Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Ngã ngửa vì thông tin Mỹ - Trung gỡ thuế bị “làm xiếc”
Lê Quân (Reuters) - 09/11/2019 13:00
 
“Trung Quốc muốn gỡ bỏ thuế quan phần nào, chứ không phải toàn bộ vì họ biết tôi không muốn điều đó. Tôi vẫn chưa đồng ý điều gì”. Tuyên bố này của ông Trump với báo giới đã lật tẩy chiêu trò tung tin thất thiệt rằng 2 bên đã thống nhất gỡ bỏ thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng ngày 8/11. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng ngày 8/11. Ảnh: AFP

“Người thuế” bác bỏ

Tuyên bố ngày 8/11 của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người duy nhất quyết định chuyện gỡ bỏ thuế quan lên hàng Trung Quốc - đã xóa tan những hoài nghi quanh việc 2 bên thống nhất gỡ bỏ thuế quan.

Việc ông Trump khẳng định chưa từng đồng ý rút bớt thuế quan áp lên hàng Trung Quốc càng khiến thế giới ngờ vực khả năng 2 siêu cường kinh tế có thể đặt dấu chấm hết cho thương chiến suốt 16 tháng qua khiến tăng trưởng toàn cầu lao đao.

Trước đó, quan chức 2 bên ngày 7/11 cho biết 2 bên đã nhất trí rút bớt thuế quan lên hàng hóa của nhau theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối gay gắt ngay trong chính quyền Mỹ.

Sự chia rẽ hiện rõ trong chính quyền Mỹ khi ông Trump - người vẫn tự xưng là “Người thuế” ngày 8/11 khẳng định với báo giới tại Nhà Trắng rằng ông chưa từng đồng ý rút bỏ thuế quan đang có hiệu lực.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận thương mại hơn ông. Không những thế, thuế quan lên hàng Trung Quốc đã mang lại hàng tỷ USD cho ngân khố Mỹ. “Tôi rất vui khi chúng tôi thu về hàng tỷ USD”, ông Trump hả hê.

“Người thuế” cho hay, nếu được hoàn thành, thỏa thuận thương mại sẽ được ký kết tại Mỹ. Có thể thỏa thuận sẽ được ký tại một bang nông nghiệp như Iowa hay nơi nào tương tự tại Mỹ, ông Trump khẳng định.

Cũng dễ hiểu tại sao ông Trump muốn Iowa là nơi diễn ra lễ ký, bởi đây là bang chịu thiệt hại nặng nề do thuế quan trả đũa của Trung Quốc lên đậu nành, thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ.

Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) Hu Xijin cho rằng thị trường không mong đợi tuyên bố của ông Trump.

Đây không phải lời từ chối thẳng thừng và chắc chắn là nếu không rút bớt thuế quan sẽ không có thỏa thuận “giai đoạn 1” nào giữa 2 bên, ông Hu nói thêm.

Giới chuyên gia trong và ngoài chính phủ Mỹ cảnh báo thỏa thuận “giai đoạn 1” vẫn có khả năng đổ bể. Quan chức Mỹ cho rằng vẫn còn nhiều điều phải làm kể từ khi ông Trump công bố nội dung chính trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung tháng trước. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chưa đồng thuận với các yêu cầu từ phía Mỹ, nhất là việc chi 50 tỷ USD để nhập khẩu nông sản Mỹ.

Tung tin thất thiệt

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro, 1 trong những thành viên phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất đã gửi email chỉ trích báo giới. Navarro cáo buộc các nhà báo bị “các nhà tuyên truyền” Trung Quốc “chơi xỏ” khi tung tin thất thiệt rằng 2 bên đã nhất trí bỏ thuế quan theo từng giai đoạn.

Cố vấn Navarro chỉ trích quá nhiều bài báo dẫn nguồn tin giấu tên để biện giải cho thông tin thất thiệt, đồng thời ông khuyến nghị chỉ có Tổng thống Trump và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer mới là 2 nguồn tin nên được trích dẫn khi đề cập đến nội dung đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Hiện Đại diện Thương mại Mỹ vẫn chưa có bình luận đối với các câu hỏi về rút thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.

“Vì lợi ích quốc gia, cần phải chấm dứt chiêu trò ‘làm xiếc’ thông tin với các nguồn giấu tên. Trong cuộc rượt đuổi đăng tin sớm, có quá nhiều phóng viên đối mặt với nguy cơ bị ‘chơi xỏ’ và gây tổn hại tới nước Mỹ”, Navarro than phiền.

Bằng việc giáng thuế lên hàng tỷ USD hàng Trung Quốc, ông Trump đã biến thuế thành “vũ khí” đắc dụng trong cuộc chiến trường kỳ với Bắc Kinh, gây sức ép để Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại và công nghiệp.

Washington cũng ra yêu sách buộc Bắc Kinh chấm dứt tình trạng đánh cắp và ép buộc chuyển giao sở hữu trí tuệ của Mỹ; hạn chế trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tạo thuận lợi hơn để doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trump cũng muốn Trung Quốc cam kết mua lượng lớn nông sản Mỹ.

Thoải thuận thương mại “giai đoạn 1” nhắm đến giải quyết 1 số vấn đề lớn, chẳng hạn đẩy nông sản Mỹ sang thị trường Trung Quốc, mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc và tăng cường bảo vệ bản quyền và nhãn hiệu thương mại tại nước này.

Trung Quốc và Mỹ suýt đạt thỏa thuận hồi tháng 5, nhưng Bắc Kinh đã quay lưng với thỏa thuận khiến ông Trump nổi giận tăng thuế và châm ngòi cho loạt thuế trừng phạt sau đó lên hàng Trung Quốc.

Nếu được hoàn tất và ký kết, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được kỳ vọng sẽ bao gồm việc Mỹ cam kết hủy áp thuế mới lên 156 tỷ USD hàng Trung Quốc (chủ yếu là điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi) theo kế hoạch ngày 15/12.

Trung Quốc cũng đang tìm cách ép Mỹ hủy thuế quan áp lên hàng hóa nước này kể từ tháng 7 năm ngoái. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuần này cho biết, để đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, 2 bên phải cùng gỡ bỏ phần nào thuế quan lên hàng hóa của nhau.

“Thương chiến đẩy doanh nghiệp Trung Quốc vào thế khó”
Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn cho biết tại cuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư