Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng 100% vốn nước ngoài đổ quân vào Việt Nam
Thùy Liên - 12/12/2015 08:12
 
Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã đệ đơn xin chuyển đổi sang ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Làn sóng thâm nhập thị trường Việt Nam của khối ngân hàng ngoại đang nóng lên từng ngày.

Dồn dập thâm nhập thị trường

Chưa bao giờ, các ngân hàng nước ngoài lại dồn dập “đổ quân” vào thị trường Việt Nam như năm nay. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) đã khai trương 2 văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP.HCM. Ngân hàng Public Bank Berhad (Malaysia) đã hoàn thiện các thủ tục để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 6 tại Việt Nam. Ngân hàng DBS (Singapore) và Maybank (Malaysia) đã mở thêm chi nhánh tại Việt Nam. Ngân hàng UOB (Singapore) đang xin nâng cấp từ chi nhánh  thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV nhận định: “Số lượng ngân hàng nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh thời gian tới”.

.
Số lượng ngân hàng nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh thời gian tới

Thống kê của TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tăng 51,4%. Vì vậy, TS. Lợi cho rằng, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, ngân hàng ngoại sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam với mức độ sâu hơn nữa.

Công bằng mà nói, thị phần mà các ngân hàng nước ngoài đang nắm giữ tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu am hiểu địa phương, lại có nguồn vốn dồi dào, sản phẩm phong phú, chất lượng cao, quản trị nội bộ hiệu quả và chuyên nghiệp..., nên khả năng mở rộng thị phần trong dài hạn là rất lớn.

Hiện nay, quy mô trung bình của 4 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam chỉ 30 - 35 tỷ USD, trong khi quy mô của các ngân hàng lớn tại Thái Lan, Indonesia lên tới 70 tỷ USD. Chưa kể, chỉ số về chất lượng quản trị của nhiều ngân hàng trong khu vực cũng cao gấp đôi nước ta. Do đó, nguy cơ ngân hàng nội bị đè bẹp là rất lớn.

Chưa kể, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các ngân hàng trong khối TPP sẽ được cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà không cần thành lập hiện diện thương mại tại nước thành viên, tạo áp lực rất lớn đối với ngân hàng trong nước.

Ông Bùi Huy Thọ, Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) cũng nhận định, sự tham gia ngày càng sâu rộng của ngân hàng nước ngoài khiến hệ thống ngân hàng trong nước đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, bởi các ngân hàng nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ, công nghệ và khả năng thực hiện các sản phấm mới. Bên cạnh đó, ngân hàng nước ngoài đang tập trung vào phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập khá trở lên - nhóm đối tượng khách hàng chủ lực của khối ngân hàng trong nước.

“Về dài hạn, cùng với khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể gây áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn đến khối ngân hàng trong nước”, ông Thọ phân tích.

Nới room là khó tránh

Trong khi các ngân hàng khu vực đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam thì các ngân hàng trong nước lại xuất hiện rất thưa thớt ở nước ngoài. Trong số các ngân hàng ở ASEAN thì có 3 tổ chức (Maybank, Bangkok Bank và UOB) có phạm vi hoạt động tại 7 quốc gia thành viên. Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng còn có tỷ trọng tài sản ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia tương đối lớn. Đơn cử tại Singapore, OCBC có 60% tống số dư cho vay là ở các thị trường bên ngoài. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam vẫn sống dựa trên 90% ở thị trường trong nước.

Theo TS. Phan Hồng Mai (Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân), khi Việt Nam mở cửa hơn nữa thị trường ngân hàng, rất có khả năng, ngân hàng trong nước sẽ bị ngân hàng khu vực thôn tính dưới nhiều hình thức. Do đó, để chuẩn bị cạnh tranh, các ngân hàng nội phải mở rộng quy mô. Để làm được điều này, NHNN cần tính tới việc sớm nới room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank đã lên tiếng đề nghị Chính phủ xem xét nới room hơn nữa đối với lĩnh vực ngân hàng.

Tuy vậy, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, việc nới room sẽ đem lại nhiều thách thức trong giám sát những ngân hàng này. Đồng thời, nếu việc nới room được thực hiện đồng thời với quy định cho phép tự do luân chuyển vốn sẽ gây ra nguy cơ khủng hoảng cho cả hệ thống, nếu hoạt động bán tháo diễn ra ồ ạt.

Ngân hàng ngoại vươn sang doanh nghiệp nội
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hầu như nắm trọn khối khách hàng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và còn muốn vươn ra các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư