Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Mỏ vàng kinh tế Internet tại Việt Nam
Hữu Tuấn - 02/01/2019 06:22
 
Việt Nam không chỉ là một “con rồng chuyển mình” bằng nền kinh tế Internet, như Temasek và Google đánh giá, mà trong mắt tỷ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba, Việt Nam đang là một “mỏ vàng mới” khiến cả thế giới chú ý.

Thương mại điện tử: Đốt tiền khai thác vàng

“Mỏ vàng” lớn nhất trong nền kinh tế Internet là thương mại điện tử có quy mô 7,5 tỷ USD trong năm 2018 và tăng lên 15 tỷ USD trong năm 2025 đang chứng kiến sự thống trị của khối ngoại. Trong “ngũ đại gia” thương mại điện tử tại Việt Nam hiện là Shopee - Lazada - Tiki - Sendo - Adayroi, thì 2 vị trí quán quân và á quân đều là nhà đầu tư nước ngoài, Tiki và Sendo thì do nhà đầu tư nước ngoài chi phối, chỉ duy nhất Adayroi của Vingroup là “thuần Việt”.

.
Nhìn tổng quan nền kinh tế Internet hiện tại, dường như, các doanh nghiệp Việt chưa kịp “cầm vàng” thì vàng đã rơi trong tay khối ngoại

Trong năm 2018, Alibaba (Trung Quốc) đã đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada Đông Nam Á, tổng cộng Alibaba đã rót 4 tỷ USD vào công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á này. Cùng với việc thay CEO mới là ông Zhang YiXing, đầu tư mạnh cho mảng thanh toán điện tử, Alibaba đang có tham vọng giữ vững ngôi vương tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, đối thủ của Alibaba tại Việt Nam là “người đồng hương” Shopee, được hậu thuẫn bởi công ty mẹ SEA (Tập đoàn Tencent Trung Quốc trị giá 500 tỷ USD, chiếm khoảng 40% cổ phần của SEA) đã tăng thêm 50 triệu USD vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam. Đến nay, Shopee được Tencent đầu tư 500 triệu USD để mở rộng mạng lưới tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Đài Loan. SEA cũng IPO thành công trên sàn chứng khoán New York vào tháng 10/2017 và thu về 884 triệu USD.

Vào tháng 8/2018, Sendo nhận đầu tư 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư, dẫn đầu bởi SBI Holdings của Nhật Bản. Trước đó, đầu tháng 1/2018, Tiki xác nhận khoản đầu tư 44 triệu USD từ JD.com (nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc về doanh thu). Tháng 8/2018, Google đã công bố khoản đầu tư 550 triệu USD vào JD.com để đẩy mạnh mảng thương mại điện tử phát triển các giải pháp bán lẻ tại Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu.

Dù các trang thương mại điện tử đang lỗ nặng, nhưng nguồn tiền vẫn liên tục đổ vào khu vực này để tăng tốc chiếm lĩnh thị trường, đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ, từ thanh toán đến giao nhận vận chuyển. Trong Top 5 trang thương mại điện tử đang được các đại gia ngoại bơm thêm một nguồn tiền khổng lồ để tranh giành miếng bánh thị phần, thì chỉ duy nhất Adayroi là không có bóng dáng ngoại. Rất may là Adayroi được hậu thuẫn bởi Vingoup với hệ sinh thái của mình, nên vẫn bám trụ được trên thị trường.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đã nóng lại càng nóng thêm khi tháng 4/2018, Amazon chính thức gia nhập thị trường. Với động thái này, ngành thương mại điện tử trong nước sẽ cạnh tranh vô cùng khốc liệt trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

“Sắp tới, 'cuộc đua tam mã' vẫn là yếu tố trụ của thị trường, cùng với một vài công ty đang bám sau như Sendo, Lotte, Co.op, Adayroi, nhưng Lazada, Tiki và Shopee có cơ hội lớn để bứt phá bởi dòng tiền vào 3 công ty này ngày càng nhiều. Sự cạnh tranh thúc đẩy thị trường lớn nhanh hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư CyberAgent nhận định.

Du lịch trực tuyến: Chuộng “vàng tây” hơn “vàng ta”

Trong khi đó, mỏ vàng lớn thứ 2 trong nền kinh tế Internet Việt Nam là du lịch trực tuyến  (Online Travel Agency - OTA) có tổng doanh thu 3,5 tỷ USD năm 2018 và ước đạt 9 tỷ USD vào năm 2025 cũng đang trong tình trạng tương tự.

Số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) cho thấy, các OTA toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang chiếm 80% thị phần tại Việt Nam. Phần lớn du khách quốc tế ra vào Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí, ngay cả khách du lịch nội địa cũng sử dụng dịch vụ của các OTA nước ngoài. Các OTA Việt Nam như Gotadi.com, Tugo.com.vn, VnTrip.vn, Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Vinabooking.vn... xuất hiện tại thị trường nội địa muộn và đang bị cạnh tranh dữ dội từ các ông lớn công nghệ lắm tiền, nhiều của.

“Thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam là một mỏ vàng. Đó là chuyện ai cũng thấy, nhưng để biến mỏ vàng thành hiện thực là điều không dễ. Thị trường đặt vé tour/phòng hiện rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc là của doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, Agoda đang chiếm 40 - 50% thị trường tại Việt Nam”, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Interspace cho biết.

Điểm sáng lẻ loi năm 2018 trong bối cảnh các ông lớn như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com… tràn ngập thị trường Việt là năm 2018, VnTrip được rót vốn lần 3 từ nhà đầu tư Thụy Sỹ - IHAG Holding, với mức định giá 45 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, VnTrip sáp nhập đơn vị cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam Atadi vào hệ thống của mình.

Theo ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu, việc người dùng Việt Nam rất nhạy bén với công nghệ đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, thị trường đã có quá nhiều tập đoàn toàn cầu đang phục vụ khách hàng rất tốt. Những công ty trong nước buộc phải tìm ra hướng đi mới khác biệt, kết hợp giữa việc hiểu sâu thị trường nội địa và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Có thể thấy rằng, du lịch trực tuyến ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu, thị trường chưa được định hình rõ ràng. “Mỏ vàng” này sẽ được các doanh nghiệp khai thác tốt, không để bị rơi vào tay nước ngoài, nếu có nguồn tài chính dồi dào, nội địa hoá sản phẩm và có chiến lược phát triển khác biệt, cùng những tiện ích toàn cầu.

Nội dung số và ứng dụng gọi xe: Doanh nghiệp Việt “vàng mắt”

Mỏ vàng lớn thứ 3 là thị trường quảng cáo trực tuyến, trò chơi, dịch vụ âm nhạc và video hiện có quy mô 2,2 tỷ USD và sẽ đạt 6 tỷ USD vào năm 2025 cũng đang trong điệp khúc “ngoại át nội”. Năm 2018, mảng quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trực tuyến trong nước như VCCorp/Admicro, VNExpress/Eclick, 24H, Zing/Adtima... chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD.

Với ngành game Việt Nam, doanh thu ước đạt gần 400 triệu USD trong năm 2018. Trong đó, ngoài các nhà phát hành game Việt Nam như VNG, VTC, Soha…, thị trường còn có các nhà phát hành game nước ngoài như Garena. 

Vấn đề ở chỗ, gần như 100% các tựa game ăn khách nhất tại Việt Nam những năm qua đều là game của nước ngoài sản xuất, các nhà phát hành phải trả rất nhiều tiền bản quyền và vận hành cho các công ty sản xuất ra các game này, đặc biệt là Trung Quốc. Mức ăn chia bản quyền từ doanh thu có thể từ 20%, 50%, thậm chí là 70%, tùy giá mua game và những thỏa thuận với đối tác. Vì vậy, phần lớn doanh thu chảy ra nước ngoài, chỉ còn lại “vảy vàng vụn” cho các nhà phát hành game trong nước.  

Ở “mỏ vàng” dịch vụ gọi xe công nghệ đạt doanh thu 500 triệu USD năm 2018 và tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2018, cũng đang chứng kiến sự thống trị của các ứng dụng công nghệ gọi xe xuyên biên giới cạnh tranh khốc liệt với nhau và với doanh nghiệp Việt.

Grab sau khi thôn tính, sáp nhập Uber vào tháng 4/2018 đang tiếp tục gọi vốn 3 tỷ USD trong năm 2018, để trở thành một siêu ứng dụng. Vào tháng 8/2018, Grab đã công bố vừa nhận thêm 2 tỷ USD từ Toyota Motor Corporation (Toyota) và các công ty tài chính hàng đầu thế giới như OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company…

Đối thủ chạy đua với Grab là Go-jek vào tháng 2/2018 đã chính thức đặt chân vào Việt Nam bằng cái tên Go-Viet, với số vốn đầu tư “nhỏ nhẹ” 500 triệu USD. Mới đây, vòng thu hút vốn đầu tư gần nhất đã đem lại cho Go-jek khoảng 1,5 tỷ USD vốn mới, cũng như đẩy giá trị công ty lên mức 5 tỷ USD. Go-Viet hiện có 1,5 triệu lượt tải và 35.000 đối tác tài xế đã đăng ký sử dụng.

Cả hai ông lớn Grab và Go-jek đang mở rộng dịch vụ từ công ty thuần về gọi xe công nghệ sang dịch vụ giao đồ ăn, giặt là, du lịch, bảo hiểm, đặt trước các trải nghiệm giải trí, và cả thanh toán điện tử, với mục tiêu trở thành một nền tảng đa dịch vụ.

Trong khi đó, năm 2018, các ứng dụng gọi xe Việt cũng đã “nở rộ”. Ngày 30/8/2018, VinaCapital thông báo thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các start-up công nghệ. Quỹ này cũng công bố 2 khoản đầu tư đầu tiên vào Logivan và FastGo. Cùng với đó, thị trường còn có hàng loạt ứng dụng khác như Vato (Phương Trang tuyên bố đầu tư 100 triệu USD), Mai Linh Bike, ABER… và tân binh mới nhất ra mắt thị trường mấy ngày trước là ứng dụng gọi xe Be.

Nhìn chung, thị trường ứng dụng gọi xe vẫn đang là “cuộc chơi một chiều” của Grab với sự đe doạ nhẹ nhàng từ Go-Viet và Fastgo. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ về tài chính với giá trị hàng tỷ USD, ắt hẳn các ứng dụng gọi xe Việt sẽ “chết yểu” như hàng chục ứng dụng khác đã “khai tử” trước đó.

Cơ hội cho những ai chấp nhận sự khác biệt, dám làm chủ và đi đầu

Nhìn tổng quan nền kinh tế Internet hiện tại, dường như, các doanh nghiệp Việt chưa kịp “cầm vàng” thì vàng đã rơi trong tay khối ngoại. Nhưng mỏ vàng Internet là vô tận và không ngừng sinh sôi trong cuộc cách mạng 4.0 cùng với Big Data, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật… Những cơ hội sẽ liên tiếp sinh sôi trên nền tảng 97 triệu dân, với tỷ lệ sử dụng smartphone cao.

Vấn đề là, các doanh nghiệp không nên tiếc nuối “công cầm vàng”, mà phải không ngừng sáng tạo, khai thác các mỏ vàng đó bằng việc đi trước và tìm ra lối đi khác biệt. “Đây là cơ hội to lớn cho những ai chấp nhận một thế giới khác biệt, dám làm chủ và đi đầu. Một cách nhìn khác biệt, rất Việt Nam sẽ giúp Việt Nam đi đầu”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo.

Nhà mạng bồi thường gần 1.500 tỷ đồng vì internet chậm
Công ty Mỹ Charter Communications đã đồng ý trả 62,5 triệu USD (gần 1.500 tỷ đồng) cho hơn 700.000 khách hàng tại New York vì cung cấp dịch vụ internet...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư