Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Miễn 1.400 tỷ đồng tiền khai thác tài nguyên nước: Nhiều câu hỏi cần trả lời
An Nguyên - 18/09/2020 16:19
 
Việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nếu không được xem xét tổng thể có thể tạo sự không công bằng, không bình đẳng.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh điều này khi được giao phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020.

Cần đồng bộ, đúng đối tượng

Nghị quyết này được Chính phủ đề xuất ban hành với số tiền miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020, ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng.

Mục đích của nghị quyết được nêu tại tờ trình của Chính phủ là tạo được chính sách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được sự cần thiết phải miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 cho các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

"Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, không chỉ riêng các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gặp khó khăn, mà nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực như hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch, giáo dục - đào tạo… bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp hơn nhiều bởi đại dịch. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và có phương án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế bị ảnh hưởng" - báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Những vấn đề khác cần làm rõ, theo Ủy ban Kinh tế là sau Dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ có dự kiến trình Quốc hội nghị quyết giải quyết khó khăn cho các lĩnh vực nào khác không? Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có những khó khăn cụ thể gì? Việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có đặt ra việc miễn hoặc giảm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không?

Tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, việc ban hành các chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân là hết sức cần thiết, tuy nhiên các chính sách cần phải được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu, đúng đối tượng, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Băn khoăn của cơ quan phối hợp thẩm tra còn ở chỗ, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, vì lý do Chính phủ chậm ban hành Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 101/2019/QH14, trong đó có chính sách không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8/2017.

Với việc không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Nghị quyết này, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước để sản xuất, kinh doanh đã được lợi khoảng 2.212 tỷ đồng . Nay Chính phủ lại tiếp tục đề xuất ban hành Nghị quyết miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 với số tiền ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng.

Không chỉ là giảm thu ngân sách

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích: các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm cả những tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác nước có lợi thế như thủy điện, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Đối với các tổ chức, cá nhân này, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được cấu thành vào giá thành sản phẩm và bán cho người tiêu dùng.

Việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các đối tượng này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Trung ương mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách địa phương, nhất là trong điều kiện ngân sách cả ở Trung ương và địa phương cần nhiều khoản chi cho phòng, chống dịch bệnh và những vấn đề có liên quan.

Việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước này nếu không được xem xét tổng thể cũng có thể tạo sự không công bằng, bình đẳng đối với người tiêu dùng cuối cùng và giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh  vì giá điện không giảm và giá thành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng không giảm, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, cơ quan phối hợp thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có phương án cụ thể, hợp lý đối với việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để không chỉ tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước, mà người tiêu dùng cuối cùng cũng được hưởng lợi từ chính sách này, tạo sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh trong tương quan với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác; đồng thời cần có phương án bù đắp nguồn thu/chi cho những địa phương có nguồn thu lớn từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước bị ảnh hưởng bởi chính sách miễn giảm này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư