Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Mỹ tuyên bố xả kho 30 triệu thùng, giá dầu vẫn tăng lên 110 USD
Lê Quân - 02/03/2022 11:16
 
Giá dầu thô dự báo sẽ tiếp tục tăng chóng mặt sau khi dầu thô Mỹ đêm qua 1/3 cán mốc giá cao nhất kể từ năm 2013 với 109 USD/thùng, còn dầu Brent đã đạt ngưỡng 110 USD/thùng.
Mỹ và các quốc gia thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã tuyên bố giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ. Ảnh: AFP
Mỹ và các quốc gia thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã tuyên bố giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ. Ảnh: AFP

Thị trường dầu mỏ nóng rực kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Giới giao dịch đang kỳ vọng vào những điều chỉnh sản lượng tháng 4 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, trong đó có Nga, sau cuộc họp ngày 2/3.

Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ đã tăng hơn 5% lên mức 109,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013, trong khi giá dầu thô Brent vọt lên 5,6% và chạm mức 110,84 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2014.

"(Đà tăng giá - BTV) không có quãng nghỉ. Đây là thời điểm quan trọng đối với thị trường dầu mỏ, với thế giới, và với nguồn cung", ông John Kilduff, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn đầu tư Again Capital, nhận xét. "Rõ ràng thế giới sẽ đứng lên đối phó Nga bằng cách cấm cửa hoạt động xuất khẩu dầu của họ", ông John Kilduff nói, nhưng lưu ý rằng Nga là nguồn cung dầu mỏ mà thị trường không thể thiếu.

Lần đầu tiên kể từ năm 2014, cả dầu WTI và Brent đều vượt mốc giá 100 USD/thùng vào giữa tuần trước sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, khiến thị trường lo ngại nguồn cung vốn đã eo hẹp rơi vào thiếu hụt trầm trọng.

Ông Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Công ty tư vấn giao dịch ngoại hối Oanda cho rằng: "Đà tăng giá dầu thô sẽ không thể ngừng lại do nguồn cung thị trường dầu mỏ vốn rất eo hẹp có thể sẽ gặp rủi ro hơn nữa khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ". "Giá dầu thô Brent có thể leo lên mốc 120 USD nếu xuất hiện khả năng các lệnh trừng phạt sẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga".

Hôm qua 1/3, các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố kế hoạch giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ trong một nỗ lực kéo hãm đà tăng giá dầu. Đáng chú ý, Mỹ cam kết xuất kho 30 triệu thùng dầu. Dẫu vậy, tuyên bố này đã không thể "hạ nhiệt" thị trường dầu mỏ.

"Chúng tôi không coi đây là sự cứu trợ đầy đủ (đối với thị trường dầu mỏ - BTV)", Tập đoàn đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs bình luận. Tập đoàn này cho rằng, việc kìm hãm, hạn chế nhu cầu dầu mỏ thông qua giá dầu tăng cao giờ đây thể là cơ chế tái cân bằng thị trường hữu hiệu và duy nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu WTI và dầu Brent đều đã tăng hơn 40%. Nguyên nhân chính được chỉ ra là nhu cầu dầu mỏ đã phục hồi mạnh mẽ trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế do OPEC và các đồng minh chỉ nhích dần sản lượng ra thị trường sau khi cắt giảm nguồn cung kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020. Gần đây, OPEC và các đồng minh tăng thêm sản lượng lên 400.000 thùng mỗi ngày trong tháng.

Nga hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí chủ chốt cho thị trường toàn cầu. Riêng với châu Âu, Nga vẫn là nhà cung cấp khí tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất cho thị trường này trong hai năm vừa qua, với nguồn cung trên 40%.

Cho đến nay, ngành công nghiệp năng lượng của Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt tài chính đang nhằm vào Nga khiến một số nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với các sản phẩm năng lượng từ Moscow.

Thị trường chứng khoán và biến số giá dầu
Lần đầu tiên sau 6 năm rưỡi, dầu Brent vượt mốc 96 USD/thùng. Giá dầu đang là một trong những tâm điểm được chú ý trên thị trường quốc tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư