"Phải bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai"
Mạnh Bôn - 22/07/2015 08:24
 
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015) chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết, nhưng TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phải kiên quyết thực hiện quy định về bảo lãnh giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai, không có trường hợp ngoại lệ.
.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ý tưởng nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng do ông đề xuất đã được quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến không đồng tình?

Tôi theo dõi hoạt động giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai trước và sau thời điểm Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực và thấy rằng, hầu hết doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính đều không phản đối, đặc biệt là chủ đầu tư những dự án đã xong nền móng, xây thô, hoàn thiện và thu tiền theo tiến độ hoàn thành công trình.

Trên thực tế, chỉ những doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, vốn liếng chẳng có, hoạt động bằng cách thu tiền của khách hàng mua dự án, thậm chí cả dự án chưa khởi công, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai dự án cũ, mới phản ứng quyết liệt.

Một số doanh nghiệp cho rằng, Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nên “mềm hóa” quy định này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ý ông thế nào?

Mục đích của việc ban hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 không chỉ phát triển thị trường bất động sản, mà phải lành mạnh hóa thị trường. Mọi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao dịch trên thị trường này phải thống nhất nguyên tắc là đưa thị trường vào hoạt động lành mạnh. Theo tôi, phải kiên quyết thực hiện quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, không vì bất cứ lý do gì để “biến tướng” quy định này mà được nhiều người gọi là “mềm hóa” hay “uyển chuyển phù hợp với tình hình thực tế”.

Nhưng cũng không phải không có lý khi có ý kiến cho rằng, chỉ nên phân loại chủ đầu tư, những chủ đầu tư có uy tín thì không nhất thiết phải có sự bảo lãnh của ngân hàng đối với nhà ở hình thành trong tương lai?

Tôi xin nhắc lại là phải kiên quyết thực hiện quy định về bảo lãnh giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai, không có trường hợp ngoại lệ. Chủ đầu tư có uy tín lại càng cần có thêm sự bảo lãnh để tăng sự uy tín, vì ai cũng biết, trong kinh doanh “chữ tín quý hơn vàng”.

Quan điểm của tôi trước sau như một là bất động sản hình thành trong tương lai trước khi bán, cho thuê mua phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực đứng ra bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được tình trạng không ít chủ đầu tư đã kiệt quệ về tài chính lấy tiền của dự án sau đầu tư cho dự án trước, đẩy rủi ro cho người mua nhà, thậm chí có rất nhiều trường hợp người mua nhà đã bị mất tiền vì chủ đầu tư “bán nhà trên giấy”, lấy tiền của khách hàng đầu tư vào các lĩnh vực khác, thậm chí chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

Vấn đề đặt ra là phí bảo lãnh thường bằng khoảng 2% giá trị tài sản khiến giá nhà ở tăng đáng kể, thưa ông?

Không có quy định nào ấn định hay quy định khung phí bảo lãnh. Trên thị trường dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng cũng cạnh tranh rất dữ dội, ngân hàng nào đưa ra mức phí bảo lãnh cao sẽ không cạnh tranh được. Hơn nữa, nếu chủ đầu tư đưa toàn bộ phí bảo lãnh vào giá bán sản phẩm thì sẽ rất khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh cung trên thị trường bất động sản đã vượt quá cao so với nhu cầu thực tế. Vì thế, phí bảo lãnh sẽ không gây áp lực lên giá bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Phí bảo lãnh do hai bên thỏa thuận, chủ đầu tư càng có uy tín thì phí bảo lãnh càng thấp và ngược lại. Chính vì thế, chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục về đầu tư, quy hoạch; thực hiện đầy đủ cam kết với khách hàng, nâng cao uy tín, thương hiệu để giảm phí bảo lãnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản