Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng bảo lãnh dự án nhằm sàng lọc chủ đầu tư
Thùy Vinh - 23/07/2015 14:45
 
Theo quy định tại Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ ngày 1/7, chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh nếu muốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể, chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, ngân hàng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Trường hợp dự án không triển khai tiếp được, ngân hàng sẽ thay mặt chủ đầu tư hoàn trả lại tiền cho người mua nhà.
.
Đã có không ít ngân hàng ký bảo lãnh dự án với chủ đầu tư bất động sản

 

Quy định trên là yếu tố để làm lành mạnh thị trường bất động sản, giúp giá ổn định. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đòi hỏi các dự án phải có ngân hàng bảo lãnh đồng nghĩa với việc sàng lọc, lành mạnh hóa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, bởi ngân hàng phải thận trọng khi chọn dự án bảo lãnh.

Thực tế cho thấy, việc bảo lãnh của các ngân hàng hiện nay không thực hiện với những dự án đã được chủ đầu tư đem thế chấp ở ngân hàng khác. Bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng phải chọn lọc kỹ dự án bảo lãnh, bởi sau khi ký bảo lãnh với chủ đầu tư, Eximbank sẽ thay mặt chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi của toàn bộ khách hàng. Việc đó sẽ làm tăng thanh khoản cho dự án, cũng như tạo niềm tin cho người mua và nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển minh bạch, phù hợp với xu hướng hội nhập.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB, ông Trương Đình Long cho hay, ngân hàng thường nhận bảo lãnh đối với những dự án mà ngân hàng tài trợ. Như vậy, dự án bất động sản đã được thẩm định kỹ trước đó, nên việc để xảy ra tình trạng giao nhà không đúng tiến độ là rất khó xảy ra.

Mặt khác, theo lý giải của ông Long, thời kỳ bong bóng bất động sản đã qua, nhu cầu mua nhà bây giờ là nhu cầu thật bởi 2 đối tượng: mua nhà để hoặc đầu tư thận trọng, thay vì đầu tư vào các kênh khác mạo hiểm hay gửi tiết kiệm lãi suất thấp. Vì thế, việc ngân hàng đẩy mạnh bảo lãnh dự án cũng không quá rủi ro.

Mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn, nhưng đã có không ít ngân hàng ký bảo lãnh dự án với chủ đầu tư bất động sản. Techcombank đã bảo lãnh cho Dự án

Masteri Thảo Điền hay OCB, ACB, HDBank bảo lãnh các dự án của Sacomreal… Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đã ký kết với Eximbank về việc hợp tác bảo lãnh, cam kết thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà; VPBank bảo lãnh cho các dự án của Novaland…

Theo lãnh đạo một ngân hàng, bảo lãnh cho các dự án bất động sản hiện nay không được ngân hàng lựa chọn theo tiêu chí nào, mà chỉ nhận bảo lãnh cho những dự án do chính ngân hàng đã tài trợ vốn.

Theo các quy định hiện hành, ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ tự thỏa thuận về mức phí bảo lãnh, dựa theo các nguyên tắc của thị trường và tùy thuộc vào mức độ rủi ro, cũng như tính khả thi của dự án, đồng thời phụ thuộc vào uy tín và xếp hạng tín nhiệm của chính chủ đầu tư. Như vậy, chủ đầu tư có xếp hạng tín nhiệm cao thì phí bảo lãnh dự án sẽ thấp và ngược lại. Vì thế, theo các chuyên gia, không thể có chuyện dự án bất động sản khác nhau về mức độ rủi ro lại được cào bằng về mức phí bảo lãnh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tất cả các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam đều có quyền bảo lãnh, trừ những ngân hàng thương mại đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt như, Ocean Bank, GP Bank.

Tuy nhiên, theo ông Minh, thực tế hiện nay, tất cả các dự án bất động sản đều có vay vốn ngân hàng thương mại. Vì thế, khi các dự án bất động sản có vay vốn ngân hàng triển khai thì khi bán hoặc cho thuê mua nhà sẽ đồng thời nhờ ngân hàng bảo lãnh căn hộ hình thành trong tương lai.

Ban hành quy định về việc ngân hàng bảo lãnh bất động sản
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 07/2015/TT - NHNN quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư