Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Mọi guồng máy phải cùng chạy một hướng
Bảo Duy - 03/03/2015 14:08
 
Hôm qua (2/3), một phần cuộc họp thường kỳ Chính phủ đã bàn về Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người được giao chắp bút cho dự thảo này cho biết, điều quan trọng hiện tại là các cơ quan thực thi phải cùng chạy một hướng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nâng năng lực cạnh tranh quốc gia bằng các nước ASEAN 6
Thủ tướng: Cải cách hành chính không thể nói chung chung
Áp lực cải thiện môi trường kinh doanh
DN châu Âu kỳ vọng môi trường kinh doanh tại Việt Nam
Cơ hội kinh doanh 2015 thuộc về ai?

Sẽ có những thay đổi lớn gì trong Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 19/2014/NQ-CP của Chính phủ, thưa ông?

Chính phủ sẽ bàn để có kết luận cuối cùng. Ở vị trí Ban soạn thảo, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19, chúng tôi thấy rằng, mặc dù nhiều nhiệm vụ đã được thực hiện và có kết quả, nhưng nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực triển khai, chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Hơn một nửa số giải pháp chưa được các bộ, cơ quan, địa phương triển khai theo yêu cầu, nên tác động thực tế của Nghị quyết vào cuộc sống vẫn còn chậm.

 Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Bởi vậy, Dự thảo tiếp tục đặt mục tiêu rất cụ thể. Đó là, đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6, thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ/năm; thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ/năm; số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; thời gian hàng hóa giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ bản hoàn thành và vận hành hải quan một cửa quốc gia; thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn 36 ngày; thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng xuống còn 30 tháng.

Đến hết năm 2016, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế. Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng là 35 ngày; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc là 168 giờ; đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng xuống còn 77 ngày...

Thế còn về giải pháp?

Vẫn là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở tuân thủ các quy luật của thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Điều quan trọng, theo tôi, là phải thực hiện có hiệu quả giải pháp, đặc biệt là vận hành đồng bộ, thông suốt các loại thị trường; thực hiện phân bổ nguồn lực và quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức...

Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về các vấn đề chính sách năm 2015-2016, ông đã nhắc tới cơ hội cải cách thể chế của 2 năm này mà nếu không tranh thủ được, có thể chúng ta sẽ chậm 5-10 năm nữa...

Thời gian 3-5 năm tới là giai đoạn then chốt đối với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn thấy cả cơ hội và cả mệnh lệnh của cải cách để tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của hội nhập, mà nếu bỏ qua, sẽ phải chờ thêm thời gian mới có lại được.

Năm 2015, về mặt thể chế, chúng ta đang thực hiện sửa đổi nhiều văn bản luật quan trọng, đặc biệt là những bộ luật tạo khung khổ nền tảng cho kinh tế thị trường như Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Đây là cơ hội để chúng ta đổi mới thể chế, không chỉ là thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng, mà cả cơ cấu tổ chức chính phủ, cách thức, công cụ quản lý nhà nước, thiết lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách, độc lập để xây dựng và duy trì trật tự thị trường, cũng như đổi mới thể chế về sở hữu, quyền sở hữu và thể chế giao dịch thị trường...

Năm 2014, đã có những cải cách thể chế tác động đột phá tới môi trường kinh doanh Việt Nam, rõ nhất là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được mở rộng một cách tối đa, giảm rủi ro pháp lý, giảm chi phí tuân thủ....

Nhưng đó mới là cấu phần gia nhập thị trường của thể chế thị trường.

Để cải thiện mức độ phát triển của thể chế thị trường của Việt Nam (hiện đang ở vị trí thấp so với các nước trong khu vực ASEAN ), phải quan tâm đến từng cấu phần của thể chế kinh tế thị trường, từ quyền sở hữu tài sản, gia nhập thị trường, giao dịch thị trường, trật tự và kỷ luật thị trường tới rút khỏi thị trường.

Đơn cử, lâu nay, chúng ta vẫn có quan niệm chưa phù hợp trong xây dựng trật tự thị trường, chủ yếu dùng công cụ hành chính để can thiệp vào thị trường, quản lý thị trường thông qua việc điều hành của các bộ, UBND, khiến thị trường méo mó, chia cắt hơn... Đây là những nút thắt về thể chế mà chúng ta có thể gỡ được khi tiến hành sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tiếp sau đó, phải sửa Luật Cạnh tranh, Luật Ngân hàng Nhà nước...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư