Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Năm mới, thị trường chứng khoán có sản phẩm nào mới?
Năm 2015, Bộ Tài chính đã có chủ trương nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai phát hành và giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) tại TTCK Việt Nam.
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK

Đây được coi là cơ sở nền tảng để triển khai sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm ra thị trường nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư về nhiều chủng loại sản phẩm trên TTCK.

Hướng đến một thị trường đa dạng hóa sản phẩm

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới nói chung và khu vực nói riêng và thị trường vốn, TTCK không thể nằm ngoài cuộc. Để chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, một trong những mục tiêu mà Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là “phát triển TTCK đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế”.

Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm đầu tư tài chính có tính chất như một quyền chọn cho phép người nắm giữ quyền được bán hoặc mua tài sản cơ sở với một khối lượng xác định từ nhà phát hành tại một mức giá vào hoặc trước thời điểm được xác định.

Ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ, chứng quyền có bảo đảm có tên gọi khác nhau như Derivatives Warrant (HongKong, Thái Lan), Covered Warrant (Đức, Anh), Call/Put Warrant (Đài Loan, Malayxia), Structured Warrant (Singapore), Equity-Linked Warrant (Hàn Quốc)… và tùy theo từng nước, chứng quyền có bảo đảm được xếp vào nhóm chứng khoán cơ sở, hay nhóm chứng khoán phái sinh.

Hiện nay, chứng quyền có bảo đảm được nhiều chuyên gia đánh giá là sản phẩm đầu tư phổ biến nhất trong các TTCK mới nổi. Theo số liệu từ Hiệp hội các sở GDCK thế giới (WFE), có ít nhất 42 sở GDCK trong số 56 sở GDCK thành viên đã triển khai giao dịch các loại sản phẩm chứng quyền có bảo đảm khác nhau.

Với nhiều đặc điểm giống như quyền chọn, chứng quyền có bảo đảm cung cấp một công cụ phòng vệ rủi ro và giúp nhà đầu tư có thể thực hiện các chiến lược đầu tư khác nhau với chi phí thấp hơn. Về lý thuyết, khái niệm sản phẩm phái sinh khá rộng: bất kỳ sản phẩm nào có giá dựa trên giá của một sản phẩm khác thì đều được gọi là phái sinh.
Các nước thường chia các sản phẩm phái sinh thành 2 nhóm dựa trên mức độ phức tạp của sản phẩm để tổ chức giao dịch: Nhóm một, được tổ chức giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán (hay còn gọi là thị trường giao ngay - cash  markets) bao gồm right, company warrant, covered warrant. Nhóm hai được tổ chức giao dịch ở sở giao dịch phái sinh (thị trường giao sau - Derivatives Markets) bao gồm các loại hợp đồng tương lai (futures) và hợp đồng quyền chọn (options).
Hai nhóm sản phẩm này khác nhau về mức độ rủi ro đối với nhà đầu tư, từ đó, sẽ dẫn đến khác biệt về mô hình thanh toán bù trừ, khác biệt trong cách thức vận hành hệ thống giao dịch, cách thức thẩm định và quản lý niêm yết, lưu ký, đăng ký và thị trường phát hành sơ cấp. Chứng quyền có bảo đảm là công cụ phái sinh, nhưng không đòi hỏi những kỹ thuật giao dịch và thanh toán quá phức tạp, rủi ro thanh toán thấp nên không cần phải thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP).
Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm không có khả năng gây ra các khoản lỗ vượt quá vốn đầu tư ban đầu (khác với các sản phẩm thuộc nhóm phái sinh hợp đồng tương lai/hợp đồng quyền chọn, khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư có thể phải chịu sẽ không chỉ dừng lại ở khoản tiền bỏ ra ban đầu mà còn có thể phải trả thêm tiền cho bên đối ứng).

Việc phát triển thị trường chứng quyền có bảo đảm sẽ là bước tập dượt cho nhà đầu tư cho đến khi TTCK phái sinh chính thức triển khai thêm sản phẩm hợp đồng quyền chọn...

Thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các thị trường đi trước cho thấy rằng mặc dù hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn là 2 sản phẩm phái sinh chuẩn hóa được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, nhưng hợp đồng quyền chọn luôn được cân nhắc triển khai sau hợp đồng tương lai, vì đặc tính phức tạp của sản phẩm, trình độ hiểu biết của đa số nhà đầu tư và năng lực quản lý giám sát của cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế  đối với sản phẩm này.

Chính vì vậy, cùng với hợp đồng tương lai trên TTCK phái sinh, việc vận hành sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ giúp thị trường quen dần với hợp đồng quyền chọn, tạo thuận lợi cho lộ trình phát triển sản phẩm trên TTCK phái sinh trong giai đoạn tiếp theo.

Để xây dựng nên các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, lành mạnh, việc học tập kinh nghiệm của các thị trường tiên tiến là rất cần thiết
Để xây dựng nên các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, lành mạnh, việc học tập kinh nghiệm của các thị trường tiên tiến là rất cần thiết

Thời điểm phù hợp với TTCK Việt Nam

Với sự phát triển nhanh chóng của TTCK Việt Nam, tính thanh khoản của thị trường ngày càng cao, hàng hóa đã có sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Sự phát triển của thị trường cơ sở sẽ tạo tiền đề để phát triển thị trường chứng quyền có bảo đảm.

Thêm vào đó, năng lực tài chính và quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán đóng vai trò là tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm ngày càng được củng cố.

Trong hoạt động kinh doanh, các công ty chứng khoán TOP đầu đã không ngừng tăng cường sức mạnh tài chính và chất lượng quản trị rủi ro với mục đích cung cấp cho nhà đầu tư các sản phẩm giá trị, các dịch vụ tiện ích đáng tin cậy.

Trong thời gian qua đã manh nha hình thành một số sản phẩm mang bản chất phái sinh tương tự như chứng quyền có bảo đảm do công ty chứng khoán tạo lập. Ngoài ra, quy mô nhà đầu tư trên thị trường đã tăng đáng kể. Nhà đầu tư Việt Nam thường ngại bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư.

Do vậy, chứng quyền có bảo đảm rất phù hợp với những người có có thu nhập khiêm tốn, vốn đầu tư ban đầu tương đối ít và thận trọng với rủi ro. Nếu được triển khai giao dịch trên TTCK Việt Nam, chứng quyền có bảo đảm chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư và thu hút thêm được rất nhiều nhà đầu tư vào thị trường.

Nghị định số 60/2015/NĐ-CP đã đưa ra định nghĩa về chứng quyền có bảo đảm: “Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Ngoài ra, cũng tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, điều kiện của tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đã được quy định cụ thể. Dự thảo Thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm đang được gấp rút triển khai xây dựng và dự kiến ban hành trong năm 2016.

Theo quy định tại Dự thảo Thông tư, chứng quyền có bảo đảm được phát hành dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF và chỉ số chứng khoán. Các tài sản cơ sở này phải đáp ứng các tiêu chí về mức độ thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và các tiêu chí khác theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Việc chào bán chứng quyền có bảo đảm phải đáp ứng các quy định về hạn mức chào bán, bao gồm hạn mức về chứng khoán cơ sở được quy đổi từ các loại chứng quyền của tất cả các tổ chức phát hành, hạn mức về tổng giá trị chứng quyền đã và đang đăng ký phát hành của một tổ chức phát hành và hạn mức về tổng giá trị chứng quyền đối với từng chứng khoán cơ sở trong một đợt đăng ký chào bán của tổ chức phát hành.

Tổ chức phát hành phải ký quỹ tài sản bảo đảm thanh toán là tiền, hoặc chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng lưu ký. Giá trị tài sản bảo đảm tối thiểu là 30% giá trị loại chứng quyền dự kiến chào bán. Nhà đầu tư giao dịch chứng quyền trên tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu chứng quyền.

Cũng theo quy định tại Dự thảo Thông tư, tổ chức phát hành phải tự thực hiện hoạt động tạo lập thị trường và hoạt động phòng ngừa rủi ro cho các chứng quyền phát hành bởi chính tổ chức đó. Chứng quyền ở trạng thái có lãi (in-the-money) sẽ được tự động thực hiện theo phương thức thanh toán bằng tiền vào ngày đáo hạn nếu nhà đầu tư không đặt lệnh thực hiện chứng quyền.

Song song với việc chuẩn bị triển khai các bước kỹ thuật cho việc đưa vào vận hành TTCK phái sinh vào đầu năm 2017, việc sớm ban hành khung pháp lý hướng dẫn về phát hành và giao dịch sản phẩm chứng quyền có đảm bảo sẽ đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch. Có thêm sản phẩm mới sẽ tạo công cụ để hỗ phòng vệ rủi ro và gia tăng lợi tức đầu tư, góp phần tạo lập công cụ đầu tư mới hấp dẫn trên TTCK cho giai đoạn ban đầu khi xây dựng TTCK phái sinh.

Thông tư hướng dẫn về chứng khoán phái sinh đã được ban hành
Đối với hoạt động ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền của thành viên bù trừ không thấp hơn 80%, trừ trường hợp ký quỹ bằng chứng khoán, giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư