Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngăn dịch lây lan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
D.Ngân - 01/10/2021 15:43
 
Sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 mới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đã tới kiểm tra công tác chống dịch tại đây.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 18h30 ngày 30/9, địa bàn thành phố ghi nhận 2 ca mắc mới, đều ở cộng đồng và trú tại quận Hoàn Kiếm. 

Bộ Y tế sẽ thành lập Tổ công tác để cùng với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch và tổ chức khám, chữa bệnh, ngăn chặn, khống chế không để nguồn lây ra cộng đồng.

Bệnh nhân thuộc chùm ca bệnh phát hiện qua sàng lọc ho, sốt. Trong đó, bệnh nhân P.Đ.T,, nam, 49 tuổi, ở Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh, là thân nhân vào chăm sóc người nhà đang điều trị tại khoa Ung bướu từ ngày 19/9.

GS.Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, ngay từ chiều ngày 30/9, cơ sở y tế này đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và tạm thời phong tỏa tòa nhà D, lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa.

Tổng số mẫu được lấy khoảng 1.400 người. Đêm qua, đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm và đến sáng nay vẫn tiếp tục lấy mẫu. Thống kê đến trưa 1/10, tổng số mẫu được lấy là khoảng 4.000.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, số mẫu bệnh phẩm dương tính, nghi ngờ nhiễm SARRS-CoV-2 đều tập trung tại tầng 8 và 7 của Bệnh viện (Khoa Ung bưới và Khoa Tiêu hóa). Các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ đang chạy lại mẫu đơn để khẳng định.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề nghị Sở Y tế Hà Nội hỗ trợ thực hiện nhanh công tác xét nghiệm và định kỳ xét nghiệm lại sau 3 ngày, 7 ngày; đồng thời hỗ trợ giãn cách người nhà bệnh nhân ra khỏi khuôn viên bệnh viện để phòng, chống dịch. Bệnh viện đã lên kế hoạch chăm sóc toàn diện bệnh nhân đang điều trị.

Về phía Bộ Y tế, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê cho rằng, với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trước mắt, Bệnh viện cần phối hợp CDC Hà Nội để xét nghiệm thật nhanh, xác định vùng nào là vùng xanh, đỏ, cam, vàng để có phương án chống dịch phù hợp, đảm bảo vừa an toàn vừa hiệu quả.

Trường hợp cần các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ xét nghiệm Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cần báo cáo để Bộ Y tế có phương án điều động đơn vị hỗ trợ.

Theo PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, hiện nay hai vùng đỏ (Khoa Tiêu hóa và Khoa Ung bướu) là những nơi có ca dương tính, nghi ngờ đã cách ly chặt từ sớm.

Bộ Y tế sẽ thành lập Tổ công tác để cùng với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch và tổ chức khám, chữa bệnh, ngăn chặn, khống chế không để nguồn lây ra cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đồng ý với đề xuất cuả Bệnh viện Việt Đức điều chuyển một phần thuốc Remdesivir được cấp cho bệnh viện từ Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị trường hợp F0 liên quan.

Trưa 1/10, theo thông tin từ CDC Hà Nội, hiện có 3 tỉnh đã xác định các ca dương tính liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Các địa phương tiếp tục rà soát những người trở về từ Bệnh viện Việt Đức để áp dụng biện pháp phòng chống dịch.

3 tỉnh đã xác định các ca dương tính liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức gồm: Hà Tĩnh (1 người đưa bố đến khám tại tầng 8 nhà D), Nam Định (3 ca, liên quan người nhà đi chăm sóc bố tại tầng 7 nhà D), Hưng Yên (1 ca là bệnh nhân nằm điều trị tại tầng 8 nhà D đã ra viện).

CDC Hà Nội tiếp tục khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã từng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 15-30/9/2021 cần liên hệ với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng phòng chống dịch để được tư vấn hỗ trợ về phòng chống dịch Covid-19: 0969082115; 0949396115.

Liên quan tới ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu người về từ Bệnh viện này phải cách ly tập trung

Theo đó, toàn bộ người đã đến/về Bắc Giang từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội dù chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hay đã tiêm đủ 2 mũi đều phải thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần (vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14), sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung.

Những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khoẻ điện tử hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương) thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần (vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7). 

Sau đó, tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư