong được hỗ trợ thiết lập hệ thống Quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu, có cơ sở nhận diện và mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường và cho phép kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia trong tương lai.
Ngoài ra, cần phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía.
Doanh nghiệp mía đường "khóc ròng" do bị tranh cướp vùng nguyên liệu
Đổ tiền tỷ vào vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng bao tiêu với người dân, nhưng Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) đang phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư