Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mỹ giáng thêm đòn lên Ngân hàng Trung ương Nga
Lê Quân - 01/03/2022 13:01
 
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nghiêm cấm người Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào với Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời đóng băng tài sản của ngân hàng này tại Mỹ.
Trụ sở ngân hàng Trung ương Nga tại Moscow. Ảnh: AFP
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moscow. Ảnh: AFP

Đây là những biện pháp trừng phạt bổ sung mà chính quyền Tổng thống Biden hôm 28/2 công bố áp dụng đối với Ngân hàng Trung ương Nga. Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào Quỹ tài sản quốc gia Nga và Bộ Tài chính Nga.

Một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. "Chúng tôi muốn thực hiện những hành động này trước khi thị trường của chúng tôi mở cửa, bởi những gì chúng tôi nhận thấy cuối tuần qua từ các đồng minh và đối tác của chúng tôi là Ngân hàng Trung ương Nga đang cố gắng chuyển bớt tài sản và từ sáng thứ 2 (ngày 28/2 - BTV) sẽ có rất nhiều tài sản bắt đầu 'bốc hơi' từ các tổ chức trên khắp thế giới", quan chức Mỹ cho biết trong một cuộc trao đổi với báo giới.

Vị này nhấn mạnh: "Nói một cách đơn giản là chiến lược của chúng tôi khiến cho nền kinh tế Nga thụt lùi khi Tổng thống Nga Putin quyết định tiến hành cuộc tấn công Ukraine".

Mỹ cũng sẽ bổ sung ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) do chính phủ Nga thành lập, vào danh sách bị trừng phạt cùng một số nhân vật lãnh đạo quỹ này.

Quan chức Mỹ cho biết Washington hy vọng các đồng minh của mình sẽ thực hiện các động thái tương tự trong những ngày tới.

Động thái nhắm vào Ngân hàng Trung ương Nga diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh tuyên bố vào cuối tuần trước rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế theo cách làm suy yếu các lệnh trừng phạt.

Một quan chức cấp cao khác của chính quyền Mỹ đánh giá: "Không quốc gia nào có thể chống lại các lệnh trừng phạt và dự trữ ngoại tệ trị giá 630 tỷ USD của ông Putin chỉ có ý nghĩa nếu ông ấy có thể sử dụng chúng để bảo vệ đồng tiền của nước này".

Trong vài tuần trở lại đây, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh tay đối với Nga, trong một nỗ lực thống nhất nhằm gây áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.

Những biện pháp trừng phạt đó - do Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ áp đặt - đã khiến thị trường Nga chao đảo. Đồng rúp của Nga hôm qua 28/2 trượt giá kỷ lục hơn 20% xuống mức 111 rúp đổi 1 đô la Mỹ, từ mức 83 rúp "ăn" 1 đô la Mỹ vào ngày 25/2. Đây là một trong những mức trượt giá sâu nhất trong một ngày của đồng rúp từ trước đến nay.

Cùng ngày 28/2, Ngân hàng Trung ương Nga đã lập tức vào cuộc để cứu đồng rúp bằng việc tăng gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%. Động thái này được thiết kế nhằm giữ chân những người tiết kiệm yên tâm cất tiền mặt trong các ngân hàng Nga trong bối cảnh phương Tây và các đồng minh của họ tiến tới cô lập các tổ chức cho vay lớn nhất của Nga với thị trường quốc tế.

Cuối tuần trước, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và Canada đã thống nhất loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, một bước đi bất thường nhằm chia cắt Nga với phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu.

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập vào năm 1973, SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là hệ thống liên lạc cho phép các ngân hàng tham gia chuyển tiền cho nhau, SWIFT sử dụng các mã an toàn, được tiêu chuẩn hóa cho phép các tổ chức gửi và nhận thông tin, chẳng hạn như hướng dẫn chuyển tiền qua biên giới.

Việc Moscow bị loại khỏi SWIFT đồng nghĩa các ngân hàng Nga sẽ không thể liên kết an toàn với các ngân hàng bên ngoài biên giới nước này. Trước Nga, Iran cũng bị loại khỏi SWIFT vào năm 2014 sau những nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân của Tehran.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Vương quốc Anh, Canada, và Mỹ cũng đã lên kế hoạch hạn chế việc cấp cái gọi là "hộ chiếu vàng". Quan chức Mỹ chỉ trích việc cấp "hộ chiếu vàng" là một lỗ hổng giúp những nhân vật giàu có của Nga kết nối với Điện Kremlin để trở thành công dân ở các quốc gia khác và tiếp cận một số hệ thống tài chính nhất định.

"Chúng tôi sẽ săn lùng du thuyền, căn hộ sang trọng, tiền bạc và khả năng đưa con cái của họ đến các trường học sang trọng ở phương Tây", vị quan chức giấu tên của Mỹ cho biết.

Một ngày trước khi quyết định loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, Mỹ cùng Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu hôm 25/2 công bố các lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. 

Các ngân hàng Nga xoay sở ra sao sau đòn chí mạng SWIFT
SWIFT xử lý 42 triệu lượt kiều hối mỗi ngày, trong đó phía Nga chiếm 1,5%. Về giao dịch ngoại hối, các tổ chức tài chính Nga mỗi ngày xử lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư