Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Áp lực nâng hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II
Thùy Vinh - 15/10/2018 09:48
 
Tăng vốn đang là nhiệm vụ nặng nề đối với các ngân hàng khi lộ trình áp chuẩn quy định theo thông lệ quốc tế đang cận kề.

Thời hạn thực hiện chuẩn Basel II cận kề

Năng lực quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại đang dần tiệm cận chuẩn theo Hiệp ước Basel II. Phần lớn các ngân hàng thương mại đều chủ động lên kế hoạch áp dụng chuẩn Basel II, một số ngân hàng đã công bố hoàn thành việc triển khai hệ thống quản lý rủi ro và một số ít đã chuyển sang giai đoạn áp dụng chuẩn Basel II trong hoạt động. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các ngân hàng là việc tăng vốn điều lệ, đặc biệt với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV.

.
Theo ước tính, tới cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II

Trong khi đó, bên cạnh việc thực hiện giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% vào đầu năm 2019, các ngân hàng còn chịu các áp lực khác. 

Cụ thể, từ năm 2018 đến 2021, các tổ chức tín dụng sẽ phải loại trừ dần một số khoản mục khỏi vốn cấp 2 riêng lẻ. Việc này cũng ảnh hưởng đáng kể đến vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR). 

Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định, các khoản loại trừ khỏi vốn cấp 2 riêng lẻ gồm: trái phiếu chuyển đổi do tổ chức tín dụng khác phát hành, nợ thứ cấp do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành mà tổ chức tín dụng mua, đầu tư theo quy định của pháp luật. 

Nhu cầu tăng vốn lớn

Mặc dù hoạt động ngân hàng đã có những chuyển dịch theo hướng lành mạnh hơn, nhưng theo các chuyên gia, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là áp lực tăng vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng thương mại. Hệ số CAR của các ngân hàng thương mại hiện nay theo chuẩn của Ngân hàng Nhà nước vẫn đạt yêu cầu là trên 9%, nhưng nếu áp theo chuẩn Basel II thì chưa đạt yêu cầu (phải dưới 8%).

Thời gian tới, để đảm bảo hệ số CAR theo Basel II, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn là các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng hệ số CAR. Thời gian tới, để đảm bảo hệ số CAR theo Basel II, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước. Việc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 35.978 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 10% được xem là tín hiệu tích cực cho nhà băng này. 

Với BIDV, ngân hàng này đã đưa ra một số phương án như chi cổ tức bằng cổ phiếu, đề nghị Bộ Tài chính dành tiền để tăng vốn, nhưng không được đồng ý; đề xuất phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước, nhưng phương án này không được nhà đầu tư trong nước quan tâm nhiều. Phương án khả thi nhất là phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chưa được chấp thuận.

Chia sẻ vấn đề này, bà Dung Vũ, chuyên gia phân tích của StoxPlus cho rằng, bên cạnh những tín hiệu lạc quan về hoạt động của ngành ngân hàng, thì vẫn còn đó những cảnh báo. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn cao, gây áp lực lên hệ số CAR. 

Từ nay tới cuối năm 2020, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính, các ngân hàng phải tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Do đó, các ngân hàng cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp cho việc bổ sung vốn từ nay đến năm 2020.

Chạy đua tăng vốn theo chuẩn Basel II
Mối lo lớn của các ngân hàng hiện nay là áp lực tăng vốn ngày càng lớn khi thời điểm áp dụng các chuẩn mực quốc tế đang đến gần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư