Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ cho quê hương Thái Bình
Quý Hưng - 04/09/2022 08:10
 
Thái Bình đang chuyển mình cùng những chuyển động tích cực với hàng loạt dự án, sự kiện được khởi động, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bứt phá, vượt lên.
Ngày 8/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác kiểm tra  tình hình đầu tư xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình
Ngày 8/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng và hoạt động của Khu Kinh tế Thái Bình

Những chuyển động đó đang mở ra một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ, mang tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển của mảnh đất ven biển châu thổ sông Hồng.

Đẩy mạnh hệ thống giao thông kết nối thu hút đầu tư

Tháng 6/2022, tuyến đường 221A ngã ba Trái Diêm - Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (Tiền Hải) dài 17,8 km đi vào hoạt động tạo lượng khách du lịch tăng mạnh. Tuyến đường còn mở ra sự phát triển cho khu vực phía Nam tỉnh, kết nối giao thông nội Khu kinh tế với tuyến đường bộ ven biển.

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình dài trên 43 km với tổng vốn đầu tư 3.872 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành vào tháng 5/2023, tạo kết nối nhanh, rút ngắn thời gian từ Thái Bình đến Hải Phòng, sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện, cửa khẩu Móng Cái và kết nối với miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã thể hiện được quyết tâm đưa Thái Bình trở thành tỉnh kiểu mẫu trong vùng cũng như cả nước.

Cùng với đó, Dự án tuyến đường từ TP. Thái Bình đi cầu Nghìn dài 21,28 km, đầu tư 2.586 tỷ đồng, đến năm 2023 đi vào hoạt động, góp phần giảm tải gánh nặng giao thông cho Quốc lộ huyết mạch số 10.

Tháng 5/2022, Thái Bình tiếp tục khởi công tuyến đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình, vốn đầu tư 1.039 tỷ đồng, kết nối với nội đô, thúc đẩy giao thương hàng hóa, khai thác tiềm năng phía Nam TP. Thái Bình.

Và tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Thái Bình thực hiện đầu tư đoạn Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, dài 80 km. Ngay sau khi có chủ trương, Thái Bình đã phối hợp với các tỉnh tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Tập đoàn Geleximco đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn là nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư công trình. Phấn đấu cuối năm 2022, đầu năm 2023 khởi công.

Khu Kinh tế đã thu hút 8 dự án, 586 triệu USD

Trong hơn 1 năm, Công ty cổ phần Green i-Park (GiP) cùng tỉnh Thái Bình lập kỳ tích hoàn thành giải phóng mặt bằng 549/593 ha diện tích của KCN Liên Hà Thái, san lấp hàng trăm héc-ta tạo mặt bằng sạch, thi công hầu hết các tuyến đường nội khu, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng và đưa nhà máy xử lý nước thải 5.000 m3/ngày, đêm vào hoạt động.

Đến nay, Khu Kinh tế Thái Bình đã thu hút 8 dự án FDI tổng vốn 586 triệu USD, trong đó KCN Liên Hà Thái thu hút 6 dự án (471 triệu USD), KCN Tiền Hải 2 dự án (115 triệu USD).

Ngày 18/2/2022, GiP khởi công 3 dự án. Đó là Nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam của Công ty TNHH Lotes Việt Nam, vốn đầu tư 120 triệu USD, sản xuất chân kết nối ram, cáp nối cho máy tính và thiết bị điện tử... dự kiến, cuối năm 2022 sẽ hoàn thành giai đoạn I và đi vào hoạt động. Đó là Nhà máy Ohsung Vina Thái Bình (40 triệu USD) sản xuất linh, phụ kiện màn hình máy tính, điện thoại, ti vi, các sản phẩm điện và điện tử, Nhà máy đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Đó là Dự án của Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài Thái Bình, (80 triệu USD), trong đó đầu tư Trung tâm thiết kế thời trang của New World Fashion lớn nhất miền Bắc.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược đã về Thái Bình

Dự án nhà máy chế biến thực phẩm tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ cao Thái Bình (Tập đoàn TH) tổng vốn 617,2 tỷ đồng công suất 12.300 tấn sản phẩm/năm. Đến năm 2024 sẽ đi vào hoạt động.

Nhà máy sản xuất sợi Công nghệ cao DragonTextiles 2 do DragonGroup đầu tư tại Quỳnh Trang, Quỳnh Phụ, tổng đầu tư 800 tỷ đồng, sản xuất trên 8.000 tấn sợi/năm. Giai đoạn I sẽ hoạt động từ quý I/2023.

Ngày 28/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 654/QQĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực ven sông Trà Lý, TP. Thái Bình do Công ty Cổ phần Eurowindow Holdings tài trợ. Quy hoạch không gian đô thị được mở rộng dọc 2 bên sông Trà Lý, từ cầu Hòa Bình đến xã Vũ Đông, TP. Thái Bình tạo xu thế phát triển, hoàn thiện quy hoạch xây dựng TP. Thái Bình trở thành đô thị loại I.

Tháng 8 vừa qua, Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đã báo cáo nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi với tỉnh Thái Bình. Dự kiến, giai đoạn I có công suất 1.000 MW, tổng đầu tư 2,5 tỷ USD. Nếu được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII, dự kiến năm 2030 sẽ đi vào hoạt động, đóng góp nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn thu ngân sách lớn.

Cũng trong tháng 8/2022, NovaGroup đề xuất với Thái Bình định hướng quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, thông minh, cảng biển, sân bay... cùng nhiều tổ hợp quy hoạch ứng dụng công nghệ cao. NovaGroup khẳng định nếu được đưa vào quy hoạch của tỉnh sẽ huy động các nguồn lực sớm triển khai các dự án, tạo những thay đổi đột phá, tầm cỡ khu vực và thế giới, đem lại giá trị cao, vượt trội về kinh tế, du lịch, lấn biển.

Nhiều sự kiện, hội nghị đầu tư, kết nối

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than. Chậm nhất cuối năm 2022 đi vào hoạt động, đảm bảo là dự án xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước và của Thái Bình.

Sáng ngày 6/7/2022, tỉnh Thái Bình, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức hội nghị kết nối Thái Bình - Hàn Quốc. Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan tin tưởng với các điều kiện tuyệt vời Thái Bình đang có và tương lai khi đường cao tốc, khu liên hợp công nghiệp, công nghệ cao được hoàn thiện, lao động chất lượng cao được cung ứng, các công ty Hàn Quốc sẽ mở rộng và đầu tư nhiều hơn vào Thái Bình. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhận định, Thái Bình đang có những điều kiện tốt nhất giúp doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển các dự án kinh doanh toàn cầu.

Cùng với đó, cuối tháng 9/2022, Thái Bình tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu Thái Bình năm 2022 theo hình thức trực tiếp (tại điểm cầu Thái Bình với 400 đại biểu), kết hợp với trực tuyến (tại điểm cầu 18 tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu tại nước ngoài). 

Đưa Thái Bình thành tỉnh kiểu mẫu

Tại buổi làm việc ngày 8/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao về diện mạo của tỉnh đã có nhiều thay đổi, hạ tầng cơ sở phát triển mới. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng, tập trung cho quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy thế mạnh địa phương; tập trung đầu tư hạ tầng đặc biệt là giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tại Khu kinh tế Thái Bình, Thủ tướng khẳng định, Trung ương rất quan tâm tới phát triển Khu kinh tế Thái Bình. Thủ tướng chỉ rõ, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước một bước. Đồng thời, phải hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ hạ tầng giao thông, điện nước, môi trường và xã hội. Cần dồn nguồn lực hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế với vùng và cả nước, trước hết là đường ven biển nối với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện Hải Phòng.

Đặc biệt, Thủ tướng đã định hướng thời gian tới Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển gắn liền với phát triển Khu kinh tế nhưng cần đánh giá tác động đến với môi trường để tìm ra phương hướng phù hợp. Thủ tướng tin tưởng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã thể hiện được quyết tâm đưa Thái Bình trở thành tỉnh kiểu mẫu trong vùng cũng như cả nước.

Để Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, báo cáo Hội đồng Thẩm định quốc gia, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh tại Hà Nội. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tham gia ý kiến vào Quy hoạch

Theo đó, Thái Bình dự kiến quy hoạch Khu đô thị cảng biển cảng hàng không quốc tế và du lịch tổng hợp tại khu vực cửa biển huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải với diện tích nghiên cứu 51.000 ha, cận kề với Khu kinh tế Thái Bình, sẽ có 3 phân khu chức năng gồm cảng biển, sân bay, đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, triển lãm, bảo tồn thiên nhiên, kết hợp với du lịch sinh thái, bến du thuyền, công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khu kinh tế, điện gió, điện khí... hứa hẹn là khu đô thị sinh thái kiểu mẫu hàng đầu Việt Nam.

Tất cả mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ cho quê hương Thái Bình.

Petrocons: Kiểm toán từ chối đưa ý kiến, Nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ mang về lãi mỏng
Lợi nhuận sau soát xét “bốc hơi” hơn 10% so với báo cáo tự lập. Cùng đó, báo cáo tài chính của Petrocons tiếp tục bị kiểm toán viên từ chối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư