Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 04 năm 2025,
Mỹ phẩm OHUI PRIME bị tố không nhãn phụ, không hóa đơn
D.Ngân - 18/04/2025 14:24
 
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản số 1076/QLD-MP gửi Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội và Sở Công Thương TP.Hà Nội, liên quan đến đơn tố cáo về hành vi kinh doanh mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo nội dung đơn tố cáo của công dân Vũ Ngọc Hoàn, gửi ngày 25/3/2025 và được Cục Quản lý Dược tiếp nhận ngày 2/4/2025, bà Chu Thanh Huyền bị tố cáo bán bộ mỹ phẩm nước hoa hồng OHUI PRIME (xuất xứ Hàn Quốc) không có nhãn phụ tiếng Việt, không xuất hóa đơn bán hàng. Đơn cũng nêu dấu hiệu bà Huyền tiêu thụ hàng nhập lậu và có thể có hành vi trốn thuế.

Người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua sắm mỹ phẩm, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi các sản phẩm không rõ nguồn gốc dễ dàng được giao dịch.

Căn cứ vào Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ và Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, Cục Quản lý Dược đã chuyển đơn tố cáo (bản chính) đến Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội và Sở Công Thương TP.Hà Nội để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các đơn vị liên quan thông báo kết quả xử lý vụ việc về cho Cục và người tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng xem xét làm rõ.

Thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Các cơ quan chức năng đã thu hồi, tiêu hủy nhiều sản phẩm mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube để phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm.

Trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam ngày càng sôi động, việc buôn bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, không công bố chất lượng, thậm chí giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã và đang là vấn đề nhức nhối.

Các hành vi như vậy không chỉ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mà còn đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của người sử dụng. Việc các cơ quan chức năng như Cục Quản lý Dược tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì thị trường lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua sắm mỹ phẩm, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi các sản phẩm không rõ nguồn gốc dễ dàng được giao dịch.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hoặc hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ các thông tin về nhãn mác, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, và các chứng từ hợp lệ của sản phẩm. Ngoài ra, cần yêu cầu xuất hóa đơn, chứng từ hợp lệ khi mua hàng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư