Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Hạnh Phúc - 10/04/2024 16:27
 
Ngày 10/4, tại TP.HCM diễn ra Lễ khai giảng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024, do CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Ban tổ chức tặng hoa cho các giảng viên tham gia chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024 được triển khai dựa trên Biên bản Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2027, ngày 22/1/2024 giữa CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam với UBND huyện Đắk Hà và UBND huyện Tu Mơ Rông.

Chương trình nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022- 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hướng tới chuyên nghiệp hóa và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch địa phương. Đồng thời, góp phần nhanh chóng đưa du lịch 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Phát biểu chúc mừng tại Lễ khai giảng, Tổng Biên tập Báo Văn Hoá  Nguyễn Anh Vũ đánh giá cao mục đích của chương trình, đồng thời bày tỏ sự vui mừng khi đồng hành với CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam trong chương trình ý nghĩa này. 

“Hiện nay, Báo Văn Hoá đang tập trung tuyên truyền hiệu quả các nội dung của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc đào tạo nguồn nhân lực lần này của CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam góp phần phát huy vai trò làm chủ của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng từ đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân", ông Nguyễn Anh Vũ nói và hy vọng rằng, sau 6 tháng đào tạo, những học viên hôm nay sẽ trở về quê hương, làm giàu trên chính mảnh đất nơi các em đã sinh ra, lớn lên, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình và truyền đạt những kiến thức đã học cho các học viên, người dân khác tại địa phương.

Ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam với các địa phương, các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị đào tạo trên toàn quốc

Xác định du lịch là một trong các hướng đi nâng cao đời sống người đồng bào Xơ Đăng, tiềm năng du lịch của huyện cũng rất lớn, huyện Tu Mơ Rông rất mong muốn phát triển du lịch nhưng do hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật nên những gì thu được chưa xứng tiềm năng, thiếu chuyên nghiệp.

“Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam là hội nhóm có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch. Việc Câu lạc bộ đứng ra tổ chức đào tạo nguồn nhân lực sẽ từng bước giúp du lịch Tu Mơ Rông có điều kiện phục vụ khách du lịch tốt hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch”, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Các nội dung đào tạo trong Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024 cũng hướng đến việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa bản địa, lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các doanh nghiệp du lịch tại địa phương nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, tính chuyên nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn sau khoá đào tạo này, các học viên sẽ trở về địa phương, ngoài việc trực tiếp phục vụ khách, họ sẽ là các hạt nhân, truyền đạt lại kiến thức đã được học cho những người khác trong thôn bản của mình. Từ đó, nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương sẽ được nhân rộng, cách làm du lịch ở những nơi này sẽ chuyên nghiệp và bền vững, góp phần làm hài lòng du khách khi tới vùng đất Tây Nguyên còn nhiều gian khó này.

Trong dịp này, CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng ký kết biên bản hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức, địa phương. Việc hợp tác này nhằm phát huy thế mạnh của các bên trong các lĩnh vực hoạt động của mình; tăng cường hợp tác hỗ trợ, cùng nhau hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội”.

Sau 3 tháng triển khai, Ban tổ chức chương trình đào tạo đã chọn lọc và tuyển được 20 học viên đã tốt nghiệp lớp 12, có khả năng sử dụng tốt tiếng Việt, hiện đang sinh sống tại huyện Tu Mơ Rông và huyện Đak Hà tỉnh Kon Tum.

Hầu hết các học viên có định hướng làm việc tại các điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cam kết phục vụ cho ngành du lịch tại địa phương sau khóa đào tạo. Học viên cam kết tham dự đủ thời gian và học tất cả các học phần đào tạo trong chương trình.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum khoá I - năm 2024 kéo dài 6 tháng với sự tham gia của 20 học viên đã được UBND huyện Đắk Hà và UBND huyện Tu Mơ Rông lựa chọn, giới thiệu. Chương trình có sự tham gia giảng dạy của giảng viên các trường đào tạo về du lịch, các chuyên gia du lịch…

Tổng số buổi học lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo là 412 tiết lý thuyết với 103 buổi/4 tiết/buổi, trong đó có: 24 học phần lý thuyết, 4 học phần ứng dụng giữa lý thuyết và thực hành; 60 giờ tiếng Anh du lịch, Seminar 5 buổi, 4 bài thu hoạch, học viên được đào tạo tập trung 3 tháng tại TP.HCM, sau đó ứng dụng khảo sát, thực hành 3 tháng tại địa phương.

Học viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn Tỉnh Kon Tum sẽ được cung cấp: Kiến thức tổng quát về kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến dịch vụ du lịch, lữ hành và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch.

Từ đó giúp học viên hoàn thiện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ứng xử và giải quyết tốt các vấn đề thuộc lĩnh vực Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Đặc biệt, hình thành phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao, nâng cao trách nhiệm trong công việc đảm nhận; tuân thủ quy định của cơ quan, pháp luật; trung thực, tự tin, yêu nghề du lịch; có kỹ năng giao tiếp tốt và có tinh thần phục vụ cộng đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư