Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nâng cao nhận thức của xã hội về kinh tế hợp tác
Mạnh Bôn - 22/05/2021 10:18
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao chủ trì tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW (ngày 18/3/2002) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

“Việc tổng kết phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức, từ đó nâng cao nhận thức của xã hội về hợp tác xã”, TS. Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh. 

TS. Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Việc tổng kết mô hình kinh tế tập thể đã được triển khai đến đâu rồi, thưa ông?

Để tổng kết mô hình kinh tế tập thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện Dự thảo kế hoạch và Đề cương tổng kết, sau đó, căn cứ vào Đề cương, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, từng bộ, ngành phải tổ chức tổng kết, đánh giá, kiến nghị để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chính sách thuế, xóa nợ khê đọng đối với hợp tác xã; thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổng kết chính sách tiếp cận vốn, ưu đãi về tín dụng cho kinh tế tập thể... Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với hợp tác xã được giao Bộ Công thương chủ trì tổng kết. Rất nhiều bộ, ngành khác và tất cả các địa phương ở cả cấp tỉnh lẫn cấp huyện đều phải thực hiện tổng kết mô hình kinh tế tập thể và tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để phục vụ cho việc tổng kết, các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương như Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… phải thực hiện 24 chuyên đề khoa học là cơ sở để đánh giá, nghiên cứu các vấn đề liên quan, chuẩn bị cho việc tiếp tục hoàn thiện Luật Hợp tác xã.

Nhìn vào kế hoạch tổng kết, ông có nghĩ rằng, ít có chính sách nào nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước như các chính sách áp dụng cho kinh tế tập thể?

Tôi không rõ các lĩnh vực khác thế nào, còn với kinh tế tập thể, lần này, không chỉ tổng kết 10 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, mà còn tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 (Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chính vì vậy, việc tổng kết phải tiến hành một cách toàn diện, các bộ, ngành phải có báo cáo đầy đủ về thực trạng các loại hình hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công thương, xây dựng, giao thông - vận tải, tín dụng…

Việc tổng kết phải tiến hành đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, đánh giá cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực và khảo sát tại địa phương mang tính đại diện vùng, miền, qua đó phát hiện những vướng mắc về cơ chế, chính sách, khâu yếu trong tổ chức thực hiện, đồng thời phát hiện mô hình tiên tiến, điển hình từ thực tiễn để quy chuẩn hóa và nhân rộng trên toàn quốc.

Tổng kết 20 năm mô hình kinh tế tập thể phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức, từ đó nâng cao nhận thức của xã hội về hợp tác xã. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải khái quát vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong quá trình hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Còn các địa phương khái quát về vai trò, vị trí và đóng góp của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông vừa nhắc tới “nâng cao nhận thức của xã hội về hợp tác xã”. Thưa ông, đã 20 năm triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới theo đúng mô hình kinh tế hợp tác trên thế giới, mà nhận thức của xã hội về mô hình kinh tế này vẫn chưa đúng, cần phải nâng cao?

Mô hình kinh tế hợp tác kiểu cũ đã ăn quá sâu vào “nếp nhăn” của rất nhiều người, không chỉ người dân, mà cả lãnh đạo ở nhiều cấp, nhiều ngành, nên 20 năm qua vẫn chưa “tẩy não” hết được. Và đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến mô hình kinh tế này ở Việt Nam vẫn cứ mãi “lẹt đẹt”.

Chính vì vậy, một trong những yêu cầu tổng kết lần này là phải thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của tổ chức kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tâm lý hoài nghi, mặc cảm với mô hình hợp tác xã vẫn còn khá phổ biến. Để “gột rửa” hết tư duy, suy nghĩ không đúng, chưa chuẩn về kinh tế hợp tác.

Xã hội vẫn còn sự “kỳ thị” nhất định với mô hình kinh tế hợp tác là do hợp tác xã đóng góp vào GDP rất khiêm tốn, thưa ông?

Tôi khẳng định, hợp tác xã đóng góp vào GDP không hề nhỏ. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2016-2020, hợp tác xã đóng góp 3,76% vào GDP, tương đương 197.840 tỷ  đồng/năm (theo giá so sánh năm 2010), trong khi tất cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng chỉ đóng góp 8,91% (472.591 tỷ đồng/năm).

Trong giai đoạn này, kinh tế cá thể đóng góp vào GDP 29,6% và trong số này có sự đóng góp gián tiếp của khu vực kinh tế hợp tác rất lớn, vì 1.665.300 đơn vị kinh tế cá thể là thành viên của tổ hợp tác và trên 6,1 triệu đơn vị kinh tế cá thể là thành viên của hợp tác xã. Như vậy, nếu tính cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp của khu vực kinh tế hợp tác vào GDP, thì chắc chắn, khu vực này đóng góp nhiều hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Kinh tế hợp tác trước áp lực cạnh tranh gay gắt
Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 được tổ chức hôm nay (11/12) với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển-Xu hướng hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư