Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Mường Thanh - Điện Biên: Điểm đến du lịch độc đáo, thân thiện của vùng Tây Bắc
Lan Phương - 07/05/2024 08:40
 
Nằm ở cực Tây của đất nước, có diện tích rộng, giàu tài nguyên, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vùng đất Mường Thanh - Điện Biên từng là thủ phủ, trung tâm của vùng Tây Bắc với nhiều lợi thế khác biệt. Đường biên giới dài (hơn 455 km) với nhiều cửa khẩu, lối mở tiếp giáp Lào, Trung Quốc là điều kiện thuận lợi để Điện Biên kết nối kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Ngoài 2 tuyến đường bộ Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ…, Điện Biên còn có đường hàng không kết nối với 2 thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và TP.HCM. Vị trí địa kinh tế, quốc phòng đặc biệt quan trọng trong khu vực Tây Bắc cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ, thương mại, kinh tế cửa khẩu với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và các nước trong tiểu vùng.

Sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt của Điện Biên là du lịch lịch sử - tâm linh. Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng đã để lại cho Điện Biên một quần thể di tích với 45 điểm di tích thành phần, như Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đồi A1, cầu Mường Thanh, hầm Đờ Cát… Đáng chú ý, với sự đầu tư hoàn thiện bức tranh panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan, Điện Biên đã tạo thêm sức hút đối với du khách.

Chia sẻ về kế hoạch của tỉnh Điện Biên trong việc bảo tồn và phát huy lợi thế du lịch, ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ xây dựng quy hoạch chi tiết việc bảo tồn và tôn tạo các di tích của chiến trường Điện Biên Phủ, dự kiến hoàn thiện trong năm nay. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi và tập trung nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, làm mới và sinh động hơn, đưa những thông điệp của chiến thắng lịch sử đến với du khách nhiều hơn…”.

Bên cạnh những di tích lịch sử ghi dấu ấn hào hùng của dân tộc, Điện Biên có 33 di tích văn hóa phi vật thể được xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, tỉnh có 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh là nghệ thuật xòe Thái và di sản thực hành Then.

Ngoài ra, Điện Biên còn có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng gắn với đời sống văn hóa đặc sắc của 18 cộng đồng dân tộc thiểu số là những cư dân bản địa.

Với lợi thế đặc biệt, những năm qua, Điện Biên đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2023 là năm đầu tiên Điện Biên đón 1 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.750 tỷ đồng.

Năm 2024, Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với khẩu hiệu “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”. Từ góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, Điện Biên cần khai thác thêm các sản phẩm du lịch văn hóa, để đem lại trải nghiệm cho du khách khi đặt chân đến mảnh đất lịch sử.

“Không chỉ có điểm nhấn sản phẩm chủ lực là chiến trường Điện Biên Phủ, tại Điện Biên còn có rất nhiều điều để chúng ta khám phá về thiên nhiên, về con người, những làng nghề truyền thống, huyền tích Uva, những suối khoáng nóng kết hợp chăm sóc sức khỏe… Đây là nguồn nguyên liệu rất tốt để Điện Biên đẩy mạnh khai thác, thu hút thêm nhiều khách du lịch”, bà Uyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong thời gian vừa qua, khi xây dựng bản kế hoạch tổng thể để đăng cai Năm Du lịch quốc gia Điện Biên. Tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành và các doanh nghiệp du lịch để hoàn thiện chương trình, đáp ứng nhu cầu của du khách và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như những năm tiếp theo.

Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng; nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15%/năm.

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù thu hút đầu tư phát triển du lịch để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch theo phương châm “biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính”, xây dựng Điện Biên thành điểm đến du lịch độc đáo, thân thiện của vùng Tây Bắc.

Xe đạp thồ - "Vua vận tải" của chiến trường Điện Biên Phủ
Với gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được huy động, Việt Nam đã làm nên được một điều kì diệu mang tên Điện Biên Phủ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư