Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Nam Dược - Chiến lược kinh doanh giúp nhiều năm liền tăng trưởng ấn tượng
Như Loan - 28/12/2022 08:21
 
Nhờ quá trình tái cấu trúc và xây dựng được chiến lược phát triển bền vững, Nam Dược đã gặt hái được “quả ngọt” khi 7 năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng ngoạn mục.
TIN LIÊN QUAN

 

Nhắc đến những doanh nghiệp ngành dược niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, quán quân thị giá của ngành thuộc về một công ty dược phẩm đông dược - Công ty cổ phần Nam Dược (mã chứng khoán NDC).

Từ đầu năm 2021, cổ phiếu này có sự bứt phá mạnh mẽ từ vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu lên mốc 100.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6. Chưa dừng lại ở đó, NDC tiếp tục chinh phục các cột mốc và hiện tại, cổ phiếu NDC đang giao dịch trong vùng giá khoảng 128.000 đồng/cổ phiếu.

Dây truyền đóng gói sản phẩm Siro ho - cảm Ích nhi

Bí quyết nằm ở chiến lược phát triển bền vững mang tên Ngôi nhà Nam Dược

Không phải bỗng dưng thị giá cổ phiếu của Nam Dược lại có những bước “leo núi” ngoạn mục như vậy mà điều đó nhờ vào kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc liên tục 7 năm.

Từ năm 2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận của NDC hầu hết đều đạt con số dương. Cụ thể, doanh thu năm 2020 tăng trưởng 13,5% so với năm 2019 đạt 587 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 41%, đạt 72 tỷ đồng. Gần đây nhất trong năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 song tình hình kinh doanh của NDC vẫn rất khả quan, doanh thu đạt 640,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% so với năm 2020. Năm 2022, doanh thu của Nam Dược dự kiến cán mốc khoảng 825 tỷ, tăng trưởng 29%. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng khoảng 14% so với năm trước.

Bà Lưu Thị Gấm, Trưởng phòng Marketing Công ty Nam Dược cho biết: “Nếu như tăng trưởng 1-2 năm thì đó chỉ là cách làm “hớt váng” còn Nam Dược đã xây dựng cho mình một chiến lược đúng đắn, giải pháp đồng bộ, qua đó mang lại kết quả tăng trưởng bền vững, liên tục trong 7 năm”.

Chia sẻ kỹ hơn về những chiến lược và giải pháp đã giúp Nam Dược đạt được bước tiến trong những năm qua, ông Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nam Dược cho biết: “Để đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy là nhờ vào các yếu tố sau. Thứ nhất, từ năm 2012-2013, Nam Dược tái cấu trúc, xây dựng lại hệ thống và hoàn thiện các quy trình quản lý và xác định chiến lược phát triển bền vững. Thứ hai, chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, củng cố nguồn lực và nâng cao năng lực nội tại”.

Theo ông Châu, sau khi xác định chiến lược phát triển bền vững, công ty đã xây dựng mô hình ngôi nhà Nam Dược gồm nền móng là văn hóa doanh nghiệp; 5 trụ cột là cấu trúc, sản phẩm, con người, hệ thống và quản trị; cuối cùng mái nhà Nam Dược là tầm nhìn - sứ mệnh.

Ông Hoàng Minh Châu, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Dược

Phân tích về 5 trụ cột của ngôi nhà Nam Dược, ông Châu chia sẻ: “Trụ cột thứ nhất là cấu trúc chính là cơ cấu tổ chức của công ty. Chúng tôi có 700 cán bộ nhân viên, trong đó có 50 cán bộ quản lý với 50 chức danh từ Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, các quản lý cấp trung cho đến nhân viên… Trong cơ cấu đó, mỗi người sẽ có một thế mạnh khác nhau cùng hợp tác trên một nền văn hóa của doanh nghiệp mang sứ mệnh phát triển”.

Trụ cột thứ hai là sản phẩm. Nam Dược đẩy mạnh đầu tư vào gam hàng, chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi không chọn những sản phẩm mang tính chất riêng biệt mà tập trung vào những sản phẩm thông thường có thể sử dụng ở mọi gia đình Việt Nam. Và quan trọng hơn, Nam Dược chú trọng vào chuẩn hóa nguồn Dược liệu đầu vào theo chuẩn chuẩn quốc tế GACP-WHO. Từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn”, ông Châu nói. Trụ cột thứ ba là con người. Khi công ty đi vào giai đoạn phát triển thì con người là yếu tố quan trọng và văn hóa là cái dẫn dắt mọi công cuộc kinh doanh. Trụ cột thứ tư là hệ thống gồm hệ thống bán hàng marketing, dây chuyền sản xuất, hệ thống phần cứng, phần mềm… và trụ cột cuối cùng là quản trị, tức là thực thi và kiểm soát.

Còn với mái nhà của Nam Dược tức tầm nhìn - sức mạnh, Nam Dược mang tầm nhìn trở thành công ty dược phẩm danh tiếng, là Thương hiệu Quốc gia về các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược và tự nhiên ở Việt Nam. Sứ mệnh của Nam Dược là cam kết phát triển tinh hoa Y học cổ truyền và tiềm năng dược liệu Việt Nam, sáng tạo ra sản phẩm có hiệu quả cao, an toàn, tiện dụng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nam Dược luôn cổ vũ tinh thần tự hào, tin dùng thuốc Nam, từng bước phổ biến ra khu vực và thế giới.

Bứt phá trong 5 năm tới với mục tiêu doanh thu khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng

Với một chiến lược phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Nam Dược cho rằng trong 5 năm tới (2021-2026) được dự báo là giai đoạn bứt phá của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt mục tiêu cho giai đoạn này doanh thu vào khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Nam Dược triển khai bán hàng đa kênh. Bên cạnh kênh truyền thống, doanh nghiệp mở rộng phân phối sang kênh tiêu dùng (Siêu thị, tạp hóa, baby shop, Sàn thương mại điện tử). Đặc biệt, Nam Dược vừa khai trương thành công các showroom dược liệu quý ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chính thức bước chân vào mảng kinh doanh Dược liệu quý ở Việt Nam và trên thế giới. “Tôi cho đây là hướng đi rất mới mà chưa có doanh nghiệp nào làm bài. Nam Dược đặt mục tiêu sẽ trở thành doanh nghiệp số 1 về dược liệu quý ở Việt Nam”, vị CEO Nam Dược kỳ vọng.

Đặc biệt, Nam Dược mang khát vọng đưa dược liệu Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Để từng bước chinh phục mục tiêu, Nam Dược tập trung đẩy mạnh phát triển vùng trồng đạt tiêu chuẩn Thực hành nuôi trồng và thu hái Dược liệu sạch theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới GACP-WHO.

Hiện tại, Nam Dược là một trong số ít các doanh nghiệp sở hữu số lượng vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO nhiều nhất, trong đó vùng cát cánh có diện tích trồng lớn nhất gần 100 ha. Trong thời gian tới, Nam Dược tiếp tục đẩy mạnh mở rộng phát triển vùng trồng cát cánh (huyện Bắc Hà, Lào Cai), vùng trồng quất (huyện Vụ Bản, Nam Định), vùng trồng dây thìa canh (huyện Hải Hậu, Nam Định), vùng trồng đậu nành (huyện Vụ Bản, Nam Định), vùng trồng phòng phong (huyện Đồng Văn, Hà Giang). 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư