Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mới có 14 doanh nghiệp có vốn nhà nước báo cáo chia cổ tức năm 2019
Mạnh Bôn - 30/11/2020 14:03
 
Bộ Tài chính cho biết, năm 2019 mới chỉ có 14 doanh nghiệp báo cáo chia cổ tức (cho phần vốn nhà nước) với số tiền là 16.572 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gừi Thủ tướng Chính phủ (lần 2) về tổng hợp kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp thuộc bộ giảm

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu của 138 doanh nghiệp nhà nước do các bộ ngành quản lý. Theo đó, tổng doanh thu năm 2019 đạt 924.961 tỷ đồng (tăng 24,37% so với năm 2018). Trong đó, doanh thu của 13 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là 669.478 tỷ đồng, chiếm hơn 72%, tăng 16,52% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 của 138 doanh nghiệp này đạt 83.166 tỷ đồng, giảm 5,32%. Các doanh nghiệp do bộ ngành làm đại diện chủ sở hữu năm 2019 nộp ngân sách nhà nước 113.818 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2018.

Cụ thể, trong số 138 doanh nghiệp có 133 đơn vị kinh doanh có lãi; 5 đơn vị kinh doanh lỗ gổm Tổng công ty 15, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội, Vinachem, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Vinacafe. Năm 2019 có 6 doanh nghiệp có số nợ quá hạn 112 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là Công ty  Hà Thành nợ quá hạn 32 tỷ đồng, Công ty Thủy sản Hạ Long 29 tỷ đồng, Công ty Hữu nghị Nam Lào 20 tỷ đồng, Công ty Tây Bắc nợ quá hạn 16 tỷ đồng…

Điều đáng nói là chỉ có 46/138 doanh nghiệp do các bộ ngành làm đại diện chủ sở hữu được đánh giá là an toàn về tài chính; 4 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính, trong đó có Vinacafe do Ủy ban Quản lý vốn làm đại diện chủ sở hữu và 2 đơn vị được đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các đơn vị còn lại chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước do các bộ ngành quản lý, tổng hợp số liệu từ 47 doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2019 đạt 337.810 tỷ đồng, giảm 4,75% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 34.408 tỷ đồng, tăng 25,79%; nộp ngân sách 29.410 tỷ đồng, giảm 1,37%.

Trong số 47 doanh nghiệp kể trên có 40 đơn vị kinh doanh có lãi; 7 đơn vị kinh doanh lỗ. Trong đó, Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3-2 lỗ 21 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông - vận tải lỗ 27 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng lỗ 83 tỷ đồng và Tổng công ty Sông Hồng  lỗ 64 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam lỗ 246 tỷ đồng và Vinafood 2 do Ủy ban Quản lý vốn làm đại diện chủ sở hữu lỗ 192 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, năm 2019 mới chỉ có 14 doanh nghiệp báo cáo chia cổ tức (cho phần vốn nhà nước) với số tiền là  16.572 tỷ đồng.

Các bộ ngành đã xếp loại 127/138 doanh nghiệp, trong đó có 102 doanh nghiệp xếp loại A (chiếm 80,32%), 11 doanh nghiệp xếp loại B (chiếm 8,66%), và 14 doanh nghiệp xếp loại C, chỉ chiếm 11,02% tổng số doanh nghiệp được xếp loại.

Năm 2019, Vianafood 2 do Ủy ban Quản lý vốn làm đại diện chủ sở hữu lỗ 192 tỷ đồng
Năm 2019, Vianafood 2 do Ủy ban Quản lý vốn làm đại diện chủ sở hữu lỗ 192 tỷ đồng

35 doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý thua lỗ 137 tỷ đồng

Tổng hợp số liệu của 342 doanh nghiệp nhà nước do UBND cấp tỉnh quản lý, Bộ Tài chính cho biết, năm 2019, tổng doanh thu đạt 173.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 19.970 tỷ đồng, nộp ngân sách 49.228 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM có 47 doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 64.050 tỷ đồng, chiếm gần 37%; lợi nhuận đạt 7.967 tỷ đồng, chiếm khoảng 40%; số nộp ngân sách nhà nước 10.161 tỷ đồng, chiếm 20,64%. UBND Hà Nội quản lý 23 doanh nghiệp, năm 2019 đạt doanh thu 13.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.178 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.894 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2019, có 35 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do địa phương quản lý kinh doanh lỗ 137 tỷ đồng; ngoài ra có 8 doanh nghiệp có nợ quá hạn 147 tỷ đồng.

Trong số 342 doanh nghiệp do địa phương quản lý, có 237 doanh nghiệp được đánh giá an toàn về tài chính, 6 doanh nghiệp được đánh giá là mất an toàn về tài chính và 10 doanh nghiệp được đánh giá có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Các đơn vị còn lại chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.

Đối với 273 doanh nghiệp có vốn nhà nước do địa phương làm đại diện chủ sở hữu, theo Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2019 đạt tổng doanh thu 89.854 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.705 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.044 tỷ đồng. Trong số 273 doanh nghiệp có 224 đơn vị kinh doanh có lãi; 44 đơn vị kinh doanh lỗ. Năm 2019, 79 doanh nghiệp có vốn nhà nước do địa phương quản lý chia cổ tức 1.488 tỷ đồng.

UBND cấp tỉnh cũng đã tiến hành xếp loại 286/342 doanh nghiệp. Trong đó, 169 doanh nghiệp xếp loại A, 75 doanh nghiệp xếp loại B và 42 doanh nghiệp xếp loại C.

Kinh doanh gạo gặp khó, Vinafood 2 trông cậy vào đất vàng
Gặp khó vì thị trường lúa gạo không thuận lợi cùng khoản lỗ khủng sau cổ phần hóa, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đang muốn bổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư