Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
“Miếng bánh ngon” của thị trường bán lẻ điện máy
Anh Hoa - 13/08/2024 09:13
 
Miếng bánh ngon của thị trường bán lẻ điện máy chỉ dành cho những doanh nghiệp chiếm được thị phần tốt nhất, có chiến lược kinh doanh bài bản
FPT Shop bắt tay hợp tác với các thương hiệu sản xuất điện máy, gia dụng hàng đầu thị trường hiện nay
FPT Shop bắt tay hợp tác với các thương hiệu sản xuất điện máy, gia dụng hàng đầu thị trường hiện nay

FPT Shop chơi lớn

Khởi đầu tháng 8/2024, FPT Shop đồng loạt đưa 10 cửa hàng điện máy ra mắt người tiêu dùng, tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk, Hải Phòng và Cao Bằng.

Sự kiện đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống trong chiến lược đầu tư và phát triển lĩnh vực điện máy, gia dụng.

Chính thức gia nhập thị trường điện máy từ đầu năm 2024, sau hơn 7 tháng thử nghiệm và đi vào hoạt động, FPT Shop đã gặt hái được nhiều kết quả quả ấn tượng, bước đầu khẳng định vị thế trong lĩnh vực này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng từ thị trường còn nhiều dư địa phát triển này, hệ thống quyết định mở rộng quy mô và đầu tư mạnh mẽ vào ngành hàng điện máy.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail, trong tầm nhìn và kế hoạch dài hạn, Công ty kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, nâng số lượng cửa hàng điện máy lên con số 50 trong năm 2024.

Các cửa hàng điện máy của FPT Shop có quy mô diện tích khoảng 200 m2/cửa hàng, tương đương các siêu thị cỡ trung và lớn của nhiều đối thủ khác. Danh mục sản phẩm tại đây bao gồm sản phẩm điện máy, gia dụng đến từ 20 thương hiệu lớn.

Thị trường Việt Nam sắp được chứng kiến cuộc đụng độ giữa FPT và Thế Giới Di Động tại mảng điện máy, sau khi hai bên liên tục cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ điện thoại cho đến chuỗi nhà thuốc.

Đơn vị này cũng đã bắt tay với các thương hiệu sản xuất điện máy, gia dụng hàng đầu thị trường hiện nay như Samsung, LG, Casper, Toshiba, Xiaomi, Daikin, TCL, AQUA, Midea, Hisense… để đảm bảo dải sản phẩm đa dạng, chất lượng và giá bán tối ưu.

Để chính thức mở rộng kinh doanh nhóm hàng điện máy, trước đó, FPT Shop đã có hơn 2 năm phát triển nhóm hàng gia dụng trên tại hơn 600 cửa hàng.

Đến tháng 6/2023, FPT Shop lên kế hoạch triển khai kinh doanh nhóm hàng điện máy với sản phẩm thử nghiệm đầu tiên là tivi. Đầu năm 2024, FPT Shop thử nghiệm mở bán máy lạnh tại khu vực TP.HCM. Kết quả thử nghiệm tốt là cơ sở để nhà bán lẻ này tiếp tục đầu tư, mở rộng danh mục nhóm hàng điện máy, với các sản phẩm như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt... trên cả nước.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, FPT Retail cho biết, sau khi tập trung đẩy mạnh bán gia dụng trong năm 2023, số lượng cửa hàng FPT Shop bán đồ gia dụng đã vượt 700 cơ sở.

Việc đưa hàng gia dụng vào các cửa hàng hiện hữu giúp tận dụng lưu lượng khách hàng, tăng doanh thu trên cửa hàng và cải thiện biên lãi gộp của toàn chuỗi FPT Shop. Năm nay, các mặt hàng gia dụng sẽ tiếp tục được quan tâm mở rộng.

FPT Retail dự báo, nhu cầu mua sắm mặt hàng công nghệ thông tin - viễn thông sẽ phục hồi chậm trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Do đó, Công ty kỳ vọng vừa phải vào chuỗi FPT Shop trong năm nay.

FPT Retail đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất trong năm 2024 tăng 17% so với thực hiện của năm ngoái, lên 37.300 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng ở mức 125 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ gần 300 tỷ đồng.

Vậy nên, nếu không muốn mũi tên tăng trưởng đi ngang, hay thậm chí đi xuống, thì FPT phải mở rộng thêm lĩnh vực mới. Và điện máy có vẻ là con đường khả thi và hợp thời, bởi hiện nay, các nhà sản xuất thường bao thầu cả đồ điện thoại lẫn điện máy. Khi đã hợp tác với thương hiệu mảng điện thoại, thì không lý gì lại bỏ qua mảng điện máy.

Hướng đi này của FPT có vẻ khá dễ hiểu, trong bối cảnh ngành di động có xu hướng bão hòa. Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông của FPT Retail cho thấy, năm nay, thị trường vẫn còn nhiều rủi ro và bất định. Trong bối cảnh đó, di động là mặt hàng không thiết yếu, nên khả năng phục hồi dự kiến yếu hơn các mảng khác.

Trên thực tế, xu hướng khó khăn của thị trường di động đã được đánh giá từ nhiều năm trước. Báo cáo năm 2020 của Ernst & Young cho thấy, thị trường di động Việt Nam đang ngày càng bão hòa, với tỷ lệ sử dụng SIM điện thoại đạt tới 137%.

Các cửa hàng điện máy của FPT Shop có quy mô diện tích khoảng 200 m2
Các cửa hàng điện máy của FPT Shop có quy mô diện tích khoảng 200 m2

Chiến lược doanh số lớn, độ phủ rộng

Đây không phải lần đầu tiên, các ông lớn bán lẻ ngành hàng công nghệ thông tin - truyền thông nhảy vào kinh doanh mảng gia dụng, điện máy. Năm 2021, Digiworld cũng bắt đầu mở bán tivi và mở rộng danh mục mặt hàng sang tủ lạnh, máy giặt vào năm 2022.

Hiện nay, mảng kinh doanh điện máy, đồ gia dụng là sân chơi chủ yếu của các hệ thống lớn như MediaMart, Điện Máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, HC.

Trong khi đó, Thế Giới Di Động, đối thủ lớn nhất mảng bán lẻ điện thoại của FPT Shop, đã thành công từ lâu với mảng điện gia dụng, với chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh.

Dẫu vậy, cùng chung nhận định với giới bán lẻ nói chung, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cũng cho rằng, nhu cầu mua sắm tiêu dùng năm nay có thể đi ngang, thậm chí giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Song với nền tảng tài chính lành mạnh và chiến lược tái cấu trúc đang được thực hiện hiệu quả, Thế Giới Di Động sẽ hiện thực hoá được mục tiêu kinh doanh năm nay.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của “ông lớn” này đang gây nhiều chú ý. Tính đến cuối tháng 6/2024, nhà bán lẻ này đóng cửa 25 cửa hàng điện thoại Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone). Toàn hệ thống còn 1.046 cửa hàng điện thoại.

Riêng với chuỗi điện máy, Thế Giới Di Động đóng cửa 91 điểm bán Điện Máy Xanh, chỉ còn 2.093 điểm. Trước đó, tính đến cuối năm 2023, Điện Máy Xanh có 2.190 siêu thị trên toàn quốc, dẫn đầu thị phần thị trường bán lẻ điện máy nếu xét theo quy mô. Năm 2023, Điện Máy Xanh đạt doanh thu hơn 55.000 tỷ đồng, đóng góp 46,7% tổng doanh thu cho Tập đoàn.

Thế Giới Di Động cho biết, trong quý vừa qua, Công ty đẩy mạnh rà soát và đóng các cửa hàng điện thoại, điện máy không đạt hiệu quả. Kết quả của quá trình tái cấu trúc là tăng trưởng doanh thu cửa hàng, chi phí vận hành tối ưu hơn, dẫn đến gia tăng đáng kể lợi nhuận hoạt động.

Cụ thể, dù số điểm bán giảm so với cuối tháng 3/2024, nhưng tổng doanh thu của các chuỗi điện thoại, điện máy tăng hơn 7% so với quý I/2024.

Trong tháng 6/2024, tổng doanh thu của Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh đạt 7.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, song giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh.

Hầu hết các ngành hàng ghi nhận kết quả khả quan, trong đó, điện thoại tiếp tục tăng trưởng doanh số so với tháng liền trước và tivi tăng trưởng 2 chữ số so với tháng 5/2024 nhờ hưởng lợi từ sự kiện bóng đá. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu chuỗi điện thoại và điện máy đạt 44.200 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, thị trường Việt Nam sắp được chứng kiến cuộc đụng độ giữa FPT và Thế Giới Di Động tại mảng điện máy, sau khi hai bên liên tục cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ điện thoại cho đến chuỗi nhà thuốc.

Thực tế, tiềm năng thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam từng mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi khốc liệt. Trong vòng 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy trong nước phải chạy đua giảm giá để tồn tại. Trong cuộc chạy đua đó, có những thương hiệu lớn đã sụp đổ, hoạt động cầm chừng, hoặc phải bán mình cho nước ngoài, như Topcare, Nguyễn Kim, Pico, VinPro…

Do đó, miếng bánh ngon chỉ dành cho những doanh nghiệp chiếm được thị phần tốt nhất, có chiến lược kinh doanh tốt. Chỉ khi nắm được thị phần và có uy tín nhất định, doanh nghiệp mới có thể kiểm soát được cả nhà cung cấp và hoạt động bán ra. Khi đó, nhà bán lẻ có thể đàm phán với hãng để đưa ra các mức hỗ trợ khác nhau. Nhiều đơn vị bán lẻ đưa ra mức giá bán rất rẻ, nhưng lợi nhuận vẫn cao nhờ thị phần tốt, nên có lợi thế để đàm phán và được nhà cung cấp hỗ trợ.

Sức mạnh của doanh nghiệp bán lẻ điện máy cũng sẽ nằm ở doanh số. Doanh số lớn, độ phủ rộng sẽ quyết định sự hỗ trợ của nhà sản xuất đối với các nhà bán lẻ.

Trong báo cáo ngành bán lẻ, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng 12,05%/năm trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ sử dụng Internet và các thiết bị thông minh.

“Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.

Báo cáo của SSI Research hồi đầu năm nay kỳ vọng, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2024, sau khi giảm tới 20-25% trong năm 2023.

Theo báo cáo của PwC về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023, có đến 62% người dùng lựa chọn cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Con số này là 72% tại khu vực Đông Nam Á và 69% trên toàn cầu.

Điều này cho thấy, người dùng luôn muốn mua sản phẩm với mức giá tốt, nhưng về phía nhà bán, càng giảm sâu sẽ càng “ăn” vào lợi nhuận - nguồn kinh phí dành cho các khoản đầu tư, tái đầu tư dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.

FPT Shop hợp tác với các hãng phụ kiện quốc tế, cam kết "Hàng chính hãng giá tốt cho năm học mới"
Năm học mới 2023-2024 đang ở ngay trước mắt. FPT Shop luôn xác định, học sinh - sinh viên là tập khách hàng đặc biệt, cần được hỗ trợ tối đa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư