Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nâng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ngành phải cân nhắc kỹ
Nam Kinh - 18/04/2014 18:45
 
() Trước thực trạng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang “thủng” và đứng trước nguy cơ bị vỡ, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang tìm cách “vá” lại bằng việc đề nghị sửa đổi Luật BHXH. Trong đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu được tính đến, nhưng thực tiễn ở nhiều ngành cần được cân nhắc kỹ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chưa thuận với đề xuất thay cách tính lương hưu
Bộ Tư pháp: Giữ lại thêm 6 tháng với vụ trưởng nghỉ hưu là theo luật!
Tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ý kiến trái chiều
Tán thành nâng tuổi nghỉ hưu của quản lý nữ

Từ "thủng" quỹ bảo hiểm xã hội vì tuổi hưu thấp

Quỹ BHXH bị “thủng”, theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai là do diện bao phủ còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng BHXH ngắn; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH ngày một gia tăng...

  Nâng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ngành phải cân nhắc kỹ  
 

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội

 

Tính toán kỹ hơn, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, nếu như năm 2007 chi BHXH chỉ chiếm 57,2% thu thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2009 là 81,8%, năm 2010 là 76,3%; năm 2011 là 77%; năm 2012 là 68,6% và ước năm 2013 là 76,6%.

Từ năm 2012 trở về trước, tổng mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động vào Quỹ BHXH là 20% quỹ lương, từ năm 2014 trở đi tỷ lệ này được nâng lên 22% nhưng cũng không bù đắp được thu chi do số chi mỗi năm một tăng: tuổi thọ trung bình của người dân tăng; mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm chỉ bằng 66% thu nhập thực tế của người lao động.

Tuổi nghỉ hưu thấp (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam) dẫn tới thời gian đóng bảo hiểm ngắn. Cụ thể, số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm. Trong khi đó, sau khi “cầm sổ hưu” (bình quân là 54,2 tuổi), theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì số năm trung bình còn sống thêm của nam là hơn 18 năm và của nữ là 24,5 năm.

Đến "thủng quỹ" vì trốn, nợ bảo hiểm

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ.

“Với các chính sách hiện hành thì vào năm 2021, Quỹ hưu trí và tử tuất (số thu lớn nhất của Quỹ BHXH) thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư. Nhưng đến năm 2034, phần kết dư cũng không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu và nguy cơ “vỡ” quỹ rất rõ ràng nếu không kịp thời điều chỉnh các chính sách hiện hành”, bà Chuyền dẫn cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Tình trạng trốn và nợ BHXH đang ngày một gia tăng, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh khiến Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh lo lắng cho sự an toàn của tổ chức tài chính này.

“Hiện có khoảng 16 triệu người phải đóng bảo hiểm bắt buộc, nhưng trên thực tế chỉ có 10,6 triệu người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; trong số 300 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động. Nếu không có chế tài xử lý mạnh tay với tình trạng nợ đọng, trốn tránh bảo hiểm thì khó có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 50% số người lao động tham gia BHXH thay vì 20% như hiện nay”, bà Minh phát biểu.

Vẫn theo bà Minh, bình quân nợ số nợ bảo hiểm chiếm khoảng 4,5-5% tổng số thu và đến thời điểm 31/3/2014, số nợ bảo hiểm đã lên đến con số 11.000 tỷ đồng, tạo áp lực vô cùng lớn trong việc cân đối thu chi của quỹ.

“Với tình trạng này, nếu không cho phép Cơ quan BHXH được thanh tra, kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chính sách an sinh hết sức thiết yếu đối với người lao động và là gánh nặng cho cả xã hội”, bà Minh lo lắng.

Hiện có khoảng 16 triệu người phải đóng bảo hiểm bắt buộc, nhưng trên thực tế chỉ có 10,6 triệu người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; trong số 300 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động

Đại diện cho quyền lợi của người, ông Mai Đức Chính (Tổng liên đoàn lao động) bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng “lách” đóng bảo hiểm của chủ lao động.

Ông Chính phản ánh thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương cho người lao động đúng bằng lương tối thiểu vùng, số thu nhập còn lại trả cho người lao động được tính là phụ cấp nhà ở, tiền đi lại, điện thoại… để không phải đóng bảo hiểm cho người lao động đối với khoản tiền này. “Khi về hưu, người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% của số tiền 2,7 triệu đồng (số tiền tính đóng BHXH) thì tuyệt đại đa số người về hưu sẽ rơi vào nghèo khổ”, ông Chính lo lắng và đồng tình với quy định đề xuất của Bộ Lao động, thương binh và xã hội trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi là phải căn cứ vào thu nhập thực tế của người lao động chứ không phải căn cứ vào lương để tính mức đóng bảo hiểm.

"Vá" quỹ BHXH thế nào?

Để tránh vỡ quỹ, Dự thảo Luật BHXH vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngoài thay đổi cách tính số tiền đóng bảo hiểm là số thu nhập thực tế thay vì tiền lương, tiền công còn mở rộng đối tượng bắt buộc phải đóng bảo hiểm; khuyến khích thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung; quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động; nâng chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp gian lận, trốn đóng BHXH; kéo dài thời gian nghỉ hưu đối với nam lên 62 tuổi và nữ giới lên 60 tuổi theo lộ trình...

Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016 trở đi, cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi quy định nâng tuổi nghỉ hưu sẽ được áp dụng cho các nhóm đối tượng còn lại.

“Phải tìm mọi giải pháp để tránh vỡ Quỹ BHXH. Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực lao động không phải là công chức, viên chức trong khu vực hành chính, sự nghiệp phải cân nhắc lại”, ông Mai Đức Chính kiến nghị

“Chúng tôi mới thực hiện khảo sát 58.000 nữ công nhân cao su và được biết, ngoài 45 tuổi họ hầu như không thể tiếp tục được công việc nên đành nghỉ để chờ đến tuổi nhận lương hưu. Ở nhiều lĩnh vực khác như giáo viên mẫu giáo, hộ sinh, da giày, chế biến thuỷ hải sản… cũng vậy, nữ giới ở độ tuổi 50 khó có thể đảm đương được công việc do sức khỏe không còn bảo đảm. Vì thế, kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam trong nhiều ngành nghề cần cân nhắc lại cho phù hợp với thể trạng thực tế của người Việt”, ông Chính đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư