Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nâng cấp trình độ phát triển thị trường
Khánh An - 22/04/2015 09:02
 
Tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường chưa có cải thiện đáng kể trong hơn một thập kỷ qua đang khiến mức độ phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam rất thấp so với thế giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trao đổi về vấn đề thương mại trong nông nghiệp. Ảnh: T.A
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trao đổi về vấn đề thương mại trong nông nghiệp. Ảnh: T.A

Gửi cả một bản báo cáo nghiên cứu dài 55 trang tới Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2015 khai mạc sáng 21/4 tại Nghệ An, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Dự án Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam không kỳ vọng các vấn đề liên quan đến nội dung của nghiên cứu (đổi mới tư duy và tháo bỏ nút thắt thể chế để chuyển mạnh nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại) sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng trong 2 ngày hội nghị.

Tuy nhiên, như chính quan điểm mà ông Cung gửi gắm trong phần đầu của báo cáo, ông muốn chia sẻ những nỗ lực phân tích các đặc điểm chủ yếu của kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam, so sánh với các đặc điểm cơ bản, phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại.

“So sánh để chúng ta xác định được sự khác biệt và tìm kiếm giải pháp cải cách, đưa nền kinh tế Việt Nam hướng đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Cung nói.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, ngay trong lời phát biểu khai mạc dài nhất qua 7 kỳ Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân cũng đã nhắc đến câu chuyện chưa bao giờ hết tính thời sự ở Việt Nam, đó là được mùa - mất giá và nỗi khổ cực của người nông dân, kèm theo lời của ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước Diễn đàn, rằng thời gian trước thì lo thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, nhưng giờ phải lo thương mại trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong nỗi lo mùa vụ này, hiếm khi kỷ luật của thị trường được đặt ra, trong khi đây lại là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường hoạt động suôn sẻ và minh bạch, cũng như tạo nên sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng không né tránh sự thật rằng, sự yếu kém trong cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam nằm ở nguyên nhân này. “Nếu người dân, doanh nghiệp nắm chắc kỷ luật thị trường, tuân thủ quy luật thị trường, phải chấp nhận thua thiệt, bị phạt nếu không đảm bảo chất lượng, không đúng quy trình. Có như vậy, doanh nghiệp, người nông dân mới hội nhập được, mới tận dụng được cơ hội của hội nhập, chứ không thể mãi lo đối mặt với thách thức”, ông Doanh nói.

Nhưng phân tích một cách ngọn ngành, có thể nói, thói quen không tuân thủ kỷ luật thị trường, thậm chí cả thói quen kinh doanh ăn xổi, dựa trên các mối quan hệ, không quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, sáng tạo… có nguồn gốc từ sự chưa hoàn thiện của thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam, sự chưa rõ ràng trong hệ thống chính sách, thực thi pháp luật, quy định về quyền sở hữu…

“Sự không ổn định, không nhất quán, không minh bạch, không tiên liệu được trong cả nội dung và cách thức thực hiện luật pháp, chính sách làm thu hẹp phạm vi phát triển và hoạt động của các loại thị trường, nhất là thị trường nhân tố sản xuất, làm tăng thêm sai lệnh, méo mó của thị trường cả về quy mô và mức độ”, ông Cung phân tích.

Thậm chí, ông Cung cho rằng, chính điều này làm trầm trọng thêm cả thất bại của thị trường và thất bại của Nhà nước trong điều hành kinh tế. Đương nhiên, hệ lụy là những bất cập của môi trường kinh doanh Việt Nam trong hàng loạt tiêu chí thuận lợi cho kinh doanh, từ giai đoạn gia nhập đến rút khỏi thị trường, mà cả Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều xếp hạng Việt Nam ở mức thấp.

Trong số các ví dụ điển hình để so sánh kinh tế thị trường ở Việt Nam và kinh tế thị trường hiện đại, doanh nghiệp nhà nước luôn được lựa chọn. Số lượng lớn, mục đích, vai trò, sứ mệnh trong nền kinh tế chưa rõ ràng khiến khu vực doanh nghiệp này luôn là một trong những tâm điểm bàn luận trong các đàm phán thương mại tự do song phương và đa phương với Việt Nam.

Cũng dễ hiểu, vì trong nền kinh tế thị trường hiện đại, Nhà nước không sử dụng doanh nghiệp nhà nước để điều tiết thị trường. Trong trường hợp này, không phải thị trường áp đặt luật chơi cho doanh nghiệp mà trái lại, doanh nghiệp đang áp luật chơi lên thị trường, tạo áp lực lên các cơ quan quản lý nhà nước, gây méo mó các giao dịch thị trường.

“Đương nhiên, khi đó sẽ gây ra sự bất bình đẳng với các chủ thể khác của thị trường, giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Đặc biệt, việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô còn có thể làm cho kinh tế vĩ mô bất ổn hơn xét về trung và dài hạn”, ông Cung phân tích và gọi những sự khác biệt giữa kinh tế thị trường ở Việt Nam và kinh tế thị trường hiện đại là những nút thắt của thể chế, ngăn cản, thậm chí làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở của Việt Nam.

“Đây là lý do tôi nhấn mạnh tới đòi hỏi của lần đổi mới này, đó là nâng cấp trình độ phát triển thị trường của nền kinh tế, làm cho các thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự”, ông Cung khuyến nghị.

Trong nội dung này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tiếp tục gửi tới thông điệp, đó là áp dụng định hướng thị trường và nguyên tắc thị trường trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hệ thống giá cả. “Từ giá xăng dầu đến xác định giá khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; từ việc phê duyệt dự án đầu tư công đến tư duy về cải cách thủ tục hành chính… đều phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Khi đó, tái cơ cấu mới thực sự đúng hướng và tạo ra được môi trường kinh doanh đáng tin cậy”, ông Thiên nói.

Tất nhiên, cách thay đổi toàn diện và đi sâu vào cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước này khó hơn việc Nhà nước thu hẹp phạm vi, vai trò và chức năng để tạo dư địa cho thị trường và khu vực tư nhân tồn tại và hoạt động như giai đoạn đổi mới vừa qua.

Góc nhìn của quốc tế về 40 năm kinh tế Việt Nam
Dưới góc nhìn của quốc tế, Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển, với những thành tựu to lớn đã đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư