Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chiến sự ở Ukraine vẫn nóng rát, Nga đối diện các lệnh trừng phạt chồng chất
Lê Quân - 01/03/2022 20:12
 
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bước sang ngày thứ 6 và Lầu Năm Góc nhận định rằng Điện Kremlin vẫn đặt thủ đô Kyiv của Ukraine vào tầm ngắm.
Xe bộ binh Nga bị phá hủy ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine vào ngày 28/2/2022. Ảnh: AFP
Xe bộ binh Nga bị phá hủy ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vào ngày 28/2/2022. Ảnh: AFP

Phát biểu trên đài CNBC, một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết Nga đang "đặt nặng vấn đề" tên lửa và các loại vũ khí hạng nặng khác. Trong khi đó, lực lượng phòng thủ Ukraine vẫn tiếp tục bám trụ trấn giữ các thành phố lớn, chống đỡ các cuộc giao tranh tàn khốc và duy trì quyền chỉ huy tập trung các đơn vị quân đội của họ.

Một đoàn xe khổng lồ của Nga đang hướng đến Kyiv

Nga dường như đang triển khai ý đồ tấn công Ukraine khi hình ảnh vệ tinh cho thấy một đoàn xe khổng lồ nối dài khoảng 65 km, gồm các phương tiện quân sự của Nga, đang tiến về thủ đô Kyiv của Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies (Mỹ) chụp lại hôm 28/2 cho thấy một đoàn xe tăng và xe tải bọc thép của Nga trải dài từ Pybirsk, cách phía bắc thủ đô Kyiv, đến sân bay Antonov (hay được gọi là sân bay Hostemel - nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa lực lượng của Nga và Ukraine vào tuần trước) ở vùng ngoại ô phía Đông Bắc của Kyiv. Cần lưu ý rằng tình hình ở Ukraine đang diễn biến nhanh chóng và hiện tại có thể khác với những gì được thấy trong ảnh vệ tinh.

Các nguồn tin chính thức chưa xác nhận sự tồn tại của đoàn xe trên, nhưng đã xuất hiện những lo ngại rằng Nga đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Kyiv sau liên tiếp các cuộc giao tranh xảy ra ở ngoại ô.

Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố trên đài CNBC rằng nước này sẽ không "đầu hàng" Nga. Khả năng các lực lượng vũ trang và dân thường của Ukraine có thể chống chịu trước một cuộc tấn công lớn trong những ngày tới là điều không thể đoán trước.

Thảo luận việc Ukraine gia nhập EU

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen vào chiều nay 1/3 (giờ địa phương) để thảo luận về khả năng đưa Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Ông Piotr Muller, người ngôn viên của chính phủ Ba Lan, hôm nay cho biết trên Twitter rằng các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Ba Lan và EU sẽ tập trung vào "hỗ trợ có hệ thống cho Ukraine trong bối cảnh nước này trở thành thành viên của EU".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm qua 28/2 đã đề nghị EU cho nước này gia nhập liên minh này ngay lập tức theo một quy trình thủ tục đặc biệt.

Ba Lan, Slovenia, và Lithuania đều cho rằng quá trình để Ukraine gia nhập EU cần được đẩy nhanh bằng cách cấp cho Ukraine tư cách ứng viên, một dạng công nhận chính thức đối với một quốc gia muốn gia nhập EU và đang thực hiện những cải cách cần thiết để trở thành một thành viên.

Tuy nhiên, một quan chức EU cho rằng "những việc này là thủ tục rất dài và phức tạp, nên rất khó để hỗ trợ Tổng thống Zelenskyy ngay lập tức".

Tăng trưởng kinh tế Anh bị vạ lây

Các chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn tài chính Credit Suisse vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Vương quốc Anh do ảnh hưởng từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Trong một thông cáo ban hành hôm 28/2, Credit Suisse hạ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2022 của Vương quốc Anh từ 4,3% xuống 4,0%, nhưng lại nâng dự báo lạm phát năm 2022 của quốc gia này từ 6,3% lên 6,7%.

"Tác động chính mà cuộc tấn công có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Vương quốc Anh là đẩy giá năng lượng tăng cao hơn", hai chuyên gia Sonali Punhani và Neville Hill của Credit Suisse chung nhận định. Họ cũng cho rằng giá xăng tăng cao trong vài tháng qua đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Anh.

Trước khi Nga tấn công Ukraine, Anh đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt leo thang do lạm phát và chi phí năng lượng tăng cao. "Cuộc tấn công làm tăng nguy cơ đẩy hóa đơn gas tiêu dùng tăng trở lại vào tháng 10/2022, khi Ofgem [Cơ quan quản lý năng lượng Anh] cập nhật mức trần phí năng lượng một lần nữa, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ép giá sinh hoạt", các chuyên gia Credit Suisse cảnh báo. "Điều này có nghĩa là thu nhập thực tế của người tiêu dùng Anh có thể giảm gần 2,5% trong năm 2022… nếu mức giá năng lượng này được duy trì".

Làn sóng trừng phạt dâng cao

Ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đưa ra các biện pháp trừng phạt riêng để phản đối hoặc lên án việc Nga tấn công Ukraine.

Ba "ông lớn" ngành giải trí gồm: Warner Bros, Sony Pictures và Walt Disney cùng tuyên bố sẽ ngừng, hủy hoặc hoãn ra mắt phim tại Nga trong một phản ứng trước tình hình chiến sự leo thang tại Ukraine. Ba tập đoàn này công bố quyết định trên vào tối qua 28/2 khi quân đội Nga tiếp tục tấn công các thành phố ở Ukraine. Xung đột vẫn tiếp tục và hàng nghìn người Ukraine buộc phải sơ tán ra khu vực biên giới.

Trước đó, một loạt doanh nghiệp châu Âu và Mỹ cũng tuyên bố rời Nga hay chấm dứt quan hệ làm ăn với thị trường này. Tập đoàn năng lượng BP, Ngân hàng HSBC và Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap là ba doanh nghiệp mới ghi tên vào danh sách ngày càng dài các doanh nghiệp châu Âu muốn "dứt áo" với thị trường Nga.

BP, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, tuyên bố sẽ thoái vốn 20% cổ phần tại Rosneft (công ty dầu khí do chính phủ Nga kiểm soát) với mức giá 25 tỷ USD. Tập đoàn năng lượng này cũng quyết định cắt giảm một nửa dự trữ dầu khí và giảm 1/3 sản lượng. Quyết định bất ngờ này của BP khiến các nhà đầu tư phương Tây đang có cổ phần trong các dự án dầu khí ở Nga, chẳng hạn như Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ), TotalEnergies (Pháp) và Shell (Anh), phải suy xét.

Tương tự, Equinor - công ty năng lượng do nhà nước Na Uy sở hữu đa số - cho biết họ sẽ bắt đầu thoái vốn trong các liên doanh ở Nga, còn Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy hay còn gọi là Quỹ hưu trí chính phủ Na Uy cũng sẽ bán tài sản ở Nga, trị giá khoảng 25 tỷ Krone Na Uy (tương đương 2,8 tỷ USD). Trong khi đó, Quỹ đầu tư quốc gia Australia cũng thông báo sẽ thu hẹp hợp tác với các công ty niêm yết ở Nga.

Ngân hàng HSBC (Vương quốc Anh) vừa lên tiếng cho biết họ sẽ bắt đầu cắt đứt quan hệ với một loạt ngân hàng Nga, bao gồm cả VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga và là một trong những ngân hàng trong diện bị phương Tây trừng phạt.

Tuần trước, hãng sản xuất lốp ô tô Nokian Tires cho biết doanh nghiệp này đang chuyển một số hoạt động sản xuất từ Nga - nơi họ đặt nhà máy và nhà xưởng - sang Phần Lan; đồng thời rút lại dự báo kết quả kinh doanh năm 2022.

Giá trị của hãng hàng không Phần Lan Finnair "bay hơi" mất 1/5 sau khi công ty này rút lại công bố triển vọng kinh doanh năm 2022 sau khi các quốc gia châu Âu và Canada thực hiện các biện pháp mạnh tay chưa từng có là đóng cửa không phận đối với các máy bay Nga. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết Washington cũng đang xem xét một động thái tương tự.

Cũng trong lĩnh vực hàng không, Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap (Ireland), đơn vị cung ứng khoảng 5% đội bay cho các hãng hàng không Nga, vừa quyết định sẽ ngừng cho Nga thuê máy bay. Còn Công ty cho thuê hàng không châu Á BOC Aviation cho biết hầu hết các máy bay của họ ở Nga, chiếm khoảng 4,5% đội bay của họ, sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Trong một động thái liên quan, hai đại gia ngành logistics thế giới mang quốc tịch Mỹ là UPS và FedEx cho biết họ đang tạm dừng giao hàng đến Nga và Ukraine.

Mỹ cũng có thêm hai "ông lớn" ngành thanh toán Mastercard và Visa hướng ứng trừng phạt Nga. Giám đốc điều hành Mastercard Michael Miebach cho biết công ty này đã đưa nhiều tổ chức tài chính ra khỏi mạng lưới thanh toán của mình theo các lệnh trừng phạt.

Trong một tuyên bố tối 28/2, Giám đốc điều hành Mastercard cho biết công ty này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt. Visa cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự với cam kết sẽ nhanh chóng tuân thủ các biện pháp trừng phạt.

Cuối tuần trước, Mỹ, EU, Vương quốc Anh và Canada cùng thống nhất loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Hôm qua 28/2, chính quyền Mỹ tiếp tục giáng thêm đòn trừng phạt lên Ngân hàng Trung ương Nga, bằng việc tuyên bố cấm người Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào với Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời đóng băng tài sản của ngân hàng này tại Mỹ. Các biện pháp trừng phạt bổ sung cũng nhắm vào Quỹ tài sản quốc gia Nga và Bộ Tài chính Nga.

Một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. "Nói một cách đơn giản là chiến lược của chúng tôi khiến cho nền kinh tế Nga thụt lùi khi Tổng thống Nga Putin quyết định tiến hành cuộc tấn công Ukraine", vị này nói với báo giới.

Nga còn cửa kiểm soát vốn, hỗ trợ đồng rúp

Ông Craig Chan, Trưởng bộ phận chiến lược hối đoái toàn cầu tại Công ty chứng khoán Nomura Securities nhận định, Nga đang cố gắng kiểm soát mức trượt giá của đồng rúp và có thể tiến hành "bước đi mạnh mẽ" là thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát vốn nếu nước này không thể tiếp cận với nguồn vốn ngoại tệ.

Moscow đã thực hiện động thái đó, nhưng "rõ ràng là cần nhiều không gian hơn thế", ông Craig Chan nói. "Tôi nghĩ rằng đó sẽ là thứ có thể đem lại một chút hỗ trợ cho đồng rúp".

Đồng rúp hôm 28/2 đã rớt giá lịch sử và giao dịch ở mức 119 rúp đổi 1 USD trước khi đà giảm được ghìm lại. Ngay trong ngày, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% để trợ lực cho đồng rúp.

Tiền ảo là "cửa thoái hiểm"?

Nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius, đối tác sáng lập Quỹ đầu tư Mobius Capital Partners, quả quyết rằng nếu không có Bitcoin, người Nga sẽ gặp "rắc rối". Bitcoin lên giá 10% trong ngày giao dịch 28/2 khi Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tiếp "dội" đòn trừng phạt lên các tổ chức cho vay của Nga. Ông Mark Mobius lý giải, sở dĩ giá Bitcoin bật lên 10% là do người Nga lao vào mua đồng tiền ảo này.

Đối tác sáng lập Quỹ đầu tư Mobius Capital Partners cho rằng nếu không có Bitcoin, người Nga sẽ "thực sự gặp rắc rối vì các con đường khác để chuyển tiền ra ngoài bị chặn". "Tôi có thể nói rằng đó là lý do tại sao Bitcoin lại tăng giá như vậy - bởi vì người Nga có cách để rút tiền, lấy tài sản của họ ra", ông Mark Mobius nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty nghiên cứu blockchain TRM Labs, thị trường tiền ảo không cấp đủ thanh khoản giúp Nga né các lệnh trừng phạt từ bên ngoài, bởi lẽ tiền ảo không được sử dụng rộng rãi "đến mức đi đâu cũng có thể giải quyết vấn đề trừng phạt".

Ông Ari Redbord, Trưởng bộ phận pháp lý và chính phủ tại TRM Labs lưu ý: "Nga sẽ mua vào tiền ảo, sau đó bán nó để lấy 'tiền tệ truyền thống, sử dụng thuận tiện hơn (tiền pháp định - BTV)' và bơm tiền cho chiến tranh". 

Thế nhưng, tính thanh khoản của tiền ảo không phải là vấn đề dễ giải quyết. Phần lớn thanh khoản ở các sàn giao dịch tiền ảo lớn đều phải tuân thủ "các biện pháp kiểm soát chặt chẽ" để theo dõi các giao dịch và phát đi cảnh báo về những giao dịch đáng ngờ.

Doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường Nga
Tập đoàn năng lượng BP, Ngân hàng HSBC và Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap vừa điền tên vào danh sách ngày càng dài các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư