Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Phú Yên mở cánh cửa phát triển từ tầm nhìn quy hoạch
“Mỏ vàng” kinh tế biển
Hoàng Anh - 04/03/2024 08:32
 
Phú Yên sẽ vươn tầm để trở thành một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung bộ, khẳng định vị thế mới của vùng “đất Phú, trời Yên” trên bản đồ kinh tế biển Việt Nam.
Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới, đầy triển vọng cho kinh tế biển tỉnh Phú Yên
Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới, đầy triển vọng cho kinh tế biển tỉnh Phú Yên

Động lực tăng trưởng

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản nhận định, Phú Yên sở hữu tiềm năng lớn về kinh tế biển.

Phú Yên có gần 200 km bờ biển với nhiều chủng loại hải sản, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều di tích, danh thắng biển đảo độc đáo và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng, là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị.

Đặc biệt, Phú Yên có lợi thế vượt trội khi nằm gần đường hàng hải quốc tế cắt qua biển Đông. Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Ngoài cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, Phú Yên còn quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn… Đó là những thế mạnh về kinh tế biển của Phú Yên.

Trong nhiều năm qua, biển đã trở thành động lực tăng trưởng của Phú Yên. Giá trị sản xuất ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng hàng năm, riêng giai đoạn 2016-2022 tăng bình quân trên 5,2%/năm. 

Du lịch biển phát triển khởi sắc, đóng góp trên 90% giá trị gia tăng hàng năm của ngành du lịch tỉnh.

Để phát triển kinh tế biển, một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Quy hoạch tỉnh Phú Yên đề cập là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; các nút giao thông kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến kết nối cảng biển; tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai), tạo liên kết phát triển vùng.

Đồng thời, tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm phát huy lợi thế nằm gần đường hàng hải quốc tế…

Phú Yên cũng dần hình thành kinh tế hàng hải. Cảng Vũng Rô khi được đầu tư nâng cấp có khả năng tiếp nhận tàu 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm; quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 50.000 tấn…

Về công nghiệp ven biển, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp ven biển với tổng diện tích hơn 460 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 77%. Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 118 dự án đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 9.285,59 tỷ đồng và 38,43 triệu USD.

Xác định tầm quan trọng của kinh tế biển đối với tăng trưởng, nên từ năm 2019, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Phú Yên hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực và đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển. Nhờ đó, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GRDP và trên 75% ngân sách tỉnh.

Định hướng vươn tầm

Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định một nội dung rất lớn cho Phú Yên, đó là phát triển kinh tế dựa trên lợi thế biển. Theo đó, kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột là công nghiệp; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics… Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung bộ …

Định hướng quan trọng của Quy hoạch đã tái khẳng định và nâng tầm vai trò của kinh tế biển đối với sự phát triển của Phú Yên trong chặng đường mới. Những thành tố về kinh tế biển đều được thể hiện cụ thể trong Quy hoạch. Với ngành công nghiệp, Phú Yên sẽ phát triển các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển; phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như luyện kim, lọc hóa dầu; sản xuất năng lượng, như điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới, như hydro, amoniac xanh...

Về du lịch, Phú Yên lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt. Nhiều dự án lớn sẽ được đầu tư như khu du lịch gành Đá Đĩa, khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, khu danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện…; thành lập Công viên địa chất Phú Yên, hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Về dịch vụ biển, tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa; hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn… Về hạ tầng cảng biển, cảng biển Phú Yên thuộc nhóm cảng biển loại 3, bao gồm khu bến Vũng Rô và khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa…

Về thủy sản, sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, nuôi công nghiệp ở vùng biển hở; tối ưu hóa khai thác thủy sản vùng khơi; phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác, chế biến, thương mại thủy sản để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu…

Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển; tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc…

Có thể thấy, Quy hoạch đã mở ra không gian phát triển đầy triển vọng, để Phú Yên có thể tiến vượt từ “mỏ vàng” kinh tế biển.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên là chìa khóa hiện thực hóa khát vọng vươn lên
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chìa khoá, cây cầu để kết nối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư