Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mỗi năm các bộ ban hành khoảng 1.000 thông tư và câu hỏi về nỗ lực cải cách thể chế
Bảo Duy - 25/11/2019 08:33
 
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được thư trả lời từ Bộ Xây dựng. Chúng tôi sẽ phải làm gì để biết chắc phải tuân thủ pháp luật thế nào”. Một doanh nghiệp đã mở đầu bằng một câu hỏi như vậy trong thư điện tử gửi Báo Đầu tư mới đây.
.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, cả nước hiện có hơn 200 luật, khoảng 2.000 nghị định và hơn 6.000 thông tư có hiệu lực.

Tháng 10/2019, doanh nghiệp này đã gửi kiến nghị lên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ. Ý kiến của doanh nghiệp được cập nhật trên Hệ thống và đầu tháng 11/2019 với hạn trả lời dành cho Bộ Xây dựng là trước ngày 22/11/2019.

Doanh nghiệp này gần như không rời khỏi Hệ thống suốt thời gian qua, mong từng giờ nhận được câu trả lời để tiếp tục thực hiện dự án đang dở dang. Với tiến độ trên, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phải chờ.

Trước khi gửi kiến nghị lên Hệ thống, doanh nghiệp nói trên đang làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, bị mắc do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương yêu cầu thực hiện thủ tục chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng của dự án (nằm trong các khu công nghiệp). Thế nhưng, doanh nghiệp không tìm thấy căn cứ pháp lý của yêu cầu này, cũng như quy định về hồ sơ, giấy tờ, trình tự, thời gian giải quyết...

Họ đã hỏi cơ quan địa phương, song không nhận được câu trả lời, đành đi hỏi cấp cao hơn. Vì nếu thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp sẽ tốn kém rất nhiều để lập hồ sơ, cung cấp hồ sơ năng lực đơn vị thiết kế, đặc biệt là thời gian phát sinh tăng thêm. Điều đáng nói là họ không thể giải trình được với đối tác là một doanh nghiệp nước ngoài về những khoản chi không có căn cứ.

“Đây có phải là giấy phép con không?”, doanh nghiệp đã đặt câu hỏi trong đơn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng.

Đây cũng là câu hỏi mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang đặt ra khi góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh mà các bộ, ngành gửi lấy ý kiến. Cho đến thời điểm tháng 11/2019, vẫn còn những dự thảo văn bản đề cập thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... trái với thẩm quyền, buộc VCCI phải đề nghị gỡ bỏ.

Đáng ra, VCCI phải đặt thêm câu hỏi trách nhiệm của công chức trong việc tham mưu, xây dựng chính sách khi vẫn còn dấu hiệu “cài cắm” lợi ích như trên. Cả doanh nghiệp đang chờ câu trả lời của Bộ Xây dựng cũng vậy. Họ có thể đòi được đền bù nếu các yêu cầu trên là sai quy định...

Nhưng các câu hỏi này còn khó trả lời hơn.

Ngay trong cuộc làm việc vào cuối tuần trước của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với 12 bộ, ngành về thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc xử ra sao lý trách nhiệm cá nhân với các văn bản bị phát hiện là trái luật, mâu thuẫn, chồng chéo... đang để ngỏ. Nhiều bộ, ngành cho rằng, cho dù có quy định về việc này, nhưng không có hướng dẫn và quy trình cụ thể, nên không thể thực hiện được.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, cả nước hiện có hơn 200 luật, khoảng 2.000 nghị định và hơn 6.000 thông tư có hiệu lực. Trung bình mỗi năm, các bộ ban hành khoảng hơn 1.000 thông tư. Từ năm 2016 tới nay, các cơ quan trên cả nước đã kiểm tra hơn 86.000 văn bản, quy phạm pháp luật, phát hiện 1.958 văn bản không phù hợp về nội dung và thẩm quyền.

Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra hơn 17.000 văn bản của cấp bộ và các địa phương. Qua đó, phát hiện 507 văn bản có quy định chưa phù hợp về nội dung và thẩm quyền, trong đó có hơn 400 văn bản của chính quyền cấp tỉnh. Đến nay, đã xử lý dứt điểm 412 văn bản... Và cũng chưa thấy công chức nào chịu trách nhiệm cá nhân trong việc này.

Khi lý giải nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của các văn bản chưa phù hợp về nội dung và thẩm quyền này, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phải nhắc tới nguyên nhân từ chất lượng, trình độ công chức tham mưu, khiến có văn bản vừa được ban hành đã bị thổi còi do không đúng với tinh thần và nội dung của văn bản cấp trên, ban hành sai thẩm quyền...

Phải nhắc lại mục tiêu của yêu cầu cầu rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật là nhằm khắc phục tình trạng văn bản không hợp pháp, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2017 tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 10 văn bản chỉ đạo về hoạt động này, chưa kể yêu cầu trong các cuộc họp Chính phủ.

Song nếu các văn bản bị phát hiện vi phạm không được các bộ, ngành, địa phương xử lý có trách nhiệm, dứt điểm; các công chức không hoàn thành nhiệm vụ không bị xử lý trách nhiệm, thì nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ sẽ bị chậm lại, thậm chí bị cản trở.

Lương công chức bậc cao nhất tương đương lương bộ trưởng
Lương công chức bậc cao nhất tương đương lương bộ trưởng
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư