Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mùa dịch, ngại đi khám bệnh: Cẩn trọng gặp biến chứng nặng
D.Ngân - 30/07/2021 14:12
 
Theo các bác sĩ tại một số cơ sở y tế hiện nay có trường hợp bệnh nhân tăng mức độ trầm trọng của bệnh vì chậm trễ đi khám chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cho biết, đơn vị đã tiếp nhận bệnh nhi T.N.G.H. (27 tháng tuổi, ở Hưng Yên) đến viện trong tình trạng quá muộn.

Theo các bác sĩ tại một số cơ sở y tế hiện nay có trường hợp bệnh nhân tăng mức độ trầm trọng của bệnh vì chậm trễ đi khám chữa bệnh.

Gia đình cho biết, trước đó ở nhà, trẻ bị sốt cao liên tục nhiều ngày liên tiếp. Gia đình vẫn kiên trì cho bé uống thuốc hạ sốt tại nhà. Đến ngày thứ 4, trẻ mới được đưa đến phòng khám tại địa phương. 

Lúc này, bé H. bắt đầu có những cơn sốt co giật, được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 25/7.

Bác sĩ Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết khi đến viện, trẻ diễn biến nặng, sốt li bì, sốc nhiễm trùng, viêm màng não nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh và tim nặng.

“Chúng tôi đã cho bệnh nhi thở máy, sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch, dùng kháng sinh, lọc máu, tuy nhiên, trẻ không đáp ứng. Sau 2 ngày điều trị, mặc dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa tích cực, trẻ tiên lượng nguy cơ xấu”, bác sĩ Xoay chia sẻ.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân nữ 71 tuổi đến khám do khối áp xe cơ lưng sau tiêm thuốc giảm đau tại phòng khám tư nhân. 

Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết do bị bệnh lâu ngày đau nhức lưng, đến bệnh viện khám chụp phim các bác sĩ nói bệnh nhân bị thoái hoá cột sống, thoát vị nhẹ đĩa đệm L5-S2, không ảnh hưởng nghiêm trọng tuỷ sống, chỉ cần dùng thuốc, tập thể dục theo bài hướng dẫn sẽ ổn định. 

Tuy nhiên, bệnh sẽ diễn biến mạn tính và cần được khám tư vấn thường xuyên để thay đổi thuốc và tập luyện phù hợp, nhất là do bệnh nhân đã lớn tuổi.  

Gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 lan rộng nên bệnh nhân lo lắng việc đến khám tại bệnh viện có nguy cơ cao lây nhiễm khi phải tiếp xúc nhiều người nên đã đến phòng khám tư gần nhà để khám. 

Bác sĩ đã tiêm thuốc vào vùng lưng phải cho bệnh nhân vài lần. Lần này sau tiêm 3 ngày bắt đầu đau tăng, sốt, khó khăn khi đi lại nên gia đình quyết định đưa bệnh nhân lên tuyến trên. 

Bệnh nhân cho biết đã đến khám phòng khám tư và tiêm thuốc tại đây vài lần. Tuy nhiên, bệnh nhân không rõ là thuốc gì và bác sĩ chỉ giải thích thuốc điều trị bệnh. Sau khi tiêm thuốc bệnh nhân cảm thấy đỡ nên tiếp tục đến đây vài lần.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân bị áp xe cơ thắt lưng chậu thường biểu hiện lâm sàng tại chỗ là không duỗi được chân bên có cơ bị viêm trong khi khám khớp háng bình thường. Nếu không điều trị kịp thời khối mủ sẽ lan rộng, thậm chí có thể vỡ vào ổ bụng, lan vào các tạng bên trong, ảnh hưởng đến việc vận động của bệnh nhân cũng như tính mạng. 

Việc điều trị áp xe cơ thắt lưng chậu gồm kháng sinh, giảm đau và dẫn lưu mủ và bất động. Hiện nay việc phát hiện điều trị sớm, xác định vị trí và tính chất khối áp xe, mủ sẽ chủ yếu được dẫn lưu dưới siêu âm. 

Trường hợp mủ lan rộng, mủ đặc hoặc những vị trí sâu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tạng xung quanh cần phải phẫu thuật dẫn lưu mới được. 

Qua trường hợp này bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo, người bệnh và gia đình khi có bệnh nên đến cơ sở y tế có uy tín khám để được điều trị thực thụ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra, người dân cũng không nên quá lo lắng lây nhiễm Covid-19 nếu thực hiện tốt việc phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Chính, các cơ sở y tế tư nhân cũng cần tuân thủ tốt quy trình chuyên môn khám chữa bệnh, nhất là quy trình vô trùng khi thực hiện thủ thuật, tránh những biến chứng như ca bệnh này.

Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết dịch Covid-19 nguy hiểm và có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch được bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh, quyết liệt để đảm bảo tuân thủ an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất.

"Người bệnh và gia đình không nên quá hoang mang khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh mà vô tình gây nên hệ lụy xấu đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Khi đến bệnh viện, người bệnh và người nhà cần tuân thủ đảm bảo 5K, hạn chế số người đi cùng, chỉ một người nhà đi với trẻ và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế", PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo.

Quy định mới về kiểm soát người tới khám, chữa bệnh tại các bệnh viện
Người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc thì áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm Covid-19 cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư