Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng chạy đua đạt chuẩn Basel II
Vân Linh - 04/12/2018 19:28
 
Đến nay, mới có 3 ngân hàng đáp ứng quy định của Hiệp ước Basel II.

Mới có 3 ngân hàng hoàn tất yêu cầu 

Việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khác. 

.
NHNN khuyến khích các ngân hàng, song cũng sẽ có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn với các ngân hàng thực hiện Basel II sớm

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch, tăng sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. 

Nhằm đảm bảo chuẩn mực quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. 

Theo kế hoạch, đầu năm 2018, việc thí điểm này sẽ hoàn thành, sau đó mở rộng áp với các ngân hàng thương mại khác. Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, năm 2020, tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Tuy nhiên, đến nay, sau 4 năm triển khai, mới có Vietcombank, OCB và VIB hoàn tất việc này. 

Lý do chính dẫn đến sự chậm trễ này là các ngân hàng chưa thể tăng vốn như dự kiến.

Chạy đua với chuẩn Basel II

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, với các ngân hàng đã đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngay từ đầu năm 2019, các nhà băng sẽ được cấp chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác. 

Nhằm đảm bảo chuẩn mực quốc tế, NHNN đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.

Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cho hay, việc áp dụng chuẩn Basel II có lợi cho VIB nói riêng và toàn hệ thống nói chung trong quản lý rủi ro.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên yêu cầu các ngân hàng thương mại sớm áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về an toàn vốn ngay năm 2019 và thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngân hàng gắn liền xử lý nợ xấu. Thực tế, Vietcombank, VIB đã sớm tất toán nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Riêng OCB tính cuối tháng 9/2018, chỉ giữ 242 tỷ đồng trái phiếu của VAMC, giảm 67% so với đầu năm. 

Theo NHNN, hệ số CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Trong đó, CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4%, của khối ngân hàng thương mại cổ phần là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. 

Với định hướng đến năm 2019 - 2020, ngành ngân hàng hoàn tất tăng vốn nhóm quốc doanh để đạt chuẩn Basel II, không chỉ với các nhà băng quy mô nhỏ và vừa chạy đua tăng vốn, mà ngay cả những nhà băng quy mô lớn trong ngành cũng khó tránh vòng xoáy này.

Theo phương án trình cổ đông, BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau tăng cho một nhà đầu tư là KEB Hana Bank. Theo đó, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng. 

Trong khi đó, VPBank vừa xin phép NHNN áp dụng toàn phần tiêu chuẩn Basel II trong quản trị rủi ro từ đầu năm 2019, sớm 1 năm so với yêu cầu của NHNN. 

HDBank cho biết, từ năm 2015-2016, Ngân hàng đã lên các kịch bản chuẩn bị đáp ứng yêu cầu từ trước khi NHNN ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN với các chuẩn mực tương tự Basel II. 

Về phần mình, Sacombank khởi động Dự án “Mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng”, triển khai phần mềm xếp hạng tín dụng... Thông qua việc triển khai các dự án này cùng với Dự án “Hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro”, Sacombank đang đẩy nhanh quá trình hoàn thành phương pháp tiêu chuẩn (Standard Approach - SA) và tiến tới phương pháp tiếp cận nội bộ của Basel II. 

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN khuyến khích các ngân hàng, song cũng sẽ có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn với các ngân hàng thực hiện Basel II sớm. Điều đó cho thấy, NHNN tạo điều kiện cho ngân hàng, nhưng ngân hàng cũng phải thể hiện trách nhiệm đối với NHNN.

Áp lực nâng hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II
Tăng vốn đang là nhiệm vụ nặng nề đối với các ngân hàng khi lộ trình áp chuẩn quy định theo thông lệ quốc tế đang cận kề.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư