Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Mịt mù tiến độ Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông
Anh Minh - 15/02/2020 10:19
 
Kế hoạch vận hành toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào đầu tháng 2/2020 đã bị lùi vô thời hạn do Tổng thầu Trung Quốc không thể xác định chính xác thời điểm quay lại công trường.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến bao giờ mới đi vào hoạt động.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến bao giờ mới đi vào hoạt động.

Chông chênh

Mốc thời hạn đưa vào khai thác thương mại của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vốn dĩ đã chông chênh nay lại dính thêm yếu tố bất lợi mới, đó là đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Được biết, từ tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát đã cho các nhân sự (kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật, khoảng 80 người) thực hiện Dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và dự kiến trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc từ ngày 1/2/2020. Đây là thời điểm mà Tổng thầu dự định thực hiện công tác vận hành thử toàn tuyến trong vòng 20 ngày bởi các chuyên gia của Công ty Metro Thẩm Quyến.

Nhưng hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã quy định hạn chế xuất cảnh đối với công dân Trung Quốc do dịch Covid-19 gây ra. Ngày 30/1/2020, Tổng thầu EPC có thư thông báo nhân sự tham gia Dự án tạm hoãn quay lại Việt Nam làm việc. Do diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp tại Trung Quốc và chưa thể xác định dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, ngày 3/2/2020, Tổng thầu EPC tiếp tục có thông báo sự kiện bất khả kháng, cán bộ chủ chốt của Tổng thầu tạm thời không thể sang Việt Nam làm việc.

“Tổng thầu sẽ thu thập tài liệu chi tiết về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Dự án và cung cấp cho Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) theo quy định của Hợp đồng về sự kiện bất khả kháng nêu trên”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Trước sức ép quyết liệt từ Bộ GTVT, vào đầu tháng 1/2020, Tổng thầu Trung Quốc đã gửi đại diện chủ đầu tư kế hoạch hoàn thành Dự án vào ngày 31/3/2020.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, trong bản kế hoạch này, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 - Đường sắt Trung Quốc chỉ đưa ra đầu mục, không nêu cụ thể thời gian giải quyết các vướng mắc vốn dĩ đã kéo dài rất lâu tại Dự án.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Tổng thầu chưa thể hiện thiện chí cần thiết để giải quyết các vướng mắc, sớm đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bởi ngay cả khi công trường được khởi động trở lại vào đầu tháng 1/2020, thời gian vận hành thử toàn hệ thống bao gồm các hạng mục: đoàn tàu; thông tin tín hiệu, đường ray, cấp điện sẽ phải mất tối thiểu 6 tháng. Như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ, Dự án đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng chỉ có thể đưa vào khai thác thương mại vào quý III/2020.

Trước đó, trong lần đề nghị điều chỉnh tiến độ hồi tháng 6/2018, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác sử dụng trong năm 2021 với 2 đường găng tiến độ được căn chỉnh lại là: hoàn thành toàn bộ công xác xây dựng các nhà ga, đường ray, lắp đặt thiết bị trong tháng 8/2019; bắt đầu vận hành chạy thử không tải từ tháng 9/2018.

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 12/2018, khối lượng xây lắp được Tổng thầu hoàn thành đã cán mốc 98% giá trị hợp đồng. Song theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), suốt từ tháng 12/2018 đến nay, dự án này có rất ít chuyển biến.

Gia tăng áp lực

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, mặc dù chỉ còn vài phần trăm giá trị hợp đồng, nhưng tất cả các hạng mục trọng yếu của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đều còn những tồn tại, vướng mắc 

Đặc biệt, đề cương đánh giá an toàn hệ thống dù được Tổng thầu bổ sung, chỉnh sửa lại nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, các tồn tại của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu, hệ thống thu soát vé tự động đã được đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống chỉ ra, nhưng Tổng thầu chậm khắc phục nên không có cơ sở và bằng chứng xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp Chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.

“Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nghiệm thu hoàn thành công trình và điều kiện đưa vào khai thác thương mại”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Điều đáng nói là phía Tổng thầu không đưa ra, không cam kết mốc thời gian hoàn thành công tác giải quyết, khắc phục các tồn tại nói trên, nên đại diện chủ đầu tư cũng không đủ cơ sở để xác định được tiến độ hoàn thành công trình.

Cần phải nói thêm rằng, hiện áp lực đối với Bộ GTVT là rất lớn do Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu việc thanh toán các khoản nợ vay dù công trình vẫn dang dở.

Cụ thể, vào cuối tháng 1/2020, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án.

Theo Bộ GTVT, với tình hình khó khăn thực tế của Dự án hiện nay, có thể phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại trong các kỳ trả nợ tiếp theo. Để duy trì việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn, hạn chế các vướng mắc phát sinh, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.

“Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký”, báo cáo nêu rõ.

Trước đó, tháng 12/2019, Bộ GTVT có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án giãn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại cho đến khi hoàn thành Dự án và chuyển giao trách nhiệm nhận, trả nợ từ Bộ GTVT sang UBND TP. Hà Nội.

Được biết, Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay gồm 1,2 tỷ nhân dân tệ và 250 triệu USD, theo 2 hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc. Theo cơ chế tài chính của Dự án, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của Dự án và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành. Bộ GTVT đã bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư Dự án để trả nợ gốc phần vốn vay lại trong giai đoạn xây dựng Dự án.

Đến nay, Dự án đã trả nợ gốc khoản vay lại của cả 2 hiệp định vay với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư chỉ còn 1,957 tỷ đồng.

“Việc trả nợ gốc phần vốn vay nước ngoài được thực hiện theo kỳ hạn của hiệp định vay vốn. Do quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn, chưa xác định được chính xác thời gian hoàn thành, đồng nghĩa với việc chưa xác định được thời điểm bàn giao Dự án và nợ vay cho UBND TP. Hà Nội. Vì vậy, việc đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ gốc nhằm hạn chế các vướng mắc có thể xảy ra, tránh phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm 2020. Đây là vấn đề thủ tục của Dự án trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không gây phát sinh chi phí Dự án”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, kỳ trả nợ gốc phần vốn vay gần nhất là ngày 21/1/2020. Nếu Dự án không được gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hiệp định vay, dự kiến Dự án phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỷ đồng.

Được biết, ngày 21/1/2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-BGTVT giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để nợ gốc hiệp định vay 250 triệu USD của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT cho biết, sau khi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước có ý kiến thẩm tra kế hoạch trên, thông báo chi tiết thì mới có thể tiến hành giải ngân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, các khó khăn vướng mắc của Dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết nhằm đưa Dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất. Đồng thời Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết, phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC.
Bốn vấn đề chưa được giải quyết "cản trở" đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành
Trả lời câu hỏi về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 15/11, Chủ tịch Hà Nội cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư