Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Năm 2025, Trường đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp còn 15%
Hưng Anh - 02/07/2024 21:28
 
Thông báo chính thức từ Trường đại học Kinh tế Quốc dân, sẽ chỉ còn tuyển sinh 15% bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Bên cạnh đó nhiều trường cũng giảm dần tỉ lệ đầu vào bằng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp này.

Các trường rục rịch thông báo giảm tỷ lệ tuyển đầu vào bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm đầu vào tại các trường đại học trong nhiều năm nay vốn là lựa chọn hàng đầu và tối ưu nhất. Tuy nhiên sau mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường đã rục rịch ra thông báo thay đổi phương án tuyển sinh bắt đầu mùa thi năm 2025.

Cụ thể: Trường  đại học Kinh tế Quốc dân có sự điều chỉnh như sau:

Phương thức xét tuyển thẳng: Chiếm 2% chỉ tiêu như năm 2024.

Phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024).

Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024).

Ngày hội tuyển sinh tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường giữ ổn định 3 nhóm tuyển sinh: nhóm 1 các thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT) là 5% chỉ tiêu.

Nhóm 2 các thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của 2  đại học quốc gia hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (48% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024).

Nhóm 3 các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh (30%).

Đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường  đại học Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là trường đầu tiên công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 ở khu vực phía Bắc.

Về cơ bản, có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024 không khác so với năm 2023 với những phương thức quen thuộc như: Xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác…

Do tự chủ tuyển sinh nên các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, giảm dần phụ thuộc vào kết quả kì thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ đề xuất các trường ĐH tăng chỉ tiêu xét tuyển đối với phương thức sử dụng kết quả kì thi này.

Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh của các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH tốp trên đang giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này. Ví dụ, năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 18% chỉ tiêu xét phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT; Trường ĐH Ngoại thương dành 20% chỉ tiêu; ĐH Bách khoa Hà Nội dành 50% chỉ tiêu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng đến xét tốt nghiệp và giảm độ phân hoá

Các trường có xu hướng giảm dần xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nguyên nhân được cho rằng do kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hướng đến mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đã giảm độ phân hóa so với trước đây.

 Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay vẫn giữ 50% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng xét trong từng ngành cụ thể lại có sự khác biệt. Có một số ngành tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT rất thấp, chỉ 5% đến 10%. Đó là những ngành năm 2023 có mức điểm chuẩn xét tuyển tài năng ở mức rất cao, hoặc năm nay có số hồ sơ tăng vọt.

Có sự phân hoá rõ ràng giữa tỷ lệ tuyển sinh bằng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ví dụ: Tiêu biểu là ngành IT1 (Khoa học máy tính), chỉ tiêu kết quả thi tốt nghiệp THPT là 15 (5%), trong khi toàn bộ chỉ tiêu của ngành này là 300. Phần rất lớn (80%) chỉ tiêu ngành này được phân bổ cho phương thức xét tuyển tài năng (240 chỉ tiêu);15% còn lại (45 chỉ tiêu) được phân bổ cho phương thức xét tuyển theo điểm đánh giá tư duy.

Ngành IT-E10 (Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo - chương trình tiên tiến) lấy 100 chỉ tiêu, cũng chỉ dành 5% chỉ tiêu cho xét kết quả tốt nghiệp THPT, 80% cho xét tuyển tài năng, 15% cho đánh giá tư duy. IT2 (Kỹ thuật máy tính) thì tỉ lệ dành cho xét kết quả tốt nghiệp THPT là 10% (20 chỉ tiêu), cho xét tuyển tài năng là 75% (150 chỉ tiêu).

Tỉ lệ giữa việc tuyển sinh đầu vào bằng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT rõ ràng thấp hơn hẳn so với các hình thức tuyển sinh khác. Điều này đáng báo động đối với Bộ GD&ĐT khi nhiều ý kiến cho rằng vai trò của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày một giảm dần.

Theo thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non quy định trách nhiệm của cơ sở đào tạo là từ năm 2023 xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đồng nghĩa với việc các trường hoàn toàn có thể tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, quan trọng đảm bảo các điều kiện, yếu tố kèm theo về chất lượng thí sinh đầu vào.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư