Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Năm 2022, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông
Việt Dũng - 30/12/2021 16:46
 
Trong năm 2022, Ban Giao thông TP.HCM sẽ trình phê duyệt dự án và điều chỉnh 38 dự án; Khởi công và thi công 42 dự án; Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 38 dự án.

Ngày 30/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, trong năm 2021, Ban Giao thông đã hoàn thành thủ tục phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán (TKBVTC-DT) 07 dự án; Hoàn thành thủ tục khởi công 07 gói thầu, dự án; Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 19 gói thầu, dự án; Phê duyệt dự án 01 dự án; Phê duyệt chủ trương đầu tư công 02 dự án; Tiếp tục thi công tại công trường 32 dự án; Phê duyệt Quyết toán dự án hoàn thành 13 dự án (05 dự án hoàn thành và 08 dự án đã trình quyết toán Sở Tài chính).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông báo cáo tại Hội nghị
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông báo cáo tại Hội nghị

Theo ông Lương Minh Phúc, so với các mục tiêu đề ra, các kết quả đạt được đều thấp hơn mục tiêu đã đặt ra. Lý do là năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa 2 trung hạn (2015-2020) và (2021-2025). Hơn nữa, nguồn vốn trung hạn năm 2021 - 2025 rất hạn chế nên đã có 30 dự án phải dừng, giãn tiến độ, không được bố trí vốn trung hạn, không thể duyệt TKBVTC-DT và khởi công.

Đồng thời, có 10 dự án tại các địa phương không thể bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cam kết, không được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư… Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 với thời gian giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ công tác phê duyệt dự án, phê duyệt TKBVTC-DT, bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công và quyết toán hoàn thành dự án.

“Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, về phía chủ quan, Ban Giao thông nhận thấy cần phải sáng tạo hơn, quyết liệt hơn và chủ động hơn trong quá trình triển khai dự án theo các mục tiêu đã đề ra. Ban Giao thông sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này khi được bổ sung vốn trung hạn và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2022”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Thông tin về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, tập thể Ban Giao thông sẽ tập trung hoàn thành 5 mục tiêu, nhiệm vụ chính như: Huy động tổng hợp các nguồn lực, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Tiếp tục xây dựng Ban Giao thông ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Tập trung phát triển các dự án giao thông mới theo quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt…

Về chỉ tiêu năm 2022, đại diện Ban Giao thông cho biết, sẽ tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Cụ thể như: Trình phê duyệt dự án và điều chỉnh 38 dự án (18 dự án phê duyệt, 20 dự án điều chỉnh); Khởi công 16 gói thầu, dự án; Thi công hoàn thành 26 dự án, gói thầu; Quyết toán 30 gói thầu, dự án đã hoàn thành; Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 38 dự án.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Lương Minh Phúc, để có thể đạt được các mục tiêu trên, tập thể Ban Giao thông sẽ tập trung triển khai 22 nhóm giải pháp, chương trình hành động. Trong đó, kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục duy trì chế độ họp giao ban ít nhất 2 tuần 1 lần với Ban Giao thông để chỉ đạo, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiến độ các công trình giao thông trọng điểm.

Kiến nghị HĐND, UBND TP.HCM xem xét ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của thành phố. Đặc biệt là bổ sung vốn trung hạn 2021 - 2025 các dự án đã được phê duyệt, đủ điều kiện hiện đang chờ nguồn vốn để khỏi công xây dựng.

Kiến nghị UBND Thành phố, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng các Sở, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ Ban Giao thông để đây nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trên địa bàn Thành phố.

Kiến nghị UBND Thành phố và các Sở, Ngành liên quan hỗ trợ Ban sớm được bố trí 1 trụ sở làm việc tập trung cho tập thể Ban trong năm 2022…

“Tập thể Ban Giao thông tin tưởng với thuyền thống ‘đoàn kết, sáng tạo, đi đầu, vượt khó’ của đơn vị, với những thành tựu đạt được trong những năm qua cùng với niềm tin, ý thức trách nhiệm trong công việc của từng cán bộ công nhân viên cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo cấp trên. Ban Giao thông sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ công tác đã đề ra trong năm 2022”, ông Lương Minh Phúc nói.

Phát biểu tại Hôi nghị, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đánh giá cao kết quả mà Ban Giao thông đã đạt được trong năm qua. Cụ thể, trong năm 2021, dù Thành phố thực hiện giãn cách thời gian dài nhưng Ban Giao thông vẫn đảm bảo tiến độ và hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Thành phố; tỷ lệ giải ngân cũng đạt trên 95%.

Tuy nhiên, trong năm 2022 sẽ là một năm cần chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án. Vì vậy, Ban Giao thông phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành và các địa phương để theo sát tiến độ từng dự án. Đặc biệt, phải lưu tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý dự án...

TP.HCM: Dự án nào cũng khát vốn
Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM ước khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương chỉ đáp ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư