Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Mỹ "đóng cửa" bầu trời với máy bay Nga
Lê Quân - 02/03/2022 16:43
 
Tổng thống Joe Biden hôm 1/3 tuyên bố Mỹ sẽ cấm máy bay Nga bay qua không phận của Mỹ. Lệnh cấm có hiệu lực vào cuối ngày hôm nay 2/3.
Một chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot đỗ bên trong sân bay Sheremetyevo, Moscow. Ảnh: AFP
Một chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot đỗ tại sân bay Sheremetyevo, Moscow. Ảnh: AFP

Tuyên bố trên được nêu trong Thông điệp Liên bang đầu năm của Tổng thống Biden và xuất hiện sau các động thái tương tự của Liên minh châu Âu (EU) và Canada.

"Chúng tôi sẽ cùng các đồng minh tiến hành đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay của Nga - gia tăng cô lập Nga và tăng thêm sức ép - đối với nền kinh tế của họ", ông Biden khẳng định.

Theo đó, Mỹ cấm các máy bay do người Nga sở hữu hoặc đăng ký bay qua không phận Mỹ. Đây là hành động phối hợp trừng phạt mới nhất giữa Mỹ và các đồng minh sau khi Nga tấn công Ukraine.

"Mỹ sát cánh với các đồng minh của mình trên toàn thế giới để đáp lại hành động gây hấn của ông Putin đối với người dân Ukraine", Bộ trưởng Giao thông Mỹ, ông Pete Buttigieg nêu trong một tuyên bố hôm 1/3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã trả đũa lệnh cấm của châu Âu bằng cách hủy các chuyến bay của các hãng hàng không châu Âu qua lãnh thổ Nga.

Đêm 1/3, Tổng thống Biden đã triệu tập các đồng minh và đánh giá về các biện pháp trừng phạt kinh tế chung được áp dụng đối với nền kinh tế Nga.

"Chúng tôi đang loại các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế (SWIFT - BTV)", ông Biden nói. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng: "Ông Putin hiện đang bị cô lập với thế giới hơn bao giờ hết", đồng thời nhấn mạnh các biện pháp trả đũa nhằm phản ứng cuộc tấn công Ukraine của Điện Kremlin.

Tổng thống Biden cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ khiến "ngân sách chiến tranh trị giá 630 tỷ USD của ông Putin trở nên vô giá trị" bằng cách ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga bảo vệ đồng rúp.

"Chúng tôi đang chặn đứng khả năng tiếp cận của Nga với công nghệ, làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quân đội của nước này trong nhiều năm tới", Tổng thống Mỹ nói.

Về phía Ukraine, sau khi kêu gọi các nhà lập pháp EU cho nước này gia nhập liên minh 27 thành viên, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Biden về nỗ lực kiềm chế sự tấn công của Nga. Cuộc trao đổi diễn ra trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở một số thành phố của Ukraine và một đoàn xe khổng lồ của Nga đang tiến về thủ đô Kyiv. Chính phủ Ukraine cho biết một cuộc tấn công đã phá hủy một tháp truyền hình ở Kyiv.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao và đại sứ phương Tây đã phản ứng ra mặt bằng cách rời khỏi cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 1/3 ngay khi bài phát biểu ghi hình sẵn của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov được phát. Một số quan chức dự cuộc họp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã lên án cuộc tấn công Ukraine của Điện Kremlin là vi phạm luật pháp quốc tế.

Chiến sự ở Ukraine vẫn nóng rát, Nga đối diện các lệnh trừng phạt chồng chất
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bước sang ngày thứ 6 và Lầu Năm Góc nhận định rằng Điện Kremlin vẫn đặt thủ đô Kyiv của Ukraine vào tầm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư