Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Một số dự án đầu tư trọng điểm giải ngân rất chậm, gây lãng phí
An Nguyên - 28/05/2021 09:56
 
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81.200 tỷ đồng.
.
Toàn cảnh phiên họp chiều 27/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Trong phiên họp thứ 56, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, năm 2020 hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng.

Công tác cơ cấu lại ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực nhưng do tác động của thiên tai, dịch bệnh nên 2020 bị hụt thu ngân sách trong khi phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công.

Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Cụ thể, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm, tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm, như Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Bộ Xây dựng chưa thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt; số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn (1.222,5 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, năm 2021, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò người đứng đầu, thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ bội chi, khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư chậm; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm.

Chính phủ nhìn nhận, ngoài các nguyên nhân khách quan do thiên tai, dịch bệnh, thì nguyên nhân chủ quan chủ yếu là việc chuẩn bị dự án chưa tốt; phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án không sát thực tế; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thi công; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng, dẫn đến người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường, dẫn đến chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Cuộc cách mạng” trong đầu tư công
Việc cắt giảm mạnh số lượng dự án đầu tư công trong một kỳ trung hạn chính là một “cuộc cách mạng” lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư