Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Mổ tách thành công cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi: Vinh danh Việt Nam trên “bản đồ” y khoa thế giới
Công Sang - 03/09/2020 09:25
 
Ngày 15/7/2020, ca tách rời thành công cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được đưa vào y văn thế giới, khẳng định vị thế mới của ngành Y Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, người chủ trì hậu phẫu cho ca mổ tách 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, người chủ trì hậu phẫu cho ca mổ tách 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi.

Ca mổ tích hợp nhiều cái nhất

Theo tìm hiểu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những ca song sinh dính liền phức tạp được phẫu thuật thành công trên thế giới chủ yếu được thực hiện tại các quốc gia có nền y học hàng đầu như Anh, Italia, Australia… và trong số các quốc gia đang phát triển hầu như chỉ có Việt Nam.

Điều này để nói ca mổ này là ca mổ tích hợp rất nhiều cái nhất: Ca mổ tách song sinh phức tạp nhất từ trước đến nay Việt Nam mới thực hiện vì đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống.

Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus; Thời gian dài nhất (hơn 12 giờ liên tục và sẽ sắp tới sẽ còn phải thêm ít nhất 4 cuộc đại phẫu tiếp theo để tạo hình); Số lượng y bác sĩ tham gia đông nhất với sự tham dự của gần 100 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phối hợp với 30 chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Trường Đại học Y dược TP.HCM… Ca mổ quy tụ sự quan tâm của giới truyền thông và cộng đồng mạng nhiều nhất.

Hoa tiêu - người hùng thầm lặng

Thai nghén đề tài này gần 2 tuần lễ, nhưng hẹn để tiếp cận được “thuyền trưởng” ca mổ - TS. Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Đơn giản vì anh đang phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề hậu phẫu của ca mổ. Lần lữa mãi, cuối cùng anh nhắn: “Gặp bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố) nhé. Anh Tiến đang chủ trì hậu phẫu cho ca mổ này”.

Đón chúng tôi tại tầng trệt khuôn viên Bệnh viện, bác sĩ Tiến nhoẻn cười rất hiền và đi thẳng ngay vào câu chuyện mà không cần mào đầu: “Ca mổ được truyền thông mổ xẻ nhiều rồi (cười), nhưng ít ai biết thành công của ca mổ này có vai trò rất lớn của hoa tiêu hình ảnh”.

Trước vẻ mặt nghệt ra của tôi, bác sĩ Tiến tiếp luôn: “Hoa tiêu là cách chúng tôi gọi các bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh”. Một ca mổ xem là thành công sẽ gồm 3 công đoạn chính, thứ nhất chẩn đoán, chuẩn bị; thứ hai tiến hành phẫu thuật và thứ ba là công tác hậu phẫu.

Trong cả 3 công đoạn này, vai trò chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu như trước ca mổ, chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò khảo sát cặn kẽ các thương tổn, xây dựng mô phỏng đến tỷ lệ nhỏ nhất cấu trúc cơ thể và đặc biệt là các hệ thống cơ quan dính liền của hai bé để các phẫu thuật viên xác định từng đường mổ phải chính xác đến từng milimet, vì chỉ cần một đường mổ chệch tâm sẽ đưa lại hậu quả vô cùng lớn. Sau ca mổ, chẩn đoán hình ảnh lại tiếp tục đóng vai trò thăm dò, khảo sát và kiểm tra mức độ và tiến trình bình phục của các cơ quan tái tạo. Nói theo bác sĩ Tiến, “chẩn đoán hình ảnh chính là hoa tiêu của toàn bộ kíp mổ và đóng góp 50% thành công của ca mổ”.

Trúc Nhi và Diệu Nhi là cặp song sinh dính liền bụng chậu, rất phức tạp khi dính chung hệ tiêu hoá, tiết niệu, cơ quan sinh dục cho tới xương. Nếu như ca cặp song sinh Việt - Đức đội của GS. Trần Đông A có độ phức tạp 5 điểm, thì ca Diệu Nhi - Trúc Nhi phải là 8 đến 9 điểm. Trên thế giới chỉ có 6 ca dính liền như vậy được ghi nhận và Diệu Nhi - Trúc Nhi là ca thứ 7.

Chính vì thế, trước khi mổ cần phải tiến hình chụp hình cắt lớp cơ thể hai bé để dựng thành mô hình vi tính hoàn chỉnh nhằm xác định phần nào, mạch máu nào, cơ quan nào của Trúc Nhi và Diệu Nhi để tiến hành phẫu thuật tách rời và sau đó là tạo hình sau khi tách. Nếu không xác định được thì việc phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm vì hệ thần kinh, mạch máu chi phối không đặt được đúng vị trí.

Lấy ví dụ về hệ niệu, cả Trúc Nhi và Diệu Nhi đều có 2 thận và 2 niệu quản, thì trên nguyên tắc, cả hai sẽ dẫn đến bàng quang. Nhưng việc dính liền dẫn đến tình trạng là bàng quang của một bé lại nhận 2 niệu quản của hai bé nên phải xác định, sau đó mô phỏng trên máy tính 3D toàn bộ niệu quảng của bé nào để tái tạo trong qua trình tách rời…

Tiếp chúng tôi tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh là bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Minh Khánh. Theo giới thiệu của bác sĩ Tiến, “cô Khánh cùng các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh mất nhiều ngày ăn ngủ luôn trong bệnh viện để nghiên cứu, thực hiện đủ các hình ảnh chụp CT, X-quang… và các phần mềm để phục dựng thành ảnh 3D chi tiết từng tới mạch máu nhỏ li ti, các bộ phận cơ thể của 2 bé để các phẫu thuật viên đã tiến hành cuộc mổ tách đúng như dự liệu”.

"Chúng tôi phải ngồi xem hết tất cả những hình ảnh X-quang rồi siêu âm lại để biết mọi thứ nằm ở đâu, như thế nào. Vì chỉ cần sai sót một li sẽ dẫn đến xuất huyết ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Vì chẩn đoán hình ảnh tốt đến đâu thì phẫu thuật viên bước vào phòng mổ tự tin tới đó. Mình cố gắng hết sức để các phẫu thuật viên không tốn thời gian thám sát bụng, lần tìm và đánh giá các mạch máu liên thông", bác sĩ Khánh nhớ lại.

Không chỉ theo dõi xuyên suốt trước và trong quá trình phẫu thuật, khi ca phẫu thuật tách rời thành công, bác sĩ Khánh vẫn tiếp tục theo dõi chẩn đoán hình ảnh giúp quá trình hậu phẫu thuận lợi.

GS. Trần Đông A - cố vấn ca mổ và TS. Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã nhiều lần khẳng định, nhờ chẩn đoán hình ảnh chính xác nên ca mổ diễn ra đúng như dự liệu. Thời gian mổ được rút ngắn, các bé không gặp biến chứng bất ngờ. Đặc biệt, không có bất kỳ mạch máu nào bị cắt sai gây chảy máu không kiểm soát, lượng máu dự trù không cần dùng hết.

Chiến lược 4P

Rời phòng chẩn đoán hình ảnh, phải tăng tốc độ đi chúng tôi mới bắt kịp bác sĩ Tiến, nếu không biết trước về tuổi tác, thật khó mà tin được người đàn ông này đã ngoài năm mươi. “Nếu xem thành công ca mổ là leo đến đỉnh vinh quang, thì hậu phẫu thành công mới là giữ được vinh quang”, bác sĩ Tiến ví von.

Sau phần chẩn đoán hình ảnh, ca phẫu thuật tiến tới công đoạn quan trọng thứ ba là hồi sức. Chịu trách nhiệm chính từ lúc này là bác sĩ Tiến, người có hơn 28 năm kinh nghiệm và đã quá quen thuộc với 2 em Trúc Nhi và Diệu Nhi. Ông tham gia từ khi 2 chị em được chuyển từ Bệnh viện Hùng Vương trong tình trạng hôn mê. Từ đó đến khi mổ là 13 tháng với hơn 10 lần hội chẩn, thế nhưng, đây là giai đoạn áp lực nhất với ông khi phải vừa đảm nhiệm vai trò hồi sức, vừa phải phục hồi hoạt động các cơ quan nhân tạo mà những người đồng đội của ông tạo ra cho hai bé.

“Giống như cuộc chạy tiếp sức không có sai sót và giờ đây cờ đang được chuyền tới tay tôi. Khó khăn vẫn còn ở phía trước”, bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Tiến, sau phẫu thuật, ê - kip 6 y bác sĩ chăm sóc Diệu Nhi và Trúc Nhi đều là nhân sự thuộc nhóm có bề dày kinh nghiệm làm việc trên 10 năm trong ngành. “Những y, bác sĩ này cực kỳ tinh ý trong việc chăm sóc các em, chỉ cần một biểu hiện nhỏ của hai bé là nhóm này đã nhận ra, báo cáo và lên phương án xử lý. Gần như đội ngũ này không rời khỏi các thông số sức khoẻ của hai cháu như thông số từ máy thở, huyết động học, nhịp tim… kể từ khi rời phòng mổ. 7 ngày đầu tiên từ khi hai bé ra khỏi phòng mổ rất căng thẳng và áp lực với nhóm hồi sức. Thật tình mà nói, nếu đội ngũ y, bác sĩ mà chưa có kinh nghiệm thì khó mà tham gia được”, bác sĩ Tiến nói.

Với cuộc đại phẫu kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, hồi sức, phục hồi chức năng… là vấn đề khiến nhân viên y tế cân não. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều trị, dõi theo các em đến khi 18 tuổi.

Ngoài hai chữ “may mắn”, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm là điều mà bác sĩ Tiến hay nhắc đến trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi. Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố không chỉ là nơi thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Thành phố và Bộ Y tế, mà còn là tâm huyết của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2.

Những nhân tố đang chèo lái Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố hiện nay, như bác sĩ Tiến, bác sĩ Trương Quang Định và nhiều y, bác sĩ khác đều thuộc thành phần ưu tú và có thể là lực lượng kế thừa, nhưng đều được Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 “dứt ruột” đưa về đây để gầy dựng cơ sở mới.

Trên thực tế, lãnh đạo của Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của đội ngũ kế thừa. Theo đó, trong kế hoạch, mỗi vị trí bệnh viện luôn có 2 đến 3 người thay thế để luôn có lực lượng bổ sung khi có người đi tu nghiệp, hoặc thuyên chuyển công tác. 

“Để cạnh tranh nhân sự với các bệnh viện tư nhân, chúng tôi áp dụng Quy tắc 4P”, bác sĩ Tiến nói. Quy tắc 4P bao gồm, Pay (lương bổng); People (con người hài hoà, đề cao tinh thần đồng đội); Play (nơi làm việc thoải mái, thân thiệt) và Promotion (chính sách khích lệ).

Quay lại câu chuyện về Trúc Nhi và Diệu Nhi, bác sĩ Tiến cho biết: "Dù ca mổ thành công bước đầu, mối lo ngại lớn nhất hiện này là hai bé còn quá nhỏ. Với cuộc đại phẫu kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, hồi sức, phục hồi chức năng… là vấn đề khiến nhân viên y tế cân não. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều trị, dõi theo các em đến khi 18 tuổi”.

Thời gian tới, khi sức khỏe ổn định hơn, hai bé sẽ tiếp tục lên bàn mổ để bác sĩ tái tạo hoàn chỉnh hệ tiêu hóa, tiết niệu và các cơ quan khác. Các bài tập vật lý trị liệu về vận động, hô hấp ở giai đoạn hậu phẫu muộn cũng sẽ được tiến hành.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị kết thúc đột ngột bởi tiếng loa từ Khoa Hậu phẫu khi đề nghị cần sự hỗ trợ của ông. 

Nhìn theo bóng bác sĩ Tiến khuất sau cánh cửa "không nhiệm vụ miền vào" của Khoa hậu phẫu, tôi chợt nhớ đến lời nhận định về ca mổ này của lãnh đạo Bộ Y tế: “Thành công của ca mổ không chỉ là thành quả của trí tuệ Việt Nam mà còn là thành quả của những trái tim ấm nóng với tình yêu, trách nhiệm, lòng dũng cảm của gần 100 y, bác sĩ và cả bố mẹ các con. Họ đã bắt tay vào cuộc đại phẫu lịch sử, đối đầu với thử thách của tạo hoá để đem đến niềm hạnh phúc cho những bệnh nhi kém may mắn. Ca mổ này đã đánh dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, một thành công rất đáng tự hào”.

Hoàng Tuấn Anh, CEO PHGLock: Người Việt Nam sẽ sát cánh vượt qua mọi thử thách
Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, người Việt Nam sẽ không chỉ vượt qua mọi khó khăn trong muà dịch bệnh mà còn có thể tạo ra nhiều thành tựu trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư