Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mua ô tô cũ: Những lưu ‎ý không thể bỏ qua
Văn Xuyên (BNEWS/TTXVN) - 16/10/2017 10:23
 
Nhiều người tiêu dùng vì các lý do khác nhau đang chọn mua xe ô tô cũ thay vì xe mới. Vậy đâu là những lưu ý cần thiết để tiền ít mà vẫn có xe như ý?
Nhiều cơ sở mua bán xe ô tô đã qua sử dụng ở phố Nguyễn Chánh, Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Nhiều cơ sở mua bán xe ô tô đã qua sử dụng ở phố Nguyễn Chánh, Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN

Mặc dù giá ô tô mới thời gian gần đây giảm đáng kể, nhưng để chiếc xe “lăn bánh” chi phí còn cao hơn khá nhiều nên không ít người đã tìm mua xe ô tô cũ với giá cả phải chăng.

Đây cũng là lý‎ do khiến cho các đại lý‎ bán xe cũ vẫn “sống khỏe”, thậm chí ngay trong cả tháng “Ngâu” trong khi doanh số bán xe mới trên toàn thị trường giảm sút hàng tháng. 

Xe sử dụng từ 3 đến 4 năm có sức tiêu thụ mạnh nhất

Theo tính toán của doanh nghiệp, ô tô mới mất giá trị sau mỗi năm sử dụng và số km đã đi, tỷ lệ mất giá ở thời điểm mua mới nhanh hơn so với xe cũ. Do đó mua xe cũ trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người, đặc biệt là với những người có nguồn tài chính chưa dư giả.

Thậm chí có cả những người có điều kiện nhưng vẫn thích mua xe cũ để được lựa chọn ở phân khúc cao cấp hơn.

Tại Thông tư 301/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 nêu rõ, ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu từ 10% đến, 12%; ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. 

Cách tính giá trị còn lại của xe ô tô cũ (tỷ lệ khấu hao của xe) được tính theo thời gian sử dụng của xe đến năm kê khai nộp lệ phí trước bạ.

Cụ thể, xe sử dụng trong 1 năm giá trị còn lại là 85%, trên 1 năm đến 3 năm còn 70%, trên 3 năm đến 6 năm còn 50%, trên 6 năm đến 10 năm còn 30% và trên 10 năm giá trị còn lại của xe là 20%. Tuy nhiên, cách tính này cũng chỉ tương đối bởi thực tế ngoài thị trường giá vẫn còn cao hơn và phụ thuộc vào mẫu xe và thương hiệu xe nào.

Với cách tính tỷ lệ khấu hao như trên, người tiêu dùng mua xe đã qua sử dụng trên 3 năm, giá trị của xe đã giảm được một nửa so với xe mới, khi sang tên đổi chủ, phí trước bạ xe cũ cũng ít hơn (chỉ 2%) so với xe mới là từ 10% đến 12%. Riêng phí biển số xe ở Hà Nội là 20 triệu, ở các tỉnh khác là 1 triệu đồng, các loại phí còn lại là tương đương. 

Theo giới kinh doanh xe, những chiếc xe ô tô đã sử dụng từ 3 đến 4 năm có sức tiêu thụ mạnh nhất thị trường do chất lượng của những xe này còn khá tốt trong khi giá bán của chiếc xe được giảm rất nhiều. Do đó mua xe cũ trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người.

Cũng không phải là điều ngẫu nhiên mà thời gian gần đây các hãng xe chính hãng cũng rất quan tâm đến thị trường xe cũ bên cạnh việc kinh doanh xe mới.

Khách hàng mua xe cũ từ chính hãng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng cũng như chế độ bảo hành của hãng. Tuy nhiên, mua xe cũ ở chính hãng thông thường có giá cao hơn so với ngoài thị trường.

Thế nhưng, mua xe ở ngoài thị trường người tiêu dùng rất khó thẩm định về chất lượng và giá cả, xe có bị ngập nước, bị thủy kích, bị tai nạn, hay xe taxi “hoàn lương”. Do đó, để mua được chiếc xe cũ ưng ý lại không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người. 

Những lưu ý nhất định không thể bỏ qua

Theo gợi ý của giới chuyên doanh, mua được xe cũ trực tiếp từ người tiêu dùng thông qua các mối thân quen như người nhà hay bạn bè là tốt nhất. Trường hợp mua ngoài thị trường nhất thiết phải lưu ý đến rất nhiều yếu tố, có thể liệt kê những yếu tố sau.

Đề nghị chủ xe cho xem nhật ký bảo dưỡng xe do mỗi lần bảo dưỡng định kỳ hoặc thay thế phụ tùng đều được ghi vào sổ. Khi xem xe, nên xem ở ngoài trời có đủ điều kiện ánh sáng.

Ngoại thất của xe phải đồng nhất về độ cũ, những khe ráp nối các tấm vỏ, các mép gấp ở khung cửa, cánh cửa có bị cong vênh. Nếu có có thể xe đã bị va chạm đã được tu sửa. Kiểm tra độ mòn của gai lốp cũng là một trong những yếu tố quyết định xe sử dụng nhiêu hay ít.

Ở bên trong, cần quan tâm đến tay nắm cửa bên lái có mòn, bạc sơn nhiều hay ít bởi các xe đã qua sử dụng đây là vị trí mòn nhiều nhất trong số tất cả các vị trí. Đồng thời kiểm tra các cánh cửa bên trong có bị gỉ, cửa kính lên xuống có trơn tru và đều ở cả bốn cánh, độ mòn của vô-lăng và công tắc, ghế lái có bị lún và bẹp so với các ghế còn lại. Nếu có những điểm này xe đã được sử dụng khá nhiều.

Với những xe đời cũ thường dùng chìa khóa thông thường có thể kiểm tra độ mòn của chìa khóa; tra chìa khóa vào ổ bật và tắt xem có trơn tru hay không. 

Có thể ngồi vào xe quay vô lăng sang hai bên hết cỡ kiểm tra xem có phát ra tiếng kêu lạ, kiểm tra hệ thống điều hòa có đảm bảo ở cả hai chiều nóng, lạnh hay không.

Với xe bị ngập nước, kiểm tra bằng việc đóng kín cửa xe xem có mùi ẩm mốc khác lạ, kéo hết cỡ các dây an toàn để xem đoạn dây bên trong có bị ố màu và mốc, nhìn kỹ các khe nhỏ trong xe xem có bùn cát nước bẩn đọng lại mà chủ xe có vệ sinh cũng không hết.

Đặc biệt, xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả hệ thống điện gây ra mối nguy tiềm ẩn trong quá trình sử dụng nên hãy cẩn thận kiểm tra cả các thiết bị điện trên xe xem có bị han gỉ, chập chờn không.

Mở nắp ca-pô xem máy có khô hay bị ẩm do rỉ dầu hoặc dính bùn đất. Lốc máy còn tốt thường là lốc không bị rỉ dầu ở ở phần mặt dưới. Đồng thời kiểm tra dầu máy, nếu có màu cà phê sữa hoặc bạc màu là xe đã bị ngập nước.

Quan sát toàn bộ ốc, bu lông bắt máy, nếu ốc sáng loáng, xước xát, loét cạnh rất có thể xe bị thủy kích phải dỡ toàn bộ máy ra ngoài để làm. Đồng thời kiểm tra các giắc cắm, đường ống dẫn nhiên liệu, dây điện xem đã bị tháo ra chưa, nếu đã tháo và có lau chùi vẫn còn vết dầu mỡ bụi bẩn bám ở vân giắc cắm khó mà lau sạch.

Còn với xe taxi “hoàn lương”, trên nóc xe thường có mào của hãng, xung quanh xe thường dán đề can, trên kính có số xe, phù hiệu và số điện thoại nên khi bóc ra những chỗ này thường mới hơn so với chỗ khác trên xe; trên táp lô bên phải gắn đồng hồ tính tiền thường dán keo rất khó tẩy sạch, hoặc có lỗ khoan bắt đồng hồ nên sẽ có vết chắp vá cần nhìn kỹ để loại trừ xe này.

Với các xe cũ, cần kiểm tra cao su ở 4 chân máy, nếu chân máy bị mòn hoặc gãy khi vận hành sẽ rất ồn và gây hiện tượng giật khi đề pa. Khi khởi động máy, cố nghe xem có tiếng máy có êm hay có tiếng động lạ khác thường phát ra từ động cơ không.

Thử lái xe trên nhiều kiểu địa hình và sử dụng nhiều cấp số khác nhau xem khi vào số có dễ dàng, trơn tru hay không, khi di chuyển phải êm ái, không rung, tiếng máy êm và đều là xe còn tốt.

Khi đã “chốt” được xe, đề nghị chủ xe cho xem giấy tờ liên quan, gồm các giấy đăng ký, đăng kiểm và giấy ủy quyền, bảo hiểm, sổ bảo hành, để kiểm tra sự thống nhất về họ tên, địa chỉ, số khung, số máy của xe.

Trong trường hợp mua xe biển số ngoại thành, cần đề nghị bên bán "Rút hồ sơ gốc” của xe để thuận tiện cho việc sang tên đổi chủ và nộp lại hồ sơ tại địa phương mình sinh sống.

Ngoài ra, người mua xe cũ cũng cần tránh “rước vạ vào thân” khi mua được xe đưa đến trung tâm đăng kiểm để hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ, nhưng bị từ chối thẳng thừng do chủ cũ bị “phạt nguội” nhiều lần có thể do không biết hoặc biết nhưng không chịu nộp phạt. 

Theo đó, người mua xe có thể kiểm tra xem xe mình định mua có bị “phạt nguội” hay không bằng việc tra cứu tại địa chỉ web của Cục Đăng kiểm Việt Nam (www.vr.org.vn). 

Vào mục “Tra cứu kiểm định xe cơ giới” phía bên phải màn hình và nhập biển số xe, mã xác nhận tại màn hình, nếu có “phạt nguội” hệ thống sẽ báo và đề nghị chủ xe thực hiện nghĩa vụ này xong nếu số tiền bị phạt lớn mình mới mua xe./.

Giá xe mới giảm nhanh, xe cũ bị "ghẻ lạnh" tại đô thị, "dè bỉu" ở thôn quê
Không còn độ nóng và được quyền áp đặt giá như cách đây 2 năm, xe cũ có biển và không biển hiện đang trong tình cảnh "chợ chiều". Một trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư