Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nắm bắt xu hướng tiêu thụ đồ uống cao cấp tại Việt Nam
Nhung Bùi - 11/08/2023 17:03
 
Việt Nam có thể gia tăng nguồn thu ngân sách và tạo nhiều tác động lan tỏa khi đồ uống cao cấp là một phần quan trọng trong tổ hợp sản phẩm và dịch vụ của một điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Xu hướng "cao cấp hóa" trong thưởng thức đồ uống

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam một tuần gần đây, ông Mark Kent, cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam (2007-2010), Chủ tịch Hiệp hội Whisky Scotland, đã tiết lộ thông tin bất ngờ: Năm 2022, giá trị xuất khẩu trực tiếp của rượu cao cấp Scotch Whisky vào Việt Nam tăng hơn 370% so với 2019, bất chấp những diễn biến từ đại dịch.

Cũng vào năm 2022, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 24 của Scotch Whisky, với trị giá 74 triệu bảng Anh.

“Trong 4 năm qua, lượng rượu Scotch Whisky xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng gấp đôi, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng gấp 4 lần. Điều này cho thấy rõ người tiêu dùng tại Việt Nam đang chuyển sang các loại đồ uống cao cấp, họ uống ít đi nhưng uống ngon hơn”, cựu Đại sứ Mark Kent khẳng định.

Ông Mark Kent, cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam (2007-2010), Chủ tịch Hiệp hội Whisky Scotland.

Những thông tin ông Mark Kent đưa ra cũng có nhiều điểm tương đồng với báo cáo về tác động kinh tế của ngành rượu vang và rượu mạnh quốc tế tại khu vực Đông Nam Á, do Oxford Economics công bố gần đây.

Theo đó, xu hướng sử dụng các loại đồ uống cao cấp đang nở rộ trên toàn cầu. Năm 2021, lượng rượu vang bán ra trên toàn cầu giảm 2%, trong khi giá trị vẫn tăng 5%. Điều này thể hiện người tiêu dùng đang chuyển sang các nhóm đồ uống cao cấp hơn, tập trung nhiều vào mặt trải nghiệm.

Tại Việt Nam, theo báo cáo, bia vẫn là loại đồ uống chính, chiếm hơn 98% tổng khối lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu số đông chọn bia thì một bộ phận thiểu số đã bắt đầu chuyển lên các nhóm đồ uống cao cấp. Như trong năm 2022, có tới 55% tổng doanh số bán rượu vang và rượu mạnh đến từ các sản phẩm thuộc nhóm giá “cao cấp trở lên”, tăng 9% so với thời điểm 2017.

Báo cáo dự đoán doanh số bán rượu vang cao cấp tại Việt Nam vào năm 2026 sẽ cao hơn 55% so với năm 2021, trong khi mức tăng doanh số cho các sản phẩm ở nhóm tiêu chuẩn trở xuống chỉ là 45% trong cùng thời kỳ. Tương tự, doanh số bán rượu mạnh ở các nhãn hiệu cao cấp cũng được dự đoán tăng nhanh hơn đáng kể so với các sản phẩm tiêu chuẩn, với mức tăng trưởng ước tính lần lượt là 57% và 10% vào năm 2026.

“Xu hướng sử dụng đồ uống cao cấp được thúc đẩy ở Việt Nam do thu nhập ngày càng tăng của người dân địa phương và nhu cầu từ khách du lịch quốc tế”, ông Liam Cordingley, tác giả báo cáo khẳng định. “Xu hướng này có thể mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam thông qua các cơ hội kinh doanh tốt hơn tại địa phương, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp nguồn thu vào ngân sách cao hơn”.

Tác động lan tỏa tới xã hội 

Chuỗi giá trị trong ngành đồ uống cao cấp được tạo thành bởi nhiều mắt xích, từ các nhà sản xuất, các nhà phân phối, các điểm bán trong ngành khách sạn, dịch vụ, các quầy bar, coctail, cho tới khách hàng. Trong báo cáo của mình, Oxford ước tính rằng năm 2022, việc bán và phân phối đồ uống cao cấp đóng góp khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng (282 triệu USD) cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó lần lượt hỗ trợ khoảng 66.000 việc làm và khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng (253 triệu USD) tiền thuế.

“Chúng tôi ước tính vào năm ngoái, khoảng 1 trên 150 công việc trong lĩnh vực bán lẻ, khách sạn và bán buôn được hỗ trợ bởi ngành rượu vang và rượu mạnh quốc tế. Mặc dù đây không phải một con số lớn, nhưng lại là sự đóng góp ấn tượng cho một phân khúc thị trường vẫn còn rất nhỏ ở Việt Nam, chiếm chưa đến 1% tổng doanh số đồ uống có cồn”, tác giả Liam Cordingley giải thích.

Thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam năm 2021.

Quan trọng hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu gia tăng trải nghiệm của một bộ phận dân số, các sản phẩm đồ uống cao cấp còn đóng vai trò phục vụ nhóm khách du lịch quốc tế với điều kiện tài chính dư dả. Một cuộc khảo sát về khách du lịch giàu có tại châu Á Thái Bình Dương vào năm 2022 cho thấy yếu tố “bán lẻ, đồ ăn và đồ uống” là yếu tố quan trọng thứ hai khi khách cân nhắc về địa điểm du lịch, sau tiêu chí “sức khỏe và sự an toàn”.

Tại Việt Nam, Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy “du lịch chất lượng cao” với trọng tâm là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như khách sạn 5 sao, các cửa hàng thực phẩm, đồ uống,…từ đó thu hút nhiều hơn nhóm khách du lịch đường dài, có mức chi tiêu cao đến từ châu Âu, Mỹ, Úc.

“Đồ uống cao cấp là một phần quan trọng trong tổ hợp sản phẩm và dịch vụ cần thiết của một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch. Nếu Việt Nam có thể nắm bắt xu hướng 'cao cấp hóa' trong tiêu thụ đồ uống có cồn thì chúng ta có thể kỳ vọng những lợi ích kinh tế thu được từ phân khúc đồ uống này sẽ tăng lên trong tương lai”, ông Liam Cordingley nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng để Việt Nam tận dụng tốt xu hướng mới diễn ra trong ngành đồ uống, điều quan trọng là hạn chế cạnh tranh đến từ thị trường buôn bán bia, rượu phi chính thức - những dòng sản phẩm không được kiểm soát về chất lượng và không đóng thuế vào ngân sách.

Cựu Đại sứ Anh, ông Mark Kent, gợi ý Việt Nam nên cân nhắc các chính sách bền vững, như gia tăng trách nhiệm với phía nhà sản xuất, cho đến có các chính sách thuế với nhóm rượu bất hợp pháp. Ông nói một thách thức đáng kể ở Việt Nam là mức độ tiêu thụ rượu bất hợp pháp cao, mà WHO ước tính chiếm gần 2/3 tổng lượng tiêu thụ rượu (64%). Điều này có nghĩa thuế chỉ được trả cho 36% tổng doanh số bán rượu, từ đó vừa gây rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho người tiêu dùng, vừa gây tổn thất đáng kể cho nguồn thu của Chính phủ.

“Chúng tôi và các tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài chính của Việt Nam để phát triển một mô hình thuế phù hợp, có thể hỗ trợ cả doanh nghiệp đồ uống trong nước và quốc tế, đáp ứng mục tiêu tăng thu ngân sách và giải quyết tình trạng sử dụng rượu bia không hợp pháp”, Chủ tịch Hiệp hội Whisky Scotland khẳng định.

Lần đầu tiên có trung tâm sáng tạo cho ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam
Trung tâm Bloom. được thiết kế nhằm giúp các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) tăng tốc quá trình đổi mới sáng tạo sản phẩm, rút ngắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư