Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Mỹ - Trung bước vào đàm phán trong tâm thế “khó chịu”
Lê Quân (Reuters, CNN) - 10/10/2019 19:00
 
Sau cuộc gặp thất bại cuối tháng 7, các nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc hôm nay 10/10 lại hội ngộ trong bối cảnh nhiều “khó chịu” và kỳ vọng cuộc đàm phán đạt tiến triển là không nhiều.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Nhà khách Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Ảnh tư liệu: AFP
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Ảnh tư liệu: AFP

Không khí nặng nề

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng 2 quan chức cấp cao của Mỹ là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tiếp tục là những người cầm chịch đàm phán lần này, với mục tiêu hạn chế các bất hòa và tránh khả năng Mỹ tăng thuế quan từ 25%-30% lên 250 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc vào giữa tháng này.

Không khí trước đàm phán trở nên nặng nề do Bộ Thương mại Mỹ ngày 7/10 "liệt" 28 đơn vị của Trung Quốc, gồm: cơ quan an ninh, công ty công nghệ và giám sát an ninh vào danh sách đen, với cáo buộc phía Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với một số nhóm người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương. Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ áp lệnh hạn chế thị thực (visa) đối với quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền trên.

Nếu đàm phán thương mại lần này tiếp tục đổ bể, thì nhiều khả năng tính đến ngày 15/12 hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ với giá trị hơn 500 tỷ USD sẽ vào diện chịu thuế trừng phạt của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 9/10 cho biết tại Sydney rằng thuế quan của Washington đang phát huy “tác dụng”, buộc Bắc Kinh phải chú ý đến những lo ngại của Washington về hoạt động thương mại của Trung Quốc.

“Chúng tôi không thích thuế quan, trên thực tế cũng không muốn dùng đến thuế quan, nhưng sau nhiều năm thảo luận mà không hành động, thuế quan là đòn cuối cùng để buộc Trung Quốc quan tâm đến những lo ngại của Mỹ,” ông Ross nhấn mạnh trong bài phát biểu cho chuyến thăm chính thức tới Australia.

Trước đó, truyền thông quốc tế dẫn khuyến nghị của chuyên gia cho rằng hai bên nên xem xét một thỏa thuận tạm thời và Mỹ cần hoãn kế hoạch tiếp tục đánh thuế lên hàng Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc phải mua thêm nông sản Mỹ.

Tuy nhiên, kiến nghị này bị Tổng thống Donald Trump nhiều lần bác bỏ và tuyên bố “săn” thỏa thuận lớn với Bắc Kinh mà trong đó giải quyết được vấn đề sở hữu trí tuệ - một vấn đề cốt lõi trong tranh chấp Mỹ - Trung.

“Nếu có thể, chúng tôi sẽ đi đến thỏa thuận, đó là cơ hội thực sự tốt.” ông Trump nói với các phóng viên tại Washington hồi giữa tuần. “Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận nhiều hơn tôi",  người đứng đầu Nhà Trắng quả quyết.

Bất đồng giữa hai bên thời gian qua xoay quanh việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời chấm dứt hành vi trộm cắp trên mạng và ép buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Ngoài ra, Washington cũng đề nghị Bắc Kinh hạn chế trợ cấp công nghiệp và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Kỳ vọng giảm sút

 Nhiều quan chức Trung Quốc bị “sốc” và thất vọng trước việc Mỹ "liệt" các công ty công nghệ và giám sát an ninh của Trung Quốc vào danh sách đen và hạn chế visa đối với 1 số quan chức nước này. Họ cho biết hy vọng của Bắc Kinh về tiến triển đàm phán lần này đã giảm đi.

“Tôi chưa bao giờ thấy Trung Quốc phản ứng một cách nhượng bộ với bên thách đấu như vậy”, Scott Kennedy, chuyên gia về thương mại Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington bình luận.

"Điều này càng khiến tôi nghĩ rằng Mỹ có thể đã xác định trước tiến triển (trong đàm phán) là không thể, cho nên 'mọi người' chỉ đang giả bộ hành động cho qua chuyện," ông Kennedy nói.

Căng thẳng Mỹ - Trung mới đây xuất hiện thêm "biến" mới khi phía Trung Quốc chóng vánh cắt đứt quan hệ kinh doanh với Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ sau khi ông Daryl Morey - lãnh đạo đội bóng rổ Houston Rockets thuộc hiệp hội này - đăng tải dòng tweet trên mạng xã hội ủng hộ biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong (Trung Quốc).

Trong một diễn biến được tờ New York Times dẫn nguồn tin riêng cho hay, chính quyền Mỹ sắp có động thái "hạ nhiệt" khi xem xét sớm cấp phép cho một số công ty Mỹ bán hàng hóa “không nhạy cảm” cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc - Huawei Technologies.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này đã không đưa ra chỉ đạo cấp phép trên. Kể từ tháng 5 năm nay, Huawei đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen cấm giao thương, bởi phía Mỹ cáo buộc Huawei có thể dùng thiết bị của mình để theo dõi người dùng. Đáp lại, Huawei luôn miệng phủ nhận cáo buộc này.

Theo CNN, kể từ lần đàm phán thất bại hồi đầu năm, Bắc Kinh ngày càng biểu hiện ít dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ trước các đề nghị mà Tổng thống Trump và các trợ lý của ông đưa ra.

Chiến tranh thương mại đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ tốn kém thêm 34 tỷ USD kể tháng 2/2018, theo phân tích dữ liệu của Tariffs Hurt the Heartland - một liên minh các công ty kinh doanh và thương mại phản đối thuế quan.

Tính riêng tháng 8 vừa qua, người Mỹ đã phải trả thêm 6,5 tỷ USD cho thuế quan, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 8, hãng dịch vụ tài chính lâu đời JP Morgan ước tính, thuế quan trong thương chiến Mỹ - Trung khiến các hộ gia đình Mỹ tốn thêm 1.000 USD mỗi năm.

Thương chiến Mỹ - Trung tác động lớn đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động lớn đến xuất khẩu nông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư