Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Ngân hàng đau đầu với việc trích lập dự phòng
Thùy Vinh - 26/08/2013 08:07
 
Trong các tháng đầu năm nay, cho dù phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng đã được dành để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, song nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng. Rõ ràng, chỉ riêng việc trích lập dự phòng thì chưa thể giải quyết vấn nạn nợ xấu của toàn ngành.

Tính đến cuối tháng 6/2013, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có tổng cộng 5.289 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 9,04% tổng dư nợ; trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 3.186 tỷ đồng. ACB có 946 tỷ đồng nợ nghi ngờ và 1.782 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng lần lượt 40,6% và 55% so với cuối năm 2012.

Ngân hàng đã dành nhiều lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, song nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng

Tính đến hết quý II/2013, nợ xấu của Eximbank là 1.200 tỷ đồng, chiếm 1,49% tổng dư nợ.

Nợ xấu của Techcombank cũng tăng mạnh, lên gần 2.400 tỷ đồng (chiếm hơn 5% tổng dư nợ). Tương tự, nợ xấu (nhóm 3 - 5) của Navibank là 6,11% tổng dư nợ…

Chính nợ xấu gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng khoản trích lập dự phòng và đương nhiên, kết quả lợi nhuận bị thu hẹp, thậm chí, một số ngân hàng, như Navibank… còn báo lỗ.

Trong quý II/2013, do nợ xấu tăng, nên chi phí được trích lập dự phòng rủi ro của Navibank là 25,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với quý II/2012.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Navibank âm 11,32 tỷ đồng, so với mức lãi 43,78 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Navibank là 10,52 tỷ đồng, giảm 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng chưa được cải thiện, nên các ngân hàng e ngại lợi nhuận sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra. Vì thế, có thể nhiều ngân hàng sẽ không chi trả cổ tức cho cổ đông năm nay, mà giữ lại lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của OCB đạt 154 tỷ đồng, gần bằng 50% chỉ tiêu kế hoạch năm (là 320 tỷ đồng). “Thế nhưng, để phòng ngừa rủi ro trước diễn biến khó khăn hiện nay, các cổ đông lớn của OCB đã đề nghị giữ lại lợi nhuận và không chi trả cổ tức cho cổ đông”, ông Tùng nói.

Thực tế, với xu hướng nợ xấu gia tăng chưa có điểm dừng, thì điều tiên quyết đối với các ngân hàng là phải trích lập đầy đủ các khoản dự phòng. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, để giải quyết bài toán nợ xấu, thì chỉ riêng biện pháp trích dự phòng rủi ro của các ngân hàng là chưa đủ.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu, nhưng biện pháp chính vẫn là trích lập dự phòng. Việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời được xem là động lực mới để xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, song dẫu sao, VAMC cũng chỉ là một công cụ, không thể giải quyết được hết mọi vấn đề liên quan đến nợ xấu.

Trong khi đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn có xu hướng tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ xấu của ngành đã dẫn tới số tiền trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao tăng từ 64.200 tỷ đồng cuối năm 2012 lên 71.700 tỷ đồng cuối tháng 5/2013, tăng 7.500 tỷ đồng.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước nhận xét, cho dù mức trích lập dự phòng tăng cao, song vẫn còn thấp hơn so với mức phải trích, nếu thực hiện đúng theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ…).

Vì thế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ, trước khi thực hiện chính sách chi trả cổ tức cho các cổ đông.

VAMC “tắc” vì điều kiện mua nợ khắt khe
Sau 1 tháng ra mắt, đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chưa mua được khoản nợ xấu nào, do chưa đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư