Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Một tuần, hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, 2 ca tử vong
D.Ngân - 08/11/2022 08:18
 
Theo Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong. Trong đó riêng Hà Nội ghi nhận hơn 1.300 ca, tăng khoảng 9% so với tuần trước.

Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, trong tuần qua cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có 2 ca tử vong. 

Các cán bộ y tế của Hà Nội đang hướng dẫn người dân lật úp, che đậy các dụng cụ chứa nước.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. Như vậy, so với tuần 43, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca, con số này tương đương với tuần trước đó.

So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Hà Nội là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh của cả nước. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc khoảng 500-700 trường hợp/tuần, thì đến cuối tháng 10 đã tăng lên 1.200 -1.400 ca/tuần.

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, số mắc tăng 8,9% so với tuần trước (1.205). 

Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101) là những quận có số mắc khá cao.

Về nguyên nhân Thủ đô gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. 

Bên cạnh đó, năm nay là chu kỳ 5 năm một lần sốt xuất huyết tăng cao. Theo dự báo, đỉnh dịch năm 2022 có thể rơi vào trung tuần tháng 11.

Một nguyên nhân khác khiến dịch đang trở nên phức tạp là do tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.

Bên cạnh đó, do người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thường bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh bị nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia y tế điều nguy hiểm của sốt xuất huyết là bệnh chưa có thuốc đặc trị nên điều trị bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lí. 

Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.

Tin mới về y tế ngày 7/11: Tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; Sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 18 quốc gia phòng, chống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư